Hàng loạt công ty lãi lớn nhờ giá thép liên tục lập đỉnh. Ảnh: Dũng Minh.

Hàng loạt công ty lãi lớn nhờ giá thép liên tục lập đỉnh. Ảnh: Dũng Minh.

“Con dao hai lưỡi” của doanh nghiệp thép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc gia tăng tích trữ nguyên vật liệu sẽ giúp doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi khi giá thép tiếp tục tăng cao, nhưng sẽ là rủi ro lớn nếu thị trường đột ngột đảo chiều.

Gia tăng tồn kho nguyên liệu

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 đang bước vào giai đoạn cuối và chứng kiến sự bùng nổ lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành thép.

Hàng loạt công ty đã công bố lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ năm trước nhờ giá thép liên tục leo đỉnh.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt 1.035 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý II niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021), tăng 415% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố lợi nhuận sau thuế quý I/2021 lên tới 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) - doanh nghiệp thương mại thép cũng báo lãi kỷ lục, với 216 tỷ đồng, gấp gần 15 lần cùng kỳ năm trước…

Tuy nhiên, đi sâu vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán, có thể thấy có sự phân hóa về tình trạng dòng tiền.

Các doanh nghiệp đầu ngành như HPG, HSG có dòng tiền dương nhờ dòng tiền về từ hoạt động bán hàng cao, bù đắp cho việc gia tăng khoản phải thu, tồn kho và tiền mặt trong kỳ.

Ngược lại, nhiều công ty nhóm dưới có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm như Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG), SMC, Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS)… Ở nhóm này có sự gia tăng mạnh của hàng tồn kho.

Cụ thể, tại NKG, giá trị khoản mục tồn kho thời điểm cuối quý I/2021 tăng 47,6% so với hồi đầu năm, lên 3.500,3 tỷ đồng. Tương tự, tại SMC, tồn kho tăng 58,3% so với đầu năm, lên 2.854,8 tỷ đồng. Tại VIS, tồn kho tăng 23,9%, lên 1.016,4 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính quý I/2021, các doanh nghiệp đều thuyết minh sự gia tăng của tồn kho chủ yếu do gia tăng thành phẩm và nguyên liệu. Tại NKG, trong quý đầu năm 2021 đã tăng thêm 754,8 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; tăng 271,7 tỷ đồng hàng đang đi đường.

Như vậy, nhìn chung, NKG đang đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu, vật liệu trong kỳ để phòng trường hợp giá thép tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Điều tương tự cũng diễn ra tại SMC, khi giá trị nguyên liệu tồn kho tăng thêm 501,4 tỷ đồng, hàng hoá tăng thêm 454,8 tỷ đồng so với đầu năm. Tại VIS, giá trị thành phẩm tăng 69,9 tỷ đồng so với đầu năm, nguyên liệu và vật liệu tăng 84,4 tỷ đồng so với đầu năm.

Không có gì khó hiểu về việc gia tăng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại thép, khi nhu cầu và giá thép được dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) nhận định, nhu cầu thép trên toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm 2021, đạt 1.874 triệu tấn; năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng 2,7%, đạt 1.924,6 triệu tấn. Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thị trường thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể thiết lập một mặt bằng mới và kỳ vọng giá thép có thể giữ đà tăng hết quý III/2021.

Thực tế, kết quả lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2020 và quý I/2021 có đóng góp quan trọng từ lượng hàng tồn kho giá rẻ từ giai đoạn trước.

Con dao hai lưỡi

Với các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, tích trữ hàng tồn kho là việc đương nhiên. Tuy nhiên, chiến lược gia tăng tồn kho là hàng hoá và nguyên liệu luôn có tính hai mặt. Nếu thị trường diễn ra thuận lợi, công ty thép sẽ lãi lớn, nhưng ngược lãi, nếu giá thép đi xuống, doanh nghiệp chịu rủi ro lớn.

Nhìn lại giai đoạn năm 2018 - 2019, khi giá thép liên tục giảm, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép lao dốc mạnh, do doanh nghiệp tích trữ lượng hàng tồn kho giá cao giai đoạn trước.

Chẳng hạn, năm 2018, lợi nhuận của Công ty cổ phần Thép Tiến Lên (mã TLH) suy giảm tới 75,3% so với năm 2017, chỉ đạt 85,6 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 146 tỷ đồng. Còn NKG, lợi nhuận năm 2018 giảm 91,9% so với năm 2017, về 57,3 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 17,4%, về 57,3 tỷ đồng. Với SMC, năm 2018, lợi nhuận giảm 39,2%, về 168,1 tỷ đồng; năm 2019, giảm 40,6%, về 99,8 tỷ đồng…

Có thể thấy, biến động giá thép ảnh hưởng trọng yếu tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thép. Đối với doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư tích trữ tồn kho nguyên liệu, hàng hoá thì ảnh hưởng càng lớn hơn.

Nhìn chung, các dự báo đều kỳ vọng 2021 là năm tăng trưởng mạnh nhu cầu thép và tốc độ tăng trưởng sẽ chậm dần vào năm 2022 và các năm tiếp theo.

10 năm trở lại đây, nhóm cổ phiếu thép có tính chu kỳ tương đối rõ nét trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép thường có 2 năm tăng giá mạnh, sau đó sẽ trải qua 3 năm giảm giá và đi ngang, điều này liên tục lặp lại, trùng với diễn biến của giá thép lên xuống theo chu kỳ.

Nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng khi đuổi theo con sóng cổ phiếu ngành thép.

Giá thép - vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi phí của mỗi công trình xây dựng - tăng cao đã làm chi phí của các công trình xây dựng tăng mạnh. Điều này sẽ khiến các chủ đầu tư và nhà thầu phải suy nghĩ lại thời điểm xây dựng các dự án để có mức giá thành hợp lý và chấp nhận được. Động thái này có thể tác động đến giá thép.

Nhìn chung, khi giá thép tăng quá mức và các doanh nghiệp thép công bố kết quả kinh doanh vượt trội so với trung bình nền kinh tế, điều này dự báo sẽ sớm có sự điều chỉnh trong tương lai để tạo nên một chu kỳ mới.

Chính vì vậy, ngay cả khi doanh nghiệp thép công bố dự báo tích cực về kết quả kinh doanh trong quý II và cả năm nay, nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng khi đuổi theo con sóng cổ phiếu ngành thép. Chu kỳ của ngành thép có thể lặp lại và nếu như giá thép quay đầu đi xuống, các doanh nghiệp đẩy mạnh tích trữ tồn kho giai đoạn này sẽ gặp bất lợi.

Tin bài liên quan