Môi trường kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T

Coi doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ

Sẽ có một bước chuyển đổi quan trọng và toàn diện trong quản lý nhà nước về kinh tế. Theo đó, Nhà nước sẽ coi doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý.

Bước ngoặt về tư duy quản lý

Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước về kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận. Mới chỉ là những phác thảo ban đầu, song có thể thấy rất rõ, có một bước ngoặt quan trọng trong đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Điều này được chứng minh trước hết từ 5 quan điểm chỉ đạo đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên Nhà nước cần phải thường xuyên đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực này.

Thứ hai, Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước thông qua luật pháp, do vậy, hệ thống luật pháp cần phải luôn hoàn thiện và giữ vị trí trung tâm trong đổi mới.

Thứ ba, thay đổi tư duy quản lý nhà nước. Theo đó, Nhà nước coi doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý.

Thứ tư, kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, do vậy, Nhà nước phải tiếp cận một hệ thống thể chế với tư duy hiện đại, theo kịp tình hình mới.

Thứ năm, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.

Trên thực tế, cả 5 quan điểm nói trên không mới và đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Ngay cả việc Nhà nước phải coi doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ, chứ không phải là đối tượng quản lý cũng vậy. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Chính phủ những năm gần đây nhất quán xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động.

Chính phủ kiến tạo, theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, được hiểu là “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”...

Chính phủ kiến tạo thì sẽ coi doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ, chứ không phải là đối tượng để quản lý. Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, với một thành tựu đáng ghi nhận là mới đây, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được thăng tới 10 bậc, tạo thuận lợi đáng kể cho khu vực tư nhân phát triển.

Tuy nhiên, thời gian qua, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn tình trạng cơ quan quản lý nhà nước tự cho mình “đứng trên doanh nghiệp”, chỉ lo quản lý, thay vì phục vụ doanh nghiệp tư nhân.

Chưa kể, còn có xu hướng cơ quan quản lý giành việc dễ cho mình, chưa thực sự có ý thức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần đã phải lên tiếng: “Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng quản lý nhà nước thì vẫn theo kiểu 0.4”.

Đổi mới bằng cách nào?

Để đổi mới quản lý toàn diện về kinh tế, thì đổi mới tư duy là quan trọng nhất. Các mục tiêu cụ thể cũng đã bước đầu được “phác thảo” trong Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước về kinh tế.

Cụ thể, đến năm 2025, phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuyển từ quản lý sang kiến tạo, từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển tương xứng với tiềm năng, có năng lực cạnh tranh cao, hội nhập khu vực và quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu này, Đề án đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, có việc phải đề cao hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn trong việc dẫn dắt các ngành kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo công nghệ, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn phát triển quy mô như một ngành kinh tế và khi các doanh nghiệp này thay đổi lĩnh vực kinh doanh của họ, thì sẽ tạo nên hiệu ứng như chuyển dịch giữa các ngành kinh tế.

Cùng với đó, cần nhấn mạnh khả năng gia nhập thị trường, tiếp cận nguồn lực, tham gia chuỗi giá trị, đổi mới sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy cạnh tranh, tạo việc làm và đóng góp vào phát triển đất nước.

Các giải pháp liên quan đến việc tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp hoặc quan hệ pháp lý giữa các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng một lần nữa được Đề án nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là các nhóm giải pháp nhằm tạo lập khung khổ pháp luật và môi trường thể chế cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm cả việc áp dụng cơ chế thử nghiệm chính sách mới, xây dựng khung khổ pháp lý làm cơ sở phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ 4.0, kinh tế chia sẻ, kinh tế số; nhóm giải pháp đổi mới phương thức can thiệp và phân bổ nguồn lực của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân...

Tin bài liên quan