Con nợ xin “chết”, chủ nợ lao đao

Con nợ xin “chết”, chủ nợ lao đao

(ĐTCK) Điều khoản thỏa thuận hạn chế phá sản đã được cập nhật vào mẫu hợp đồng của một số ngân hàng như một trong những cách thức tự bảo vệ quyền của mình khi doanh nghiệp cố tình lợi dụng thủ tục phá sản để trốn tránh nghĩa vụ. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có tác dụng trấn an tâm lý cho ngân hàng.

Cùng nhau thỏa thuận không phá sản

Phá sản là hiện tượng không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp và những người lao động trong doanh nghiệp mà còn có tác động lớn đến các chủ thể khác, đặc biệt là chủ nợ. Đối với các ngân hàng - những chủ nợ lớn nhất của nền kinh tế, khi khách hàng là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phải “chết” thì việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng càng thêm khó khăn, thậm chí bất khả thi.

Nhận thức được thực trạng trên và nguy cơ hàng nghìn doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản theo quy định của Luật Phá sản 2014, một số ngân hàng đã nhanh chóng cập nhật nội dung thỏa thuận với bên vay, bên thế chấp về việc cam kết không để lâm vào tình trạng phá sản, không tiến hành thực hiện thủ tục phá sản trong suốt thời gian vay, thời hạn bảo đảm.

Tuy nhiên, đây chỉ là một “liệu pháp tinh thần” giúp ngân hàng yên tâm hơn. Về mặt pháp lý, khi có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chính doanh nghiệp hay các chủ nợ, các chủ thể có quyền yêu cầu khác gửi đến tòa án thì ngân hàng không thể đưa ra điều khoản thỏa thuận không tiến hành thủ tục phá sản, cam kết không để lâm vào tình trạng phá sản như một căn cứ để tòa không thụ lý hồ sơ.

Không có quy định nào liên quan đến trường hợp này được Luật Phá sản 2014 đề cập. Chính vì vậy, tòa án không thể căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng giữa doanh nghiệp với ngân hàng mà hạn chế quyền được phá sản của doanh nghiệp hay quyền của các bên khác đã được pháp luật quy định. 

Con nợ chết kéo theo tài sản của chủ nợ chìm

Nguyên nhân của sự bất an của ngân hàng xuất phát từ quy định của Luật Phá sản 2014. Cụ thể, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tòa án thụ lý việc phá sản thì mọi yêu cầu giải quyết tranh chấp, thi hành án đều phải tạm dừng và việc xử lý tài sản bảo đảm cũng phải dừng lại, trừ khi có sự đồng ý của tòa án.

Các chủ nợ có bảo đảm chỉ được xử lý tài sản trong trường hợp có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị cũng như không thuộc các tài sản cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh và phải có sự đồng ý của thẩm phán giải quyết vụ việc phá sản.

Vì vậy, để có được sự đồng ý của tòa trong việc thực hiện xử lý tài sản, ngân hàng phải chứng minh được đây là tài sản được dùng làm tài sản bảo đảm hợp pháp, hợp lệ, có nguy cơ giảm sút giá trị... Việc chứng minh này hoàn toàn không đơn giản, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Không chỉ vậy, ngay cả khi có quyết định mở thủ tục phá sản, ngân hàng cũng không được xử lý tài sản bảo đảm của mình nếu những tài sản doanh nghiệp đã dùng để đảm bảo cho khoản vay thuộc nhóm các tài sản cần thiết dùng để phục hồi việc sản xuất - kinh doanh (trường hợp này phải xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ).

Có thể nói, quy định trên giúp giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội “hồi sinh”. Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít trường hợp doanh nghiệp lợi dụng quy định của pháp luật để chây ì, kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, khai thác lợi ích có được từ tài sản, thậm chí tẩu tán tài sản.

Việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng trong thực trạng pháp luật hiện nay vốn đã có nhiều vướng mắc, nay thêm các quy định của Luật Phá sản, dẫn đến hàng loạt hồ sơ khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm và các trường hợp thi hành án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm bị đình trệ, ứ đọng, gây tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng.

Cần ghi nhận trường hợp thỏa thuận hạn chế phá sản

Một trong những vai trò của pháp luật phá sản là bảo vệ lợi ích của các chủ nợ, dung hòa lợi ích giữa các nhóm chủ thể trong xã hội. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp, pháp luật phá sản cũng cần bảo vệ các chủ nợ có bảo đảm khi giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Về bản chất, thỏa thuận hạn chế phá sản chính là cam kết của doanh nghiệp đối với chủ nợ nói chung, ngân hàng nói riêng, nhằm đảm bảo rằng mình có khả năng thực hiện nghĩa vụ, không bị rơi vào tình trạng phá sản và tăng tính an toàn cho giao dịch giữa các bên. Một khi đã được các bên tự nguyện thỏa thuận thì cần nhìn nhận đó là việc doanh nghiệp tự nguyện hạn chế quyền phá sản của mình và sẽ chịu trách nhiệm trong việc không thực hiện đúng cam kết; đổi lại, ngân hàng có được sự cam kết, loại bỏ phần nào rủi ro của giao dịch.

Luật Phá sản 2014 đã không dự liệu trường hợp này nên không có bất kỳ quy định nào đề cập. Ngân hàng và doanh nghiệp không thể ngưng tìm đến nhau nên dù đối mặt với rủi ro, trong thâm tâm cảm thấy bất an thì vẫn cứ bắt tay nhau hợp tác và sử dụng giải pháp tự chế của mình như một biện pháp cầm chừng để chờ đến ngày có sự ghi nhận của pháp luật.

Luật chậm một ngày thì thực tiễn lại đi xa thêm một đoạn, kéo theo hàng loạt vấn đề mới phát sinh, bởi khoảng cách giữa luật và thực tiễn khiến cho các bên phải tự tìm giải pháp để đạt được mục đích của mình. Do đó, pháp luật phá sản cần nhanh chóng nhìn nhận nhu cầu của các bên, ghi nhận quyền tự do thỏa thuận để các bên an tâm khi tham gia các giao dịch.

Tin bài liên quan