Cần phải chi ngân sách để cứu nền kinh tế và cứu cả người dân, giữ lại nguyên khí quốc gia để hồi phục khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Ảnh: Đức Thanh

Cần phải chi ngân sách để cứu nền kinh tế và cứu cả người dân, giữ lại nguyên khí quốc gia để hồi phục khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Ảnh: Đức Thanh

Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch - Bài 1: Thời của những giải pháp “không tưởng”

LTS: Đại dịch Covid-19 như cơn “sóng thần” ập đến, tàn phá hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Di chứng của đại dịch là nặng nề và lâu dài. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thì vấn đề trọng tâm lúc này là Việt Nam - một quốc gia có độ mở kinh tế cao, cần làm gì để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Bài 1: Thời của những giải pháp “không tưởng”

Trong thời kỳ bất thường, phải cần những giải pháp phi thường, thậm chí là không tưởng.

Triển vọng kém lạc quan

Báo cáo mới nhất về kinh tế toàn cầu World Economic Outlook vừa phát hành là một trong những báo cáo bi quan nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kể từ khi tôi bắt đầu đọc chuỗi tài liệu này từ năm 2000. Nếu quay lại thời điểm 20 năm trước, chắc chắn, tôi không thể tưởng tượng có một ngày đọc được một báo cáo kinh tế bi quan đến vậy từ IMF. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2007-2009, tôi cũng chưa thấy nhiều ngôn từ bi quan và nhiều con số âm đến như vậy.

“Kinh tế đình đốn đột ngột”, “sức cầu rơi tự do”, “đảo ngược dòng vốn”, “giá thương phẩm sụp đổ” là các từ tôi ít khi thấy trong một báo cáo của IMF. Thế mà họ còn bồi thêm câu “rủi ro những điều tồi tệ hơn còn chưa đến vẫn bao trùm”.

Nếu quan sát kinh tế toàn cầu, điều này không có gì lạ. Hơn 22 triệu người Mỹ đã xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đến lúc này. “Chỉ trong 4 tuần mà nước Mỹ đã mất toàn bộ số việc làm tạo ra trong 11 năm”, trang tin CNBC nhận định.

Trung Quốc, nước vừa mở cửa trở lại sớm nhất sau cách ly dài hạn đang bắt đầu nhận ra, hồi phục hình chữ V chỉ là mơ ước. Công nhân Trung Quốc trở lại nhà máy làm việc để rồi nhận thấy, đơn hàng xuất khẩu tụt giảm mạnh nhất trong lịch sử. Trong quý I/2020, xuất khẩu Trung Quốc giảm 13,3%. Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu dự kiến sụt giảm 32% trong năm 2020.

Ngân hàng Gansu của Trung Quốc vừa được giải cứu thông qua việc Chính phủ và cổ đông hiện hữu phải “bơm” thêm tiền để mua cổ phiếu nhằm giúp ngân hàng tăng vốn để hấp thụ 10 tỷ nhân dân tệ nợ xấu. Và còn một danh sách rất dài những ngân hàng như vậy ở Trung Quốc. Vấn đề nợ xấu của ngân hàng Trung Quốc là bệnh kinh niên mấy năm nay và Covid-19 chỉ là chất xúc tác để đẩy những ngân hàng này tới thêm một bước gần vực thẳm.

Trong bối cảnh như vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, vĩ mô của Việt Nam còn rất lạc quan. So với tăng trưởng âm của hầu hết các nền kinh tế chính và thậm chí là khối ASEAN 5, Việt Nam có thể vẫn sẽ tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay. Trong 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế mà PGS-TS. Phạm Thế Anh công bố gần đây, chỉ có kịch bản xấu nhất là Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế -1%. Còn lại thì đều tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, không tăng trưởng âm không có gì đáng mừng. Nhiều doanh nghiệp đang vay nợ với lãi suất cao hơn rất nhiều với con số tăng trưởng 1,5% của kịch bản trung bình. Nếu doanh thu và lợi nhuận chỉ tăng cao hơn 1,5% một chút, về cơ bản, nhiều doanh nghiệp sẽ không làm ra đủ tiền để trả lãi vay. Và nếu tiền mặt dự trữ không dồi dào để bù đắp, vỡ nợ là khó tránh.

Thị trường tín dụng đang lộ rõ những khó khăn trên khắp các phân khúc tín dụng doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng, tín dụng mua ô tô và trái phiếu bất động sản... Nhiều trái phiếu bất động sản được phát hành trên nền tảng phát hành riêng lẻ, đạt tiêu chí “ba không”: không minh bạch, không xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo có chất lượng thật sự.

Mặt khác, nếu thương mại toàn cầu sụt giảm 32% trong năm 2020, với độ mở và phụ thuộc xuất khẩu, vốn ngoại của nền kinh tế Việt Nam, đây là một cú sốc lớn về cả tổng cầu bên ngoài lẫn dòng vốn. Đó là chưa kể, giá dầu giảm cũng tác động xấu đến doanh thu xuất khẩu dầu của Việt Nam. Ngoài ra, còn một điều đáng lo ngại nữa là, dòng tiền từ kiều hối trong năm 2020 do kinh tế các nước khó khăn, lượng kiều hối chuyển về năm nay có thể giảm. Lượng kiều hồi của năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, một con số rất lớn đối với cán cân thanh toán, giúp ổn định nguồn ngoại tệ trong nước.

Nhìn vào đây, có thể thấy, cán cân thanh toán quốc tế trong năm nay của Việt Nam sẽ chịu sức ép không nhỏ. Triển vọng năm nay là dòng ngoại tệ từ xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm (giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước), dòng vốn ổn định là kiều hối lại đe dọa, tạo sức ép lên tỷ giá nhiều khả năng sẽ cao hơn năm sau.

Nếu muốn lãi suất tiền đồng tiếp tục giảm xuống để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi cán cân thanh toán chịu sức ép, thì sức ép tăng giá USD trong nền kinh tế là khó tránh khỏi.

Có thể nói, là một nền kinh tế thuộc loại mở nhất thế giới, Việt Nam đang đối mặt với một cú sốc kép về sụt giảm nhu cầu từ bên ngoài lẫn cú sốc với cán cân thanh toán cần hấp thụ.

Phải làm những điều không tưởng

“Chúng ta đều đang bắt đầu làm những điều không tưởng”. Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron nói như vậy trong một trả lời phỏng vấn mới đây với Tờ Financial Times. Tôi nghĩ đó cũng là câu trả lời cho Việt Nam.

Một câu trả lời đơn giản đã được hầu hết giới phân tích chính sách chỉ ra để đối mặt với đợt suy thoái kinh tế đi kèm với Covid-19: phải chi ngân sách để cứu nền kinh tế và cứu cả người dân, giữ lại nguyên khí quốc gia để hồi phục khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

Vấn đề ở đây là, tiền đâu để chi ngân sách và nên cứu như thế nào? Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ đề cập vấn đề tiền đâu chi ngân sách, bởi không có tiền thì không thể bàn tiếp đến chuyện “cứu ai, ai cứu” nữa. Tất nhiên, có tiền rồi thì chi sao cho đúng cũng rất cần quan tâm. Nhưng đó là một chủ đề khác. Trong bài này, chỉ xin bàn trước tới vấn đề “kiếm tiền để chi tiêu” như thế nào.

Với những nước giàu và có uy tín trên thị trường quốc tế như Đức, họ đơn giản là phát hành trái phiếu (như họ vừa phát hành hơn 300 tỷ euro và đang có kế hoạch tiếp tục tiếp tục). Nhưng Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn như vậy.

Hãy nhìn vào cách làm của Mỹ. Chính phủ Mỹ đang bắt đầu một đợt mua trái phiếu không giới hạn, bao gồm trái phiếu chính phủ. Nói cách khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bơm tiền ra tài trợ chi tiêu ngân sách của Mỹ và chấp nhận gia tăng bảng cân đối tài sản của mình. Mỹ không đi vay tiền của nhà đầu tư quốc tế và tư nhân trong nước, mà đang đi vay chính tiền của ngân hàng trung ương của mình. Quy mô tăng tài sản của Fed hiện tại đã vượt qua mức tăng của giai đoạn 2008-2009. Nói nôm na, Fed đang “in tiền” ra để tài trợ chi tiêu ngân sách của Mỹ.

Nước Anh trước đây từ chối cách làm này, thì nay cũng đã thay đổi quan điểm. Vào hôm 9/4, Chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ nâng quy mô tài khoản của mình ở Ngân hàng trung ương Anh lên không giới hạn. Tài khoản này trước đây chỉ giới hạn ở mức 370 triệu bảng Anh, chủ yếu dùng vào thời điểm rất khẩn cấp không xoay sở kịp của Chính phủ Anh trong hoạt động thường ngày. Nay, nó được nâng lên mức “không giới hạn” cho phép các bộ trưởng chi nhiều tiền mà không cần đi ra thị trường trái phiếu vay tiền.

Đây không phải là lần đầu tiên Anh áp dụng chuyện này. Vào năm 2008, Anh đã tăng quy mô chi tiêu từ tài khoản này lên 20 tỷ bảng Anh. Lần này, không biết số tiền sẽ tăng lên bao nhiêu và kéo dài bao lâu. Nước Anh gọi đây là “tài trợ tiền tệ” (monetary financing), mà theo nhiều người, đó chỉ là cách gọi khác của “tiền tệ hóa” nợ (debt monetization).

Ngoài việc vay nợ qua trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư quốc tế và tư nhân trong nước, hoặc “tiền tệ hóa” nợ, một lựa chọn khác của Việt Nam là tiếp cận những khoản vay hỗ trợ của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bộ Tài chính cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất (dự kiến có thể vay với chi phí thấp khoảng 1 tỷ USD). Đây là một bước đi đúng đắn để tiếp cận các khoản vay quốc tế chi phí thấp, mà không cần sử dụng đến thị trường nợ tư nhân quốc tế.

Câu trả lời đơn giản đã được hầu hết giới phân tích chính sách chỉ ra để đối mặt với đợt suy thoái kinh tế đi kèm với Covid-19: phải chi ngân sách để cứu nền kinh tế và cứu cả người dân, giữ lại nguyên khí quốc gia để hồi phục khi dịch bệnh bị đẩy lùi.   

Việt Nam không cần phải chọn chỉ một trong những cách này, mà có thể chọn một loạt giải pháp đó. Một mặt, Chính phủ có thể sử dụng công cụ “tiền tệ hóa nợ”, để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua trái phiếu chính phủ để tạo tiền cho hoạt động chi tiêu chống dịch, chống hạn mặn (có thể phát hành “trái phiếu hạn mặn”, “trái phiếu Covid-19” để huy động vốn hỗ trợ chống dịch, bán cho tư nhân, phần còn lại NHNN sẽ mua lại). Mặt khác, Chính phủ tiếp cận các khoản vay từ các tổ chức quốc tế như IMF, WB và ADB, đồng thời lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế cho nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, dù nợ chính phủ được tài trợ qua hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hay được “tiền tệ hóa” qua việc NHNN trực tiếp mua lại trái phiếu chính phủ, thì nợ công sẽ tăng lên. Trong bối cảnh GDP tăng chậm nhưng nợ công sẽ tăng cao, trần nợ công cần được nâng lên. Nếu không, sẽ chẳng có cách nào để lấy tiền về chi tiêu cả.

Ai đó sẽ lo ngại rằng, nâng trần nợ công sẽ đe dọa an ninh tài chính và tiền tệ hóa nợ thì khác gì in tiền ra mà tiêu xài, sẽ dẫn đến lạm phát. Điều đó có thể đúng. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, giữ lại nguyên khí cho người dân và doanh nghiệp quan trọng hơn mục tiêu lạm phát và an ninh tài chính.

Hơn nữa, khi tổng cầu sụt giảm, mức tăng giá thương phẩm toàn cầu đang thấp, lạm phát chưa chắc vọt lên mạnh. Dù lạm phát có thể vọt lên, song nhiều khả năng không phải là lạm phát phi mã 2 con số. Lựa chọn giữa lạm phát và cứu hạn mặn, chống dịch, chống kinh tế suy thoái nặng nề dẫn đến sụp đổ kinh tế, tôi cho rằng, đây là một rủi ro cần chấp nhận.

Về an ninh tài chính, trong thời điểm kinh tế suy thoái, chính sách vay nợ và chi tiêu công cần hướng đến tạo tấm đệm cho nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển tốt trở lại, thì Nhà nước thu lại dần chi tiêu công, giảm bớt nợ công.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan