Trong hơn 2 tháng qua, giá cổ phiếu Apple liên tục đi xuống, bắt đầu từ việc Công ty công bố kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Từ đó tới nay, Apple chứng kiến cổ phiếu giảm hơn 20% trong thời gian ngắn và liên tiếp nhận về những dự báo không tích cực từ các tổ chức tài chính lớn. Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng với cổ phiếu Apple từ 209 USD/cổ phiếu xuống còn 182 USD/cổ phiếu, đồng thời cho rằng, “cổ phiếu này sẽ không đi tới đâu trong ít nhất 1 năm tới”.
Theo giới chuyên gia, có 4 nguyên nhân khiến giá cổ phiếu Apple sẽ tiếp tục đi xuống.
Nhà đầu tư lo lắng về việc bán iPhone
Trong tháng 9/2018, Apple công bố dòng sản phẩm iPhone mới, nhưng rõ ràng không nhận được sự đón đợi như kỳ vọng. Công ty dự báo doanh thu quý IV/2018 tăng trưởng chỉ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đây là thời gian của các kỳ nghỉ lễ lớn - dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm.
Đáng chú ý, Apple chính thức không còn công bố số lượng iPhone, iPad và các sản phẩm khác được bán ra thị trường. Điều này dấy lên nghi ngờ Công ty “che giấu” hoạt động bán hàng không còn tích cực như trước.
Bán hàng giá cao
Trong những năm gần đây, Apple đã đối phó với việc số lượng sản phẩm bán ra đi xuống bằng cách tăng giá hàng hóa. Quyết định này giúp Công ty tận hưởng doanh thu ở mức kỷ lục, ngay cả khi ngành công nghiệp smartphone gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, việc bán hàng hóa với giá cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Hiện tại, sản phẩm iPhone mới của Apple có mức giá rẻ nhất là 750 USD và việc bán hàng không như kỳ vọng càng khiến nhà đầu tư lo lắng.
“Rõ ràng, việc bán hàng hóa ở mức giá cao không thể kéo dài mãi mãi. Tôi cho rằng, nỗi lo lắng thực sự của thị trường là Apple có thể duy trì tình trạng này tới khi nào”, Angelo Zino, chiến lược gia chứng khoán tại CFRA cho biết.
Dịch vụ kinh doanh chưa ổn
Apple nhận định các dịch vụ kinh doanh, bao gồm ApplePay, Apple Music và App Store là các động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới của Công ty, với mục tiêu doanh thu đạt 50 tỷ USD cho tới năm 2020.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Ví dụ, Apple chưa từng chia sẻ kế hoạch nào cho dịch vụ truyền hình và phim, chưa kể việc lấn sân sang ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe vẫn rất mơ hồ.
“Chúng ta biết rằng việc bán iPhone sẽ chỉ đi ngang hoặc đi xuống, vậy thì cần thêm động lực nào đó để đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Vậy nhưng nhiều năm qua, chúng ta không nhận thấy tín hiệu tốt nào từ các động lực còn lại, nên việc nhà đầu tư trở nên bất an là hoàn toàn chính đáng”, Carolina Milanesi, chiến lược gia thị trường tại Creative Strategies cho biết.
“Nạn nhân” của chiến tranh thương mại
Lĩnh vực công nghệ đã chịu nhiều tổn thương khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra trong thời gian gần đây và không có gì ngạc nhiên khi Apple chịu tác động tiêu cực chung từ tâm lý thị trường.
Chưa kể, hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường lớn của Apple, đóng góp 20% doanh thu của hãng. Đáng chú ý, chính quyền Đại lục đã tỏ rõ thái độ không thân thiện với nhà sản xuất iPhone trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ leo thang và điều này không hề tốt cho sự phát triển tại thị trường lớn này. Đồng thời, chiến tranh thương mại có thể gây ra những xáo trộn trong hệ thống sản xuất, phân phối của Apple. Đây là cơn đau đầu sẽ còn kéo dài đối với CEO Tim Cook.