Công bố báo cáo kiểm toán, ngân hàng kiểm soát tốt nợ xấu của năm Covid-19

Công bố báo cáo kiểm toán, ngân hàng kiểm soát tốt nợ xấu của năm Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính kiểm toán 2020 của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy, dù đối mặt với một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng các ngân hàng đều ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt ở hầu hết các chỉ tiêu, đặc biệt là nợ xấu được kiểm soát tốt.

Về cơ bản, các số liệu công bố trong báo cáo tài chính tự lập của các ngân hàng không có sự khác biệt so với báo cáo trước kiểm toán.

Cụ thể, sớm hơn một tháng so với thường lệ và quy định, Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho thấy sự đồng thuận giữa số liệu SHB và đơn vị kiểm toán cho thấy mức độ tự động hóa, minh bạch ngày càng cao của Ngân hàng.

Theo đó, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt hơn 412 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019. Vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt hơn 17.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2020 đạt 3.268 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cổ đông đề ra, tăng 8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,4%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất trong thời gian qua của SHB.

Cả năm 2020, bất chấp tác động của dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh của VIB vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là cho vay.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng mạnh mẽ đạt 245 nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 33% và 42% so với năm 2019. Dư nợ tăng trưởng tốt, với quy mô tổng dư nợ đạt 171 nghìn tỷ. VIB là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ cao nhất, chiếm 84% tổng dư nợ, với rủi ro tập trung thấp và trên 95% dư nợ bán lẻ đều có tài sản đảm bảo.

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán, kết thúc năm tài chính 2020, tổng tài sản của Ngân hàng MSB đạt gần 176,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với năm 2019 và hoàn thành 103,94% so với kế hoạch đặt ra. Dư nợ tín dụng tăng gần 24,76% đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt hơn 99,2 nghìn tỷ đồng tăng 10,4% so với đầu năm và vượt kế hoạch mục tiêu. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với năm 2019 và bằng 175% kế hoạch năm.

“Có được kết quả kinh doanh tích cực này là nhờ Ngân hàng đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tập trung tăng trưởng quy mô ở các hạng mục tài sản sinh lời cao, đẩy mạnh thu nhập từ phí và tiết giảm tốt chi phí”, lãnh đạo Ngân hàng MSB chia sẻ.

Điểm sáng từ xử lý nợ xấu

Bên cạnh kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan, điểm đáng chú ý trong báo cáo đã được kiểm toán của các ngân hàng năm nay đó là câu chuyện xử lý nợ xấu. Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng đã hỗ trợ hiệu quả quá trình xử lý nợ xấu. Chẳng hạn như SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank, ngân hàng đã sáp nhập vào SHB năm 2012.

Với các giải pháp quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của SHB giảm xuống mức 1,7%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao. Dự kiến, các năm tiếp theo, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.

Tương tự SHB, ngoài những kết quả tích cực từ hoạt động kinh doanh, năm vừa qua, MSB cũng cho thấy nhiều điểm sáng trong việc quản trị chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu mảng Ngân hàng giảm từ 1,71% năm 2019 xuống còn 1,62% cuối năm 2020. Đồng thời Ngân hàng cũng đã xử lý sạch phần trái phiếu VAMC vào quý 3/2020, giữ đúng cam kết đã nêu tại ĐHCĐ 2020.

Còn tại VIB, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cuối năm 2020 đạt 947,6 tỷ đồng (tăng so với con số 632,7 tỷ đồng cuối năm 2019), với quy mô tổng dư nợ đạt 171.000 tỷ đồng. VIB là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ cao nhất, chiếm 84% tổng dư nợ, với rủi ro tập trung thấp và trên 95% dư nợ bán lẻ đều có tài sản đảm bảo. Tuy vậy, nợ xấu của Ngân hàng giảm mạnh xuống dưới 1,5% trong bối cảnh không còn dư nợ tại VAMC

Đặc biệt, việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm 31/12/2020 của Ngân hàng ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng đảm bảo giúp SHB nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.

Hay như tại HDBank, năm 2020 Ngân hàng đã chủ động tăng trích lập dự phòng, với tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu riêng lẻ đạt hơn 100%, sẵn sàng ứng phó rủi ro nếu phát sinh.

“Dự phòng rủi ro tăng cao hơn tốc độ tăng của nợ xấu cho thấy các ngân hàng rất quan tâm đến việc tạo nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai”, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành ngân hàng, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp.

Trong đó, giải pháp thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Được biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 2,01% vào cuối tháng 8/2020; 2,14% vào cuối tháng 9/2020 và 2,09% vào cuối tháng 10/2020 nhưng, Phó Thống đốc cho rằng, đây là tất yếu khách quan, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Tin bài liên quan