TS.Võ Trí Thành

TS.Võ Trí Thành

Còn sự “lệch pha” trong nỗ lực kiềm chế lạm phát

(ĐTCK-online) Ghi nhận diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại có những tín hiệu khả quan hơn so với dự báo đầu năm, nhưng TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, áp lực lạm phát đối với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn đáng ngại do có sự “lệch pha” trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khoá.

Sự thiếu đồng bộ trong phối hợp các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể, theo ông được biểu hiện như thế nào?

Đang có sự thiếu sự hợp lý trong liều lượng thực thi các chính sách tiền tệ và tài khoá để đạt mục tiêu ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao tái xuất hiện. Trong khi Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp thực hiện một chính sách tiền tệ thận trọng, thì chính sách tài khoá lại đang tỏ ra khá “lỏng”. Điều này thể hiện trong chi tiêu công và đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chưa có sự cải thiện theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Tình trạng chậm trễ, dàn trải trong đầu tư công vẫn tái diễn đáng lo ngại. Hệ quả là một lượng tiền không nhỏ bị nằm “chết” tại nhiều công trình, dự án trong thời gian dài. Điều này không chỉ tạo ra nguy cơ lạm phát cao tái bùng phát trong năm nay, mà cả trong các năm tới. Đã đến lúc chúng ta không nên khuyến khích tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Hơn nữa, mô hình tăng trưởng này thời gian tới không còn nhiều dư địa, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt hơn khi hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

 

Theo ông, sự “lệch pha” trên có nguyên nhân do đâu?

Rõ ràng, việc thực thi chính sách tài khoá còn thiếu rõ ràng. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh: đến thời điểm này, việc thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong năm nay vẫn chưa rõ ràng; nhiều khoản chi tiêu công, cũng như kế hoạch chi tiêu sắp tới cũng chưa được cập nhật rõ… Chính điều này gây khó khăn cho việc khuyến nghị, cũng như triển khai chính sách tài khoá với liều lượng như thế nào cho phù hợp trong thời gian tới, để cùng với chính sách tiền tệ thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Vậy những ưu tiên nào cần được tính đến trong thực thi chính sách tài khoá thời gian tới, thưa ông?

Quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch của kế hoạch thu, chi ngân sách, để trên cơ sở đó có sự điều chỉnh hợp lý. Nếu những khoản nào đáng chi, mang lại hiệu quả, chẳng hạn như đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong năm nay, thì xem xét tăng chi hợp lý. Ngược lại, với những khoản chi có nguy cơ chậm đóng góp vào tăng trưởng, thậm chí gây thất thoát, lãng phí, hay chi cho những công trình đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chưa thực sự bức bách, thì nên kiên quyết cắt giảm. Nói gọn lại là chính sách tài khoá phải thực sự tạo bước đột phá trong nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, để tránh tình trạng tiền bơm ra nhiều, nhưng sản phẩm không tăng tương ứng, khiến nguy cơ lạm phát cao có thể tái bùng phát.

 

Còn chính sách tiền tệ, cần có liều lượng như thế nào để đảm bảo sự ăn ý với chính sách tài khoá nhằm thực hiện thành công mục tiêu ngăn chặn lạm phát tăng cao tái xuất hiện, thưa ông?

Áp lực lên chính sách tiền tệ hiện khá lớn khi đòi hỏi phải có hình thức tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN đang rất bức bách. Đây là thực tế khiến việc lựa chọn chính sách tiền tệ không đơn giản, nhất là trong bối cảnh chính sách này phải đồng thời giải quyết được nhiều mục tiêu, mà ở một khía cạnh nhất định có sự mâu thuẫn với nhau, như đảm bảo tăng trưởng GDP 6,5%, trong khi kiềm chế lạm phát ở mức 7%...

Một nhiệm vụ cần ưu tiên trong thực thi chính sách tiền tệ là sớm có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng găm giữ USD trong  dân và DN. Kèm theo đó, cũng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ cơ cấu USD và VND trong nền kinh tế ở các thời kỳ khác nhau. Nếu không kiểm soát tốt việc này sẽ khiến tình trạng dịch chuyển giữa hai đồng tiền trở nên phức tạp, gây nên nhiều hệ luỵ bất lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là tạo áp lực lên đồng nội tệ cả trong trước mắt cũng như dài hạn. Những định hướng trong điều hành tỷ giá USD/VND cũng cần có sự điều chỉnh hợp lý. Khác với các năm trước, câu chuyện tỷ giá không đơn thuần phụ thuộc vào cán cân thương mại, mà hiện tại chủ yếu chịu tác động của yếu tố dòng vốn USD, VND trong nền kinh tế. Bởi vậy, để giảm thiểu những tác động bất lợi của biến động tỷ giá USD/VND, cần tập trung giải quyết căn nguyên gốc rễ của tình trạng này, đó là vấn đề đô la hoá nền kinh tế.