Còn “nuông chiều”, sẽ còn nhiều “chúa chổm”

Còn “nuông chiều”, sẽ còn nhiều “chúa chổm”

(ĐTCK) “Đừng nuông chiều, ưu đãi cho DNNN thêm nữa, nếu muốn tái cơ cấu khu vực DN này thực chất…”, TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị.

Vẫn là… con cưng

Kết quả tái cơ cấu DNNN, theo các chuyên gia đến nay còn mờ nhạt, nếu không muốn nói là hình thức, do một nguyên nhân quan trọng là DNNN vẫn được “nuông chiều”. Thậm chí, gần đây mức độ cưng chiều DNNN có xu hướng gia tăng đáng ngại.

Tại Diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức”, do CIEM vừa tổ chức, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan quan ngại, tái cơ cấu DNNN làm theo kiểu buộc khối DN này, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty tự xây dựng đề án tái cơ cấu, sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tự triển khai, trong khi hoạt động kiểm tra, giám sát đang bộc lộ nhiều hạn chế, sẽ không hiệu quả.

Theo lẽ thường, các DNNN không ai dại gì lấy đá ghè chân mình, nên đương nhiên họ sẽ xây dựng các đề án tái cơ cấu theo kiểu hình thức, chiếu lệ, mà không đi vào những vấn đề có tính sống còn như: nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước, cắt giảm đầu tư dàn trải, cải thiện chất lượng quản trị...

Nói cách khác, các tập đoàn, tổng công ty tái cơ cấu theo kiểu cắt giảm một vài đầu mối đơn vị theo kiểu cơ học, mà không tạo ra những thay đổi về chất, nhằm khắc phục quá nhiều yếu kém hiện nay. Điều này phản ánh một thực tế vẫn còn tình trạng xin - cho trong tái cơ cấu DNNN.

Còn “nuông chiều”, sẽ còn nhiều “chúa chổm” ảnh 1

Nhiều DNNN hiện có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 9 - 10 lần

“DNNN thua lỗ, làm thất thoát vốn Nhà nước, thì trước hết hãy xem xét bãi nhiệm, cách chức lãnh đạo DN bất kể do nguyên nhân chủ quan hay khách quan.

Chứ nếu DNNN thua lỗ, mà Nhà nước lại cho hưởng thêm các hình thức ưu đãi như khoanh, giãn, xóa nợ; cho miễn, giảm thuế… như hiện nay, thì nỗ lực tái cơ cấu DNNN khó đạt mục tiêu đề ra…”, ông Cung cảnh báo, đồng thời lo lắng, thời gian gần đây, có dấu hiệu Nhà nước tạo thêm ưu đãi cho các DNNN một cách đáng quan ngại.

Quá trình tái cơ cấu DNNN hiện tại có liên quan nhiều đến kiểm soát, xử lý nợ của khối DNNN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cả hai khâu này hiện còn yếu kém, nhất là kiểm soát hoạt động vay vốn của các DNNN. Hệ quả là theo bà Vũ Thị Hồng Loan, nguyên là chuyên gia của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, ngày một xuất hiện nhiều “chúa chổm” DNNN, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 9 - 10 lần.

 

Phải theo luật chơi thị trường

Từ những bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, để quá trình tái cơ cấu DNNN đi vào thực chất, nguyên tắc số một là phải buộc các DNNN tuân thủ theo luật chơi của thị trường, chứ không thể duy trì, thậm chí gia tăng các đặc quyền, đặc lợi như hiện nay.

Theo đó, hãy để cho DNNN chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của các luật chơi thị trường bất kể do sai lầm chủ quan hay khách quan, chứ không nên áp dụng các hình thức ưu đãi như: khoanh hoặc xóa nợ; miễn giảm thuế...

Có như vậy họ mới tự lớn mạnh, đồng thời không “làm xấu” môi trường kinh doanh, do hệ lụy của việc Nhà nước tạo ra các ưu đãi đặc thù cho DNNN. Việc áp dụng các luật chơi thị trường, theo ông Cung, hãy bắt đầu từ việc buộc DNNN minh bạch thông tin, để tạo ra sức ép giám sát nội bộ và bên ngoài DN. Đây là việc làm không khó, nếu các cấp quản lý có quyết tâm sẽ làm được trong vòng vài tháng, nhưng sẽ tạo ra hiệu ứng rất tích cực.

Cũng với quan điểm không thể tiếp tục “nuông chiều” DNNN, mà phải buộc họ kinh doanh bình đẳng với các thành phần DN khác theo quy luật thị trường, TS.

Đặng Đức Đạm khuyến nghị, cần tách bạch phần cung cấp hàng hóa, dịch vụ mang tính công ích, để đánh giá sòng phẳng hiệu quả kinh doanh của DNNN, tránh tình trạng nhập nhèm như hiện tại. Cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN đi liền với mạnh dạn bán toàn bộ phần vốn Nhà nước ở những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Điều này vừa giảm bớt gánh nặng quản lý, giám sát DNNN cho Nhà nước, vừa giảm bớt rủi ro cho đồng vốn Nhà nước đầu tư nhiều vào DNNN.

Muốn ngăn chặn tình trạng tái cơ cấu DNNN, nhưng nợ và nợ xấu của các khối DN này ngày một phình to rất nguy hiểm, cần có cơ chế kiểm soát chặt hoạt động vay vốn của DNNN.

Theo đó, tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu của các DNNN, thay vì chỉ tính riêng lẻ đối với từng tổ chức tín dụng, thì dữ liệu này cần được tổng hợp từ nhiều tổ chức tín dụng và chia sẻ cho các ngân hàng nắm bắt, để họ nhận diện rủi ro sớm, qua đó giảm thiểu nguy cơ phát sinh nợ xấu cho cả DNNN lẫn ngân hàng.    

>>DNNN chưa giảm được quy mô cồng kềnh

>>Xử lý DNNN đầu tư ngoài ngành, hiệu ứng kép