Cả nước xuất khẩu gần 4,1 triệu tấn thép trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 78,9% so với cùng kỳ.

Cả nước xuất khẩu gần 4,1 triệu tấn thép trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 78,9% so với cùng kỳ.

Còn cơ hội đầu tư vào cổ phiếu thép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời thế ngành thép đã thay đổi từ chỗ bấp bênh sang thuận lợi, vững chắc, rộng mở.

1. Cả thế giới đang bị dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Chương trình phục hồi kinh tế của các nước sẽ làm tăng đầu tư công, kéo theo nhu cầu sử dụng thép. Việt Nam đã có chương trình đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 trị giá 2,87 triệu tỷ đồng. Mỹ có chương trình đầu tư công trị giá 1.000 tỷ USD, tập trung vào các dự án xây dựng cầu, đường.

Dự báo, nhu cầu sử dụng thép sẽ tăng cao trong vài năm tới. Ngoài ra, nhiều các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang dịch chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc mở cơ sở mới, để tránh thuế cao, đều có nhu cầu dùng đến thép.

2. Giá quặng sắt giao ngay tại thị trường Trung Quốc gần đây giảm mạnh, từ trên 220 USD/tấn xuống 160 USD/tấn, trong khi giá thép thế giới chỉ giảm 5%. Trong tháng 4/2021, khi giá quặng là 160 USD/tấn, giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát là 660 USD/tấn. Công ty này nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn quặng sắt và than mỡ trong tháng 4, đủ dùng cho đến tháng 10/2021 mà không bị ảnh hưởng bởi giá quặng lên cao trong các tháng 5, 6, 7/2021. Giá bán HRC hiện tại là 960 USD/tấn.

3. Ngành thép sử dụng ít công nhân, nhiều máy móc, doanh nghiệp dễ quản lý, dễ quản trị nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

4. Vị trí của Việt Nam thuận tiện, các doanh nghiệp mua nguyên liệu hay bán hàng tới hầu hết các nước trên thế giới đều có quãng đường vận chuyển gần hơn so với Trung Quốc - quốc gia sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới.

Cảng Đại Liên của Trung Quốc là nơi nhập khẩu nhiều quặng sắt, nằm cách cảng Dung Quất của Việt Nam khoảng 4.000 km, nên cước vận chuyển cao hơn Hoà Phát khoảng 5%.

5. Phương tiện chở hàng không dùng đến container nên không bị ảnh hưởng bởi cước phí tăng phi mã. Hiện nay, giá vận chuyển container gấp 8 - 10 lần so với tháng 10/2020 trở về trước, tác động mạnh đến lợi nhuận các ngành xuất khẩu, nhưng việc vận chuyển quặng, thép không dùng đến container và chủng loại tàu dễ tìm hơn. Một số doanh nghiệp còn tự chủ được việc vận tải, như Hoà Phát có 2 tàu, trọng tải 90.000 tấn/tàu. SMC cũng có đội tàu chạy biển và sông riêng.

6. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại đa phương cũng như song phương, nên sản phẩm thép có thể bán khắp thế giới.

7. Dư địa tăng trưởng của ngành thép vẫn còn nhiều do thép Việt Nam cạnh tranh giá bán với thép Trung Quốc. Mỹ và châu Âu đều đánh thuế cao vào thép Trung Quốc, trong khi nước này đang có xu hướng giảm sản lượng do ô nhiễm, đồng thời tăng nhập khẩu phôi thép.

8. Hệ số định giá P/E doanh nghiệp thép đang ở mức thấp, phổ biến từ 4 - 7 lần, trong khi P/E nhiều ngành khác trên 10 lần, thậm chí trên 20 lần.

Các phân tích trên cho thấy, ngành thép có thể trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam, hứa hẹn đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước và mang lại cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành này.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm sắt thép của Việt Nam đạt trên 2,25 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 23,5%, đạt 530,1 triệu USD, tăng 62%; thị trường EU chiếm 18,6%, đạt 418,98 triệu USD, tăng 46,5%; thị trường Nhật Bản chiếm 13,4%, đạt 302,2 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Xét riêng sản phẩm thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, cả nước tiêu thụ hơn 16,161 triệu tấn thép các loại, tăng 30,7%; trong đó, xuất khẩu hơn 4,078 triệu tấn, tăng 78,9% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, Trung Quốc, EU, Mỹ.

Tin bài liên quan