Ảnh: Reuters.
Khi báo cáo việc làm tháng 5 của chính phủ Hoa Kỳ được công bố hôm thứ Sáu vừa qua, có một ghi chú ở phía dưới cho biết đã có một lỗi lớn cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể cao hơn con số 13,3% được báo cáo rộng rãi.
Lưu ý đặc biệt cho biết, nếu không xảy ra lỗi phân loại này thì tỷ lệ thất nghiệp chung sẽ cao hơn khoảng 3 điểm phần trăm so với báo cáo, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ vào khoảng 16,3% trong tháng 5. Nhưng đó vẫn sẽ là một sự cải thiện so với mức dự báo hồi tháng 4 là tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên mức 19,7%.
Cục Thống kê Lao động (BLS), cơ quan đưa ra báo cáo việc làm hàng tháng, cho biết họ đang làm việc để khắc phục vấn đề này.
BLS và Cục điều tra dân số đang điều tra lý do tại sao lỗi phân loại này tiếp tục xảy ra và đang thực hiện các bước đi bổ sung để giải quyết vấn đề này, một lưu ý ở cuối báo cáo của BLS cho biết.
Một số người coi đây là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump hoặc một trong các nhân viên của ông có thể đã sửa đổi dữ liệu để làm cho nó trông đẹp hơn, đặc biệt là khi hầu hết các chuyên gia dự báo dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức gần 20% trong tháng 5, tăng từ mức 14,7% trong tháng 4. Nhưng các nhà kinh tế và cựu lãnh đạo BLS đã bác bỏ giả thuyết này.
Các nhà kinh tế nói rằng, BLS đã cố gắng minh bạch nhất có thể để cho thấy một điều rằng, việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực khi đại dịch diễn ra là khó đến mức nào.
BLS thừa nhận rằng một số người đáng lẽ phải được phân loại là người thất nghiệp tạm thời trong thời gian giãn cách xã hội, thay vào đó lại bị phân loại sai là có việc làm nhưng không có mặt tại nơi làm việc vì ‘lý do khác’.
Hạng mục ‘lý do khác’ thường được dùng đối với những trường hợp đi nghỉ mát, hầu tòa hay nghỉ phép để chăm con hoặc người thân. Đây thường là những tình huống mà người lao động quyết định nghỉ phép.
Nhưng trong hoàn cảnh đại dịch như hiện nay, ‘lý do khác’ đã được áp dụng cho một số người ở nhà và chờ để được gọi đi làm trở lại. Vấn đề này bắt đầu từ tháng 3 khi số người khai báo tạm thời không đến nơi làm việc vì ‘lý do khác’ tăng lên đáng kể. BLS nhận thấy điều này và đã lưu ý tới điều đó ngay lập tức.
Vào tháng 3, BLS cho biết tỷ lệ thất nghiệp đáng lẽ phải là 5,4%, thay vì 4,4% như công bố chính thức. Còn trong tháng 4 tỷ lệ thất nghiệp thực tế có khả năng vào khoảng 19,7% chứ không phải là 14,7% như công bố.
Các nhà kinh tế thừa nhận rằng việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực trong khi đại dịch đang diễn ra là một thách thức, và rằng trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao - có thể hơn 16% - thì có một điều đáng mừng là tỷ lệ thất nghiệp hiện đã giảm một chút so với tháng 4.
Tỷ lệ thất nghiệp được tính toán dựa vào kết quả điều tra với khoảng 60.000 hộ gia đình, với hàng loạt câu hỏi như: họ đang có làm việc hay đang tìm kiếm việc làm trong tuần từ ngày 10 đến 16 tháng 5.
Một trong những câu hỏi đầu tiên được đặt ra là người được hỏi có làm bất kỳ công việc nào để được trả lương hay có được một lợi ích nào đó hay không? Sau đó có 45 trang câu hỏi tiếp theo. Trong đó có câu hỏi là họ có đang tạm thời nghỉ việc hay không và đâu là lý do. Một trong những câu trả lời là ‘khác’.
BLS đã hướng dẫn các nhân viên khảo sát cố gắng tìm hiểu xem có phải người được hỏi không đi làm vì lý do đại dịch hay không, và nếu vậy hãy phân loại họ vào hạng mục tạm thời nghỉ việc, có nghĩa là họ sẽ được tính vào dữ liệu thất nghiệp. Nhưng một số người tiếp tục khẳng định họ chỉ không có việc làm trong khi đại dịch đang diễn ra và BLS có chính sách không thay đổi câu trả lời của người được hỏi. Đó là cách BLS chống lại sự thiên vị hoặc thao túng dữ liệu.
Các cựu nhân viên của BLS cho biết, điều khác thường ở đây là BLS không khắc phục sự cố này sớm.
Các nhà kinh tế học cho rằng, thay vì tập trung vào việc xem xem liệu có sự can thiệp của ông Trump vào dữ liệu thống kê hay không, mọi người nên chú ý tới thực tế là có 21 triệu người Mỹ hiện đang thất nghiệp và hơn 2 triệu người đã mất việc làm vĩnh viễn.
Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình vẫn sẽ còn tồi tệ, ngay cả khi có một số lượng nhất định việc làm được tạo ra vào tháng 5 khi nền kinh tế mở cửa trở lại.