Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Công bố xếp hạng Profit 500 năm 2020, đại gia cũng lao đao vì dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảng xếp hạng Profit 500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp làm ăn tốt nhất cho thấy, triển vọng kinh doanh năm 2020 là rất khó khăn do tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Vẫn những cái tên quen thuộc

Trong bảng xếp hạng Profit 500 năm nay vẫn là những tên tuổi quen thuộc, một số ngành tiếp tục ghi nhận có số lượng doanh nghiệp nhiều trong bảng xếp hạng như xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành tài chính (11,6%), ngành thực phẩm Đồ uống (10,9%%), ngành điện (6,3%).

Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020

Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020

Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit 500, nhìn chung ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit 500 đạt 11,4%, giảm nhẹ so với mức 11,9% trong Bảng xếp hạng Profit 500 năm 2019. Tuy nhiên, chỉ số ROE bình quân của các doanh nghiệp Profit đã tăng lên 21,7% (so với mức 20,9% năm 2019) cũng cho thấy phần nào hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit 500 có chiều hướng tốt hơn.

Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit 500 năm 2020 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể so với Bảng xếp hạng năm 2019.

Các doanh nghiệp FDI trong Bảng xếp hạng năm nay có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 12,5% so với mức 11,7% và 9,8% tương ứng của khối Nhà nước và ngoài Nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng nhỉnh hơn, với ROE của khối này là 25,2% so với mức 23,6% của khối doanh nghiệp Nhà nước và 20,8% của khối doanh nghiệp tư nhân.

ROA và ROE bình quân các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit 500 năm 2020


Tăng trưởng năm 2020 khó khả quan

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng Profit 500, Vietnam Report cũng đã công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt về thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, những biến động ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và định hướng trong thời kỳ “bình thường mới".

Trước tác động nặng nề kéo dài của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả những “ông lớn” trên thị trường cũng bị “ngấm đòn” từ tác động của đại dịch.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, gần 15% trong số đó có doanh thu bị sụt giảm mạnh.

Tương tự, tình hình lợi nhuận cũng không mấy khả quan khi có tới 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, đặc biệt trong số này có đến 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.

Để đối phó với khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 phù hợp và sát với thực tế hơn. Điều này được thể hiện rõ nét khi 77,1% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch doanh thu năm 2020, trong đó 36,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 80% kế hoạch cả năm.

Về mức độ hoàn thành lợi nhuận năm 2020, 68,9% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, 31,1% trong số đó đã hoàn thành trên 80% kế hoạch của cả năm 2020. Đáng chú ý, tính đến nay đã đi qua hơn nửa chặng đường năm 2020, vẫn có những doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh khả quan.

Mặc dù vậy, nhìn chung hầu hết các doanh nghiệp cùng có chung nỗi lo về nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại (98,3%) và tình hình tăng trưởng kinh tế không ổn định (71,2%), do đó đều thận trọng hơn trong việc đánh giá triển vọng kinh doanh trong năm 2020.

Kết quả khảo sát cho thấy 54,1% doanh nghiệp tham gia phản hồi lạc quan với triển vọng tăng doanh thu và 49,1% lạc quan với khả năng sinh lời trong năm 2020, thấp hơn so kết quả khảo sát năm 2019 với 82% doanh nghiệp dự kiến doanh thu tăng và 79% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng so với 2018.

Mức độ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 của doanh nghiệp tính tới hiện tại

Các chiến lược ứng phó và ưu tiên của nhóm Profit 500 trước đại dịch

Hầu hết các doanh nghiệp đã khẩn trương đưa ra nhiều biện pháp nhằm ứng phó lại các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để tránh tối đa nguy cơ phá sản, dừng hoạt động. Có 86,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang nỗ lực duy trì khách hàng trung thành, song song với đó, 66,7% doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính; 65,0% doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí; 53,3% doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mới; 50,1% doanh nghiệp thay đổi kế hoạch bán hàng, đổi mới cách thức Marketing.

Các chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm đã có nhiều thay đổi so với các năm trước. Top 4 chiến lược ưu tiên để tăng lợi nhuận trong những tháng cuối năm của doanh nghiệp, bao gồm: Thúc đẩy bán hàng (cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi... - chiếm 71,7%); Tìm kiếm và mở rộng thị trường (58,3%); Nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm mới (49,2%) và Cắt giảm chi phí (42,6%).

Bên cạnh đó, top 3 chiến lược của doanh nghiệp để chuẩn bị đưa chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh đó là Số hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65,0%); Phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số (58,3%) và Chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ (56,7%). Đồng thời, tăng cường đưa công nghệ ứng dụng vào các kênh phục vụ khách hàng, tiếp thị và bán hàng cũng như các dịch vụ phụ trợ như duyệt hồ sơ, chữ ký điện tử và nhận diện khuôn mặt.

Với những chiến lược này, 81,7% các doanh nghiệp Profit 500 kỳ vọng rằng sẽ tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; 66,7% cho rằng giúp tăng cường vị thế cạnh tranh và xây dựng thị phần; 58,3% mong muốn khám phá nhóm khách hàng tiềm năng, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng; 51,7% kỳ vọng mở rộng kênh phân phối để phát triển mạng lưới và 45% giúp tự động hóa các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng (45,0%).

Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong 1-2 năm tới

Theo kết quả khảo sát đánh giá những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong 1-2 năm tới của Vietnam Report, dược phẩm/y tế vươn lên vị trí dẫn đầu với 61,7% phản hồi (theo khảo sát năm 2019, dược phẩm/y tế đứng thứ 6 trong Top ngành tiềm năng). Ngành công nghệ thông tin/viễn thông đã rơi từ vị trí số 1 trong khảo sát năm ngoái xuống đứng vị trí thứ 2 trong năm nay với tỷ lệ 50,1% phản hồi, ngành tài chính/ngân hàng có 39,8% phản hồi, tăng 2 bậc so với kết quả đánh giá năm 2019.

Trong bối cảnh bất định kéo dài và lan rộng của dịch bệnh, ngành dược phẩm/y tế được nhiều doanh nghiệp đánh giá sẽ có triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới. Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin/viễn thông vẫn luôn giữ vững vị trí ổn định trong Top ngành triển vọng tăng trưởng trong nhiều năm qua.

Với sự đổi mới và cải tiến không ngừng của khoa học công nghệ và tình trạng “khát nhân lực” như hiện nay, công nghệ thông tin/viễn thông được coi là “miền đất hứa” của các doanh nghiệp Start-up và là hướng đi chiến lược của nhiều doanh nghiệp trong tương lai.

Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng trong 1-2 năm tới

4 đề xuất hỗ trợ để vượt qua khó khăn

Các doanh nghiệp nhóm Profit 500 đã nêu ra 4 vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên tập trung giải quyết để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn bao gồm Gia hạn nộp thuế (68,3%); Tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi (56,7%); Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (55,0%) và Ổn định kinh tế vĩ mô (51,7%).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất hỗ trợ giảm lãi vay ngắn hạn và đầu tư trung hạn, sửa đổi và nới lỏng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội cũng như giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng năm 2020, 25,1% doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh tế sẽ tăng trưởng dưới 3% trong năm 2020 và 61,7% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt từ 3% - 5%.

Với sự kiện hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA), công tác kiểm soát dịch tốt cùng môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là nơi có dòng vốn FDI chảy vào mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng thời cơ để “đón sóng” chuyển dịch FDI một cách chất lượng và hiệu quả.

Tin bài liên quan