Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)
Năm nay, dịch bệnh Covid -19 bùng phát trùng với thời điểm các doanh nghiệp phải công bố các thông tin quan trọng như báo cáo quản trị công ty, báo cáo tài chính năm 2019, cũng như tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên khiến các hoạt động này gặp nhiều khó khăn, dù cơ quan quản lý có các giải pháp hỗ trợ như cắt giảm thủ tục hành chính, hướng dẫn lùi thời hạn công bố thông tin vì lý do bất khả kháng, hỗ trợ gia hạn họp đại hội đồng cổ đông.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, giám sát trực tiếp các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trong khủng hoảng dịch bệnh vừa qua, ngoài các nguyên nhân khách quan thì việc chưa chủ động hoặc lúng túng trong việc đối phó với khủng hoảng còn có nguyên nhân chủ quan nằm trong nội tại doanh nghiệp, liên quan đến tính minh bạch và sự chủ động trong việc công bố thông tin, tính thực tiễn trong việc áp dụng thông lệ quản trị công ty.
Cụ thể, công tác phòng ngừa rủi ro chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều doanh nghiệp chưa thiết lập được bộ phận kiểm toán nội bộ nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và rà soát các rủi ro cũng như xây dựng các biện pháp nhằm tránh các rủi ro ở mức thấp nhất.
Công tác soạn thảo và cung cấp thông tin liên quan đến tài liệu họp đại hội đồng cổ đông còn chưa đầy đủ và chi tiết, ví dụ thông tin về các ứng viên mới cho vị trí hội đồng quản trị và ban kiểm soát chưa bao gồm các thông tin như trình độ đào tạo, chuyên môn, kinh nghiệm, ngày bổ nhiệm lần đầu, vị trí ở doanh nghiệp niêm yết khác…
Thông tin liên lạc giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp bị gián đoạn trong bối cảnh dịch bệnh với quy định về giãn cách xã hội, rất nhiều thông tin mà nhà đầu tư và cổ đông muốn tìm hiểu về công ty không được đáp ứng, một phần là do nhiều doanh nghiệp chưa có bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) và không công bố địa chỉ liên lạc cụ thể của cán bộ công bố thông tin.
Việc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông theo cách thức truyền thống gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải gia hạn vài lần mới tổ chức được đại hội.
Thông tin về những ảnh hưởng tiềm tàng của dịch bệnh đến nguồn vốn, ngành nghề kinh doanh chính và chuỗi cung ứng… ít được các doanh nghiệp công bố, các kế hoạch nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh không được trình bày cụ thể.
Từ thực tế trên, với vai trò là đơn vị quản lý trực tiếp các doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó với khủng hoảng nếu có trong tương lai trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Thứ nhất, bổ sung cách thức họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến vào điều lệ công ty để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho cổ đông tham dự, biểu quyết.
Thứ hai, xác định tầm quan trọng và thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ, coi đó là nhu cầu thiết yếu đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Thứ ba, chú trọng xây dựng bộ phận quan hệ nhà đầu tư, thay vì sử dụng nhân sự kiêm nhiệm, bộ phận quan hệ nhà đầu tư sẽ là cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, cung cấp thông tin cũng như giải đáp các thắc mắc từ phía nhà đầu tư.
Thứ tư, chuẩn bị kế hoạch truyền thông nội bộ để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, chẳng hạn tăng cường và chủ động trong việc công bố thông tin tự nguyện, các thông tin cho nhà đầu tư về kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, hoặc kế hoạch hoạt động để giảm thiểu nỗi lo lắng và củng cố niềm tin của các bên liên quan.
Thứ năm, xây dựng hệ thống quản trị vững mạnh bằng cách đưa các nguyên tắc quản trị công ty vào áp dụng một cách thực chất. Chỉ có áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty mới đảm bảo chất lượng của các thông tin mà doanh nghiệp công bố trên thị trường có độ tin cậy cao và có khả năng nâng tầm uy tín cho doanh nghiệp.