Công cụ tài chính trong thị trường biến động

Công cụ tài chính trong thị trường biến động

(ĐTCK-online) Tỷ giá không chỉ diễn biến tăng nhẹ trong khoảng 1% như vài năm trước, trong vài tháng trở lại đây, tỷ giá đã liên tục biến động. Sự biến động này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tình hình xuất, nhập khẩu của một số DN.

Khi một số NHTM Việt Nam đã được phép kinh doanh ngoại tệ thì việc sử dụng các công cụ tài chính tiền tệ là một hướng giải quyết cho các DN hiện nay. Các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá ở đây chính là: hợp đồng tương lai (future contracts), hợp đồng kỳ hạn (forward contracts) hay hợp đồng hoán đổi (Swap). Trong phạm vi bài viết này, xin nêu ra một số biện pháp ngăn ngừa rủi ro biến động tỷ giá bằng việc sử hợp đồng kỳ hạn (HĐKH) cho các DN Việt Nam có liên quan tới hoạt động xuất, nhập khẩu.

Ví dụ, vào ngày 5/6/20008, một DN xuất khẩu cà-phê ký kết hợp đồng giao dịch trị giá 1 triệu USD với một công ty kinh doanh cà-phê tại Mỹ. Thời điểm giao hàng và thanh toán là ngày 5/9/2008. Tỷ giá USD/VND hiện là 16.280 đồng, tuy nhiên tỷ giá trong ba tháng tới là điều không thể biết trước, trường hợp USD mất giá khiến tỷ giá trong 3 tháng tới chỉ còn 15.280 đồng chẳng hạn, như vậy DN sẽ mất đi 1.000 đồng/USD, tương đương 1.000 x 1.000.000 = 1 tỷ đồng. Trong trường hợp này, DN trên có thể loại bỏ một phần rủi ro bằng việc ký một hợp đồng forward bán 1 triệu USD trong vòng 3 tháng tới với một trong số các NHTM có kinh doanh ngoại tệ. Ví dụ, hiện tại trên thị trường, tỷ giá USD/VND forward 3 tháng mua vào của các NHTM là 16.200 đồng, nếu như DN muốn chốt tỷ giá trao đổi cho 1 triệu USD sẽ nhận được trong vòng 3 tháng tới mà không cần quan tâm tới sự biến động của tỷ giá trong tương lai, thì có thể ký hợp đồng forward bán ngoại tệ ở tỷ giá trên. Trong trường hợp DN quyết định thực hiện nghiệp vụ này, khoản tiền mà DN thu về vào ngày 5/9/2008 sẽ là 16.200.000.000 đồng, cho dù tỷ giá USD/VND có biến động thế nào đi chăng nữa. Chứng minh cho ví dụ trên, chúng ta hay xem xét hai trường hợp có thể xảy ra vào ngày 5/9/2008:

- Tỷ giá USD/VND là 15.280 đồng. DN bán cà-phê thu về 1 triệu USD, quy đổi thành 15.280.000.000 đồng và thực hiện HĐKH. Một điều chú ý ở đây là, tỷ giá của HĐKH luôn có xu hướng bám sát với tỷ giá giao ngay (spot rate), cho nên vào thời điểm ngày 5/9, tỷ giá forward sẽ xấp xỉ 15.280 đồng, do đó việc thực hiện HĐKH ( được bán ở 16.200 đồng và mua một HĐKH khác ở tỷ giá hiện tại 15.280 đồng để đóng lại vị thế) sẽ đem lại khoản chênh lệch 920 đồng/USD, tương ứng 920.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền mà DN này thu vào là 15.280.000.000 + 920.000.000 = 16.200.000.000 đồng, tương ứng với tỷ giá 16.200 đồng.

- Tỷ giá USD/VND là 17.000 đồng, DN xuất khẩu thu về 1 triệu USD, tương đương 17 tỷ đồng, nhưng với việc thực hiện HĐKH (bán ở tỷ giá 16.200 đồng như trong hợp đồng và mua lại ở tỷ giá 17.000 đồng để đóng lại vị thế), DN sẽ mất đi 800 đồng/USD, tương ứng 800.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền thu về của DN là 16.200.000.000 đồng.

Ví dụ trên minh họa cho việc sử dụng công cụ tài chính để ngăn ngừa những thua lỗ bằng việc chốt tỷ giá ở ngưỡng DN chấp nhận được. Xin nêu thêm một ví dụ khác về việc sử dụng HĐKH, nhưng lần này là trong trường hợp DN nhập khẩu muốn ngăn ngừa rủi ro từ  việc tỷ giá tăng lên đột ngột:

Một DN cần phải nhập máy móc có giá trị 1 triệu USD, việc thanh toán được thực hiện bằng USD trong vòng ba tháng tới. Tỷ giá hiện tại là 16.280 đồng, đề phòng trường hợp tỷ giá tăng gây thiệt hại về mặt tài chính, DN có thể ký một hợp đồng forward mua 1 triệu USD trong vòng 3 tháng tới ở tỷ giá 16.300 đồng. Với hợp đồng này, cho dù tỷ giá có vận động thế nào đi chăng nữa, DN cũng chỉ phải chi 16,3 tỷ đồng để thanh toán 1 triệu USD. Giả sử tỷ giá USD/VND sau ba tháng là 17.000 đồng, nếu không có hợp đồng forward, DN sẽ mất 420 đồng/USD, tương đương 420 triệu đồng cho 1 triệu USD. Như vậy, rõ ràng DN đã tránh được việc tổn thất 400 triệu đồng ([17.000 -16.300] x 1.000.000 = 400.000.000) từ việc sử dụng forward ngăn ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.

Chính vì vậy, lời khuyên cho các DN là, nên sử dụng các nghiệp vụ tài chính mới để ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Cơn "sốt" USD trên "chợ đen" vừa qua khiến cho các DN xuất khẩu vừa và nhỏ không tránh khỏi lo lắng, tuy nhiên nếu bình tĩnh phân tích các thông cáo đưa ra từ phía NHNN trong vài ngày qua, cũng như kết hợp việc sử dụng các công cụ ngăn ngừa rủi ro như trên, các DN hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề tài chính, tập trung vào việc sản xuất - kinh doanh.