“Đánh trượt…” dự thảo luật
Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bày tỏ như vậy, tại hội thảo tham vấn cho dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp tổ chức, vừa diễn ra. Theo ông Bá, vì dự thảo thiếu tính đột phá như mong đợi của người dân, các chuyên gia, trong khi nếu đối chiếu tên của dự thảo với nội dung được ban soạn thảo đưa ra, thì có thể thấy đang có phần… lạc đề, nên nếu đây là luận án tiến sĩ được phép chấm, ông sẽ “đánh trượt…”.
Một lý do khác khiến không chỉ ông Bá, mà một số chuyên gia khác cũng đồng tình “đánh trượt” dự luật, là không khắc phục được một trong những hạn chế lớn nhất hiện tại là chưa tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước. Vì sự không rõ ràng này mà bản thân luật có tham vọng là kiểm soát, giám sát đồng vốn nhà nước đầu tư vào DN, nhưng khi dòng vốn này chảy vào DN rồi thì không có cách nào để phân tách đâu là vốn của nhà nước, đâu là vốn của DN. Vì không xác định được “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” như vậy, nên dễ dẫn tới việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, làm mất đi tính tự chủ trong hoạt động của họ.
“Do luật này kế thừa nhiều nội dung của các văn bản dưới luật hiện hành, trong khi lại thiếu các nội dung mang tính đột phá, nên tôi có cảm giác dự luật đang làm ‘sống lại’ Luật DNNN đã bị xóa bỏ trước đây - một bước lùi đáng ngại. Nếu ban soạn thảo không làm rõ hơn phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật, thì sự cần thiết ban hành luật này cần xem lại…”, ông Bá cảnh báo và cho biết thêm, vì hạn chế này nên dự luật chưa xứng ở tầm của một văn bản luật mà vẫn còn hơi hướng ở tầm nghị định.
Cùng quan điểm trên, ông James Colvin, chuyên gia tư vấn của WB, nhìn nhận, dự luật này “kế thừa” quá mức cần thiết các quy định của nhiều văn bản dưới luật hiện hành, trong khi lẽ ra cần có nhiều tư tưởng cải cách, đổi mới trong quản lý, giám sát DNNN, cũng như hoạt động đầu tư vốn của nhà nước vào các DN.
Cần tư duy đột phá
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia có cùng quan điểm rằng, ban soạn thảo hãy lấy xuất phát điểm là tư duy đột phá, cải cách để đưa ra các quy định chi tiết.
“Tính đột phá trong dự thảo không nhiều, nếu không muốn nói là chưa đủ tầm của một văn bản luật điều chỉnh cả khu vực DN đang nắm lượng tài sản rất lớn của nhà nước, của dân…”, ông Bá nói và đề nghị cần tăng tính đột phá cho dự luật bằng việc khắc phục tình trạng sơ sài của các quy định về giám sát hoạt động của DNNN, của hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào DN.
Dự thảo luật cũng cần tách bạch cho được nhiệm vụ kinh doanh và nghĩa vụ công ích (nếu có) của DNNN, tránh tìm trạng nhập nhèm như hiện nay, khiến rất khó đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Tư duy đổi mới, đột phá cũng cần được thể hiện qua việc định ra nguyên tắc quan trọng trong dự luật là ngay cả với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, thì Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, cần ứng xử với DN như cổ đông trong các công ty cổ phần hơn là ở vị thế của cơ quan quản lý nhà nước. Dự luật cũng cần bổ sung nguyên tắc lấy chuẩn minh bạch hoạt động, nghĩa vụ công bố thông tin của DN niêm yết áp dụng cho các DNNN…
Dẫn ví dụ từ Hàn Quốc, nước từng thực hiện thành công nỗ lực cải cách khu vực DNNN bằng việc áp dụng Luật về quản lý các tổ chức công (AMPI), ông Hoon Sahib Soh, Cố vấn hoạt động, Vụ Đông Á thuộc WB, khuyến nghị, Việt Nam nên hoàn chỉnh dự luật theo hướng học tập các kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã áp dụng thành công.
Theo đó, AMPI không chỉ áp dụng cho DNNN, mà chung cho tất cả các tổ chức công. AMPI cho phép thiết lập ra Ủy ban Quản lý các tổ chức công (PIMC), trong đó, Bộ trưởng Tài chính và Chiến lược là Chủ nhiệm Ủy ban này. Qua PIMC, Bộ Tài chính và các bộ chủ quản cùng thực hiện quyền sở hữu của Chính phủ và giám sát hiệu suất quản trị của các tổ chức công. Bộ Tài chính đóng vai trò then chốt, vì PIMC được thành lập dưới quyền của Bộ trưởng Tài chính và Chiến lược. Vị Bộ trưởng này chịu trách nhiệm lập hướng dẫn về quản lý cho từng DNNN.
“AMPI quy định về PIMC, thành phần và trưởng ban giám đốc, Ủy ban tìm kiếm giám đốc điều hành, có cơ chế đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng và định rõ khuôn khổ quản lý hiệu quả hoạt động, trong khi tại dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN và dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, mà Việt Nam đang xây dựng không đưa ra các quy định mang tính tương tự…”, ông Hoon S.Soh nói và khuyến nghị, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã áp dụng thành công.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ sẽ hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Chính phủ có ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sau khi Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự thảo, Ủy ban sẽ thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp tháng 4 này, sau đó hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
-----------------------------------------------------
“Cần chấm dứt tạo đặc quyền cho DNNN”
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Tuy dự thảo luật quy định chi tiết về thẩm quyền ra quyết định đầu tư vốn vào DN, nhưng lại chưa quy định trách nhiệm của các bên liên quan khi ra quyết định đầu tư sai, trong khi thực tế cho thấy, việc này dễ dẫn đến gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, cho dân. Dự thảo luật cần quy định chi tiết vấn đề này, để tránh tình trạng chịu trách nhiệm tập thể chung chung, rất khó quy trách nhiệm cá nhân khi xảy ra thất thoát, tham nhũng tại DNNN như hiện nay.
Dự thảo luật cũng đưa ra các quy định về giám sát hoạt động đầu tư vốn của Nhà nước vào DN, cũng như DN sử dụng đồng vốn đầu tư của Nhà nước, nhưng không hề đưa ra chế tài tương ứng. Nếu không khắc phục kẽ hở này, thì khi luật được đưa vào áp dụng, sẽ có tính khả thi không cao.
----------------------------------------------
“Trách nhiệm giải trình cần được quy định rõ”
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam
Chúng tôi kỳ vọng, khi dự luật này được đưa vào áp dụng, sẽ tạo đột phá trong quản lý DNNN. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà dự thảo cần quán xuyến trong tất cả các điều khoản là phải đảm bảo trách nhiệm giải trình của cấp có quyền khi đưa ra quyết định đầu tư vốn vào DN, cũng như của ban lãnh đạo DN khi sử dụng vốn nhà nước vào các hoạt động đầu tư kinh doanh. Dự thảo luật cũng cần quy định rạch ròi hơn vai trò, đặc thù hoạt động của DNNN, cũng như tách bạch rõ ràng chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.
Với nhiều yêu cầu khó như vậy, tuy cùng với Bộ Tài chính và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia ngay từ giai đoạn đầu xây dựng dự thảo, nhưng đến nay vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Các kết quả nghiên cứu của WB về kinh nghiệm quản lý DNNN, cũng như quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào DN từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, không một mô hình nào được coi là lý tưởng mà Việt Nam có thể rập khuôn làm theo. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, có nhiều điều Việt Nam nên tham khảo trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo luật, vì trước đây, Hàn Quốc cũng có bối cảnh thúc đẩy tái cơ cấu DNNN tương tự như Việt Nam đang tiến hành.