Bên trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ô tô Dongfeng Honda ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Bên trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ô tô Dongfeng Honda ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nghiệp chế tạo châu Á “vén” mây đen Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Các chỉ dấu cho thấy ngành công nghiệp chế tạo châu Á đang vùng vẫy ra khỏi “bóng ma” Covid-19, nhất là khi Trung Quốc nhấn ga tăng tốc trong tháng 8.

Sức hồi phục chưa đồng đều

Ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc trong tháng 8 tăng tốc nhanh nhất trong gần 10 năm qua với sản lượng từ các nhà máy tăng đáng kể nhờ nhu cầu thế giới đang hồi phục. Theo kết quả khảo sát tư nhân công bố sáng nay 1/9, chỉ số PMI Caixin/Market của Trung Quốc trong tháng 8 tăng lên 53,1 điểm, từ mức 52,8 trong tháng 7, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc.

Chỉ số PMI Caixin/Markit đạt 53,1 cũng là mốc điểm cao nhất của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc kể từ tháng 1/2011, trong khi đó số đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc trong tháng 8 cũng lần đầu tiên tăng trưởng kể từ đầu năm đến nay.

Thế nhưng, kết quả trên lại trái ngược với khảo sát chính thức mà Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm qua 31/8 rằng tăng trưởng sản xuất của các nhà máy trong tháng 8 đã chậm lại.

Nhiều nhà phân tích tỏ ra ủng hộ quan điểm này khi lập luận dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số nền kinh tế lớn khiến doanh nghiệp tạm ngưng quyết định mở rộng hoạt động, đồng nghĩa đà phục hồi kinh tế của châu Á bị chững lại.

“Tại hầu hết các nền kinh tế lớn của châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, các nhà máy vẫn đang hoạt động dưới công suất so với thời điểm trước dịch Covid-19”, ông Ryutaro Kono, chuyên gia về kinh tế Nhật Bản từ Tập đoàn tài chính BNP Paribas (Pháp) cho biết. Theo chuyên gia này, đà phục hồi mới đây của các nền kinh tế là nhờ nhu cầu bị dồn nén bấy lâu đã bung ra sau khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ.

Trong khi đó, đà suy giảm sản lượng của các nhà máy ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 8 đã xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Nhiều ý kiến cho rằng hai cường quốc xuất khẩu này đã trải qua điều tồi tệ nhất do nhu cầu hàng hóa toàn cầu đóng băng vì Covid-19 thời gian qua.

Với Hàn Quốc, chỉ số PMI cũng tăng từ 46,9 trong tháng 7 lên 48,5 trong tháng 8, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, dù chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy ngành/lĩnh vực được khảo sát đang suy giảm.

Mặt khác, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8 tiếp tục hứng chịu tháng suy giảm thứ 6 liên tiếp, nhưng tin vui là nhu cầu toàn cầu có dấu hiệu ấm dần lên. “Xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2020 và tăng trưởng trong năm 2021”, bà Chun Kyu-yeon, chuyên gia kinh tế tại Công ty đầu tư tài chính Hana (Hàn Quốc) đánh giá. Lý giải cho quan điểm này, nữ chuyên gia cho rằng, nhu cầu toàn cầu đã có dấu hiệu tăng trở lại cùng với đà hồi phục kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng quan điểm trên về kinh tế và xuất khẩu của Hàn Quốc là quá lạc quan, bởi chỉ số PMI của Hàn Quốc chưa gắn với tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát trong nửa cuối tháng 8.

Nhìn sang các thị trường khác, sức hồi phục của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đem lại tác động tích cực cho ngành công nghiệp chế tạo châu Á nói chung, nhưng sức lan tỏa là không đồng đều. Trong khi ngành công nghệ chế tạo của Đài Loan và Indonesia đã tăng trưởng trở lại, thì hoạt đông sản xuất tại Philippines và Malaysia vẫn suy giảm.

Lo ngại “tân quan, tân chính sách” ở Nhật Bản

Kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 nhờ các gói kích thích tài khóa và tiền tệ “khổng lồ” được áp dụng trước đó.

Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng sức phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn còn rất yếu ớt trước những làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị đình trệ và nhiều quốc gia chưa thể mở cửa toàn bộ nền kinh tế.

Theo khảo sát của Ngân hàng au Jibun Bank (Nhật Bản), chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Nhật Bản trong tháng 8 tăng lên 47,2 điểm, từ 45,2 điểm trong tháng 7. Cũng theo khảo sát này, sản lượng các nhà máy ở Nhật Bản trong tháng 7 tăng nhanh nhanh nhất từ trước đến nay, do các hãng sản xuất ô tô hối hả tăng công suất sau vài tháng ngừng hoạt động vì dịch Covid-19.

Số liệu khảo sát cho thấy trong quý II/2020 các doanh nghiệp Nhật Bản đã cắt giảm chi phí vốn xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về tác động của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp Nhật Bản co cụm và “chùn tay” ra quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đang chứng kiến biến động lớn trên chính trường khi Thủ tướng Shinzo Abe tuần trước đột ngột tuyên bố sẽ từ chức, làm dấy lên những lo ngại về những thay đổi chính sách ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings nghi ngại, việc chuyển giao quyền lực ở Nhật Bản có thể dẫn đến quãng thời gian chính sách bị “tê liệt” hoặc bất ổn, mà thực tế điều này đã từng xảy ra ở Nhật Bản trước năm 2012.

Tin bài liên quan