Công bố thông tin: Chậm là phạt

Công bố thông tin: Chậm là phạt

(ĐTCK) Vi phạm quy định về công bố thông tin (CBTT) chiếm phần lớn trong các trường hợp bị UBCK xử phạt từ đầu năm đến nay. Chế tài đối với vi phạm CBTT sắp tới, theo lãnh đạo Ủy ban, sẽ còn nặng hơn.

Vi phạm CBTT bị phạt nhiều nhất

Theo dữ liệu được cập nhật trên website của UBCK, từ đầu năm đến nay, đã có 38 trường hợp bị UBCK xử phạt vi phạm hành chính. Đáng chú ý, ngoài vài trường hợp vi phạm các quy định về giao dịch mua lại cổ phiếu và bán cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo UBCK, chậm báo cáo UBCK kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ, báo cáo không đúng thời hạn quy định khi không còn là cổ đông lớn…, vi phạm quy định về CBTT theo Thông tư 52/2012 chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tổ chức bị xử phạt mới nhất theo cập nhật của UBCK tính đến ngày 12/6 là CTCP Bảo hiểm Viễn Đông. Theo đó, Công ty bị phạt 50 triệu đồng do không báo cáo UBCK hàng loạt tài liệu như: báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011; báo cáo thường niên các năm 2010, 2011; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2012… Đáng chú ý, các hành vi vi phạm này của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông đã bị cổ đông, nhà đầu tư phát hiện và nhiều lần phản ánh trên công luận thời gian qua.

Theo UBCK, trường hợp cá nhân bị xử phạt do vi phạm quy định CBTT mới nhất là bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Đặng Thành Tâm, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Việt (NVB). Bà Thanh bị xử phạt do báo cáo không đúng thời hạn kết quả thực hiện giao dịch bán 12.951.771 cổ phiếu NVB, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 28, Thông tư 52/2012.

Ngoài các hình thức vi phạm vừa nêu, các trường hợp vi phạm khác về CBTT diễn ra phổ biến dưới các hình thức: chậm báo cáo và CBTT với Sở GDCK về miễn nhiệm thành viên HĐQT, thành viên ban giám đốc; báo cáo không chính xác mục đích thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu; CTCK thiết lập trang thông tin điện tử chưa tuân thủ đúng quy định…

 Công bố thông tin: Chậm là phạt ảnh 1Cố tình công bố thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán sẽ bị phạt tới 1,2 - 1,4 tỷ đồng

Chế tài xử phạt sẽ nặng hơn

Để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm về CBTT, cũng như có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm CBTT mà quy định pháp lý hiện hành chưa có, lãnh đạo UBCK cho biết, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 85/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành, có đưa ra một loạt chế tài xử lý theo hướng tăng nặng.

Đơn cử như với hành vi trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc CBTT sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường, theo quy định hiện hành, đối tượng vi phạm bị phạt 500 triệu đồng. Nhưng mức phạt này được nâng lên từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 85/2010.

Cũng theo quy định của Nghị định 85/2010, các trường hợp vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người được ủy quyền CBTT, giao dịch chứng chỉ quỹ của các đối tượng có liên quan, tùy tính chất và mức độ vi phạm mà ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải nộp lại mọi khoản lợi nhuận thu được cho công ty đại chúng… Để tăng tính răn đe, ngoài các hình thức xử phạt như quy định hiện hành, Bộ Tài chính còn kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch đối với chứng khoán của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, quỹ đại chúng dạng đóng trong thời hạn từ 1 - 6 tháng.

Một nội dung mới nữa trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 85/2010 là CTCK, công ty quản lý quỹ nếu vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ báo cáo và CBTT, ngoài việc bị phạt bằng tiền, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn...

Theo UBCK,  các vi phạm về CBTT diễn ra trong thời gian qua do các DN chưa nắm kỹ quy định về chế độ báo cáo, CBTT, nên có trường hợp chỉ CBTT trên website của DN, nhưng không báo cáo Sở GDCK hoặc UBCK. Một số DN do khó khăn, nên hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động nên không thực hiện nghĩa vụ về báo cáo và CBTT. Đối với giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người có liên quan, vi phạm chiếm tỷ lệ lớn là không báo cáo, không CBTT trước khi giao dịch, không báo cáo thay đổi sở hữu của cổ đông lớn, chậm báo cáo kết quả giao dịch… Các đối tượng vi phạm giải trình nguyên nhân vi phạm do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật chưa cao… Tuy nhiên, không loại trừ việc cố tình vi phạm do một số vi phạm là tái phạm