NĐT ngày càng không thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu

NĐT ngày càng không thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu

Cổ tức mùa đại hội - kỳ 1: Đổi 1 tờ 100.000 đồng lấy 2 tờ 50.000 đồng!

(ĐTCK) Thời gian qua, không ít CTCP thường xuyên trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nhưng liệu lợi ích của việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu có tương đương với việc nhận cổ tức bằng tiền?

Đổi 1 tờ 100.000 đồng lấy 2 tờ 50.000 đồng!

Khác với việc trả cổ tức bằng tiền, khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thực chất DN không mất đi nguồn lực tài chính do quy mô vốn chủ sở hữu không hề giảm. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ đơn giản là chuyển phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang vốn cổ phần, nó cũng giống như chuyển một loại sản phẩm từ trong kho ra bày ngoài tủ kính của một cửa hàng.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với việc chưa chia có khác chăng chỉ là cổ đông có thể bán được số cổ phiếu được chia, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thì không bán được mà thôi.

Nhiều NĐT nhỏ lẻ chỉ quan tâm đến giá trị và số lượng cổ phiếu mình nắm giữ, tức là nghĩ mình chỉ sở hữu vốn cổ phần, mà quên mất rằng mình còn nắm giữ nhiều hơn thế. Nhưng với NĐT tổ chức thì rõ ràng việc tự nhiên nhận được thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền thì cũng như không, do phần của họ trong vốn chủ sở hữu của CTCP hoàn toàn không thay đổi tại thời điểm phân phối lợi nhuận.

Về phía CTCP, khi trả cổ tức bằng tiền, CTCP có luồng tiền ra, tài sản và vốn chủ sở hữu giảm xuống, còn khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, mặc dù khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm, nhưng khoản mục vốn cổ phần lại tăng. Điều này giống như việc gộp 2 chén nước nhỏ thành một chén to hơn và thực chất, CTCP chẳng mất gì, quy mô vốn và tài sản không thay đổi.

Khi trả cổ tức bằng tiền, giá trị cổ phiếu chỉ bị giảm tương ứng với số cổ tức nhà đầu tư nhận được. Còn khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá trị cổ phiếu bị pha loãng theo tỷ lệ. Điều này cũng giống như việc đổi một tờ 100.000 đồng lấy 2 tờ 50.000 đồng.

Chính vì vậy, nhiều CTCP khi chưa có đủ luồng tiền để trả cổ tức hoặc cần giữ lại vốn để tái đầu tư đã lựa chọn cách trả cổ tức bằng cổ phiếu, danh nghĩa là trả cổ tức, nhưng thực tế họ chẳng mất gì, trả cũng như không. Còn nhà đầu tư ngày càng không thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu, trừ khi biết chắc chắn một điều giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng, tăng và tăng.

Lưu ý việc trả cổ tức tại công ty mẹ

Theo quy định của pháp luật, công ty mẹ phải công bố 2 loại báo cáo tài chính (BCTC) là BCTC riêng của công ty mẹ và BCTC hợp nhất của cả tập đoàn. Hiện nay, do pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc trả cổ tức tại công ty mẹ được căn cứ vào báo cáo riêng hay báo cáo hợp nhất, nên việc chi trả cổ tức sao cho hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn vẫn đang là vấn đề được nhiều DN quan tâm.

Về nguyên tắc, việc trả cổ tức phải căn cứ vào mức lợi nhuận thực tế có được. Tuy nhiên, cần khẳng định, không thể chia cổ tức dựa vào lợi nhuận sau thuế của năm tài chính trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, mà cần phải căn cứ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của DN trên bảng cân đối kế toán. Đơn giản là do lợi nhuận kiếm được hàng năm trước hết phải được sử dụng đề bù đắp lỗ lũy kế của các kỳ trước, trích lập các quỹ rồi sau đó mới tính đến chuyện chia.

Ngược lại, nếu lợi nhuận từ các kỳ trước tích lũy lại chưa chia, kỳ này mặc dù doanh nghiệp bị lỗ, vẫn có thể thực hiện chi trả cổ tức, nếu số lỗ của kỳ này nhỏ hơn số lợi nhuận lũy kế của các kỳ trước.

Sau khi thống nhất được nguyên tắc trên, câu hỏi đặt ra là nên chia cổ tức theo mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bảng cân đối kế toán riêng công ty mẹ hay bảng cân đối kế toán hợp nhất của tập đoàn? Hiện đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau tại Việt Nam, nhưng thông lệ thế giới, các công ty mẹ sẽ căn cứ vào BCTC hợp nhất. Điều này xuất phát từ những lý do:

Trên BCTC riêng của công ty mẹ, có phản ánh khoản lãi, lỗ từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn. Tuy nhiên, nếu khoản lãi, lỗ này bị coi là chưa thực hiện thì cần phải loại trừ trên BCTC hợp nhất. Điều này có nghĩa BCTC riêng của công ty mẹ có thể bao gồm một phần lãi hoặc lỗ giả, nếu xét trên phương diện tập đoàn. Nếu trên BCTC riêng công ty mẹ có lãi từ giao dịch nội bộ, nhưng lại bị loại trừ trên báo cáo hợp nhất, điều này sẽ làm mức lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất nhỏ hơn báo cáo riêng.

Nếu công ty mẹ quyết định chi trả cổ tức căn cứ vào mức trên báo cáo riêng thì trên BCTC hợp nhất có thể sẽ bị âm lợi nhuận, hay nói cách khác không bảo toàn được vốn. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc mức cổ tức chia cho các cổ đông có vượt quá mức lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất hay không. Nhưng dù sao đi nữa, việc căn cứ vào BCTC riêng để chia cổ tức vẫn là việc làm thiếu thận trọng và không khôn ngoan.

Ngược lại, BCTC riêng của công ty mẹ chưa phản ánh hết nguồn lực của chính nó, do chưa phản ánh được thành quả của các công ty con mang lại. Vì vậy, trong điều kiện tốt đẹp, cả công ty mẹ và các công ty con làm ăn đều có lãi thì việc chỉ căn cứ vào báo cáo riêng để chia cổ tức sẽ làm giảm quyền lợi của các cổ đông công ty mẹ.

Tuy nhiên, khi xem xét mức lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo hợp nhất để chia cổ tức, cần lưu ý điều chỉnh giảm trừ số dự kiến trích quỹ khen thưởng phúc lợi và loại bỏ các yếu tố phi tiền tệ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền, như lợi nhuận của báo cáo hợp nhất có bao gồm khoản lãi từ việc mua rẻ (hay còn gọi là bất lợi thương mại hoặc lợi thế thương mại âm); các khoản lãi đánh giá lại tài sản như đánh giá lại TSCĐ mang đi góp vốn, khoản lãi do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ; khoản lãi do đánh giá lại các công cụ tài chính; khoãn lãi do hoàn nhập dự phòng; các khoản mục phi tiền tệ khác…

Tin bài liên quan