Lãi tốt, cổ tức chốt dễ dàng
Trong số những doanh nghiệp được biết tới với truyền thống trả cổ tức cao, không thể không nhắc tới Công ty cổ phần (CTCP) Công viên nước Đầm Sen (DSN) và năm nay, cổ đông của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục niềm vui nhận cổ tức hậu hĩnh.
Ban lãnh đạo DSN cho biết, 2018 là một năm thắng lợi của Công ty, với việc đội ngũ lãnh đạo mới được bổ nhiệm đã giúp doanh nghiệp đạt được kết quả hoạt động tích cực. Cụ thể, năm 2018, lượng khách tới Công viên nước Đầm Sen tăng 4,71% so với năm trước đó và đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, doanh thu, lợi nhuận nhờ vậy cũng tăng mạnh. Ngày 25/2 tới, DSN sẽ tiếp tục chi trả đợt cuối cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 29% bằng tiền mặt. Thời gian thanh toán vào ngày 8/3/2019. Như vậy, mức cổ tức tiền mặt mà Công viên nước Đầm Sen chi cho cổ đông năm 2018 lên tới 65%.
Chia sẻ thông tin về kế hoạch năm mới, DSN cho biết, sự thành công của năm 2018 sẽ tạo áp lực đáng kể cho Ban lãnh đạo Công ty trong năm năm 2019, nhất là khi xuất hiện thêm một số yếu tố bất lợi.
Theo đó, năm 2018, hợp đồng thuê đất của DSN tại Đầm Sen đã hết hạn, tuy tiếp tục được thuê đất nhưng giá mới có thể cao hơn, ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty từ năm 2019 trở đi. Cùng với đó, khách hàng ngày càng có đòi hỏi cao hơn về dịch vụ, buộc doanh nghiệp phải đầu tư nâng cấp, bổ sung thêm các trò chơi mới mẻ, trong khi diện tích hạn chế, không còn không gian để bố trí trò chơi mới.
Tuy vậy, DSN vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng và cho biết Công ty sẽ tiếp tục duy trì mức cổ tức tối thiểu như hiện nay. Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh, DSN lên mục tiêu tổng doanh thu đạt 219 tỷ đồng, tỷ lệ tối thiểu chi cổ tức cho cổ đông năm 2019 là 36%. Công ty sẽ tiếp tục có các giải pháp cụ thể hóa việc triển khai các dự án công viên nước thứ 2, dự án trên địa bàn quận 9... để thông qua cổ đông quyết định đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Cùng chung niềm vui chứng kiến một năm 2018 có tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng người đứng đầu CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) lại chia sẻ một cái nhìn khác về cổ tức cho cổ đông. Đầu năm 2019, ASM thống nhất sẽ chia cổ tức năm 2017 và tạm ứng trước đợt 1 của năm 2018 với tổng tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu, bao gồm 5% cổ tức năm 2017 và 2% cổ tức đợt 1 năm 2018.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, xu thế chung là các doanh nghiệp không muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, mà muốn chia bằng cổ phiếu bởi đều có mục tiêu tăng vốn. Việc chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu cũng còn phụ thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cũng như thị giá trên sàn của các mã chứng khoán.
Dù chưa tiết lộ kế hoạch kinh doanh, cũng như mức cổ tức năm 2019, nhưng vị chủ tịch này cho biết sẽ sớm công bố thông tin sau khi đã thống nhất với Hội đồng quản trị và được cổ đông cho ý kiến, thông qua vào kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời gian tới. Do mới kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hiện chưa có cổ đông nào đóng góp ý kiến về hình thức chi trả cổ tức năm 2019 của ASM.
Đáng chú ý, ông Thuấn tiết lộ, dòng tiền của Sao Mai hiện tại khá tốt, nhưng Công ty đang triển khai nhiều dự án lớn, đòi hỏi nguồn tiền đầu tư tương xứng. Đơn cử, một dự án nhà máy năng lượng mặt trời có tổng mức đầu tư lên tới 5.600 tỷ đồng, ngay cả việc vay ngân hàng cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn, phần còn lại phải đến từ nguồn lực nội tại của doanh nghiệp.
"Năm nay, Sao Mai triển khai 2 dự án nhà máy năng lượng mặt trời rất lớn, một ở Long An và một ở An Giang. Với kế hoạch này, nếu mạnh tay chia cổ tức thì Công ty sẽ không còn tiền để tiến hành dự án. Do vậy, để cân bằng giữa lợi ích cổ đông và nhu cầu vốn phát triển doanh nghiệp, Sao Mai đang lên lộ trình để huy động vốn”, ông Thuấn chia sẻ.
Doanh nghiệp đuối sức, cổ đông ngậm ngùi không cổ tức
Trong khi một số doanh nghiệp dù ít dù nhiều cũng có phần lợi ích thực tế cho nhà đầu tư, thì cổ đông tại một số doanh nghiệp có khả năng cao lâm vào cảnh không xu cổ tức năm 2019.
Mới đây nhất, CTCP Hùng Vương (HVG) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông ngày 22/2 tới với kế hoạch doanh thu 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 100 tỷ đồng. Cùng với đó, Công ty dự kiến tiếp tục không chia cổ tức cho niên độ tài chính này.
Niên độ 2017 - 2018, HVG đặt mục tiêu lợi nhuận 100 tỷ đồng và hoàn thành với kết quả 104 tỷ đồng. Dù kết quả này không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi, mà xuất phát từ doanh thu tài chính (thanh lý tài sản) thì đây vẫn là kết quả đáng khích lệ, nhất là khi niên độ trước đó, Công ty lỗ tới 695 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của HVG tính đến ngày 31/12/2018 vẫn còn hơn 405 tỷ đồng.
Thủy sản Hùng Vương đang gặp vấn đề lớn trong việc cân đối dòng tiền. Trong khi tổng nguồn vốn HVG ở mức 8.576 tỷ đồng, nợ mà Công ty phải trả lên tới 6.385 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nguồn vốn. Với nợ vay cao, trong niên độ 2017 - 2018, HVG phải chi trả 364,2 tỷ đồng chi phí lãi vay, tương ứng mỗi ngày gánh nặng lãi vay là 1 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu HVG trên sàn chứng khoán hiện tại chỉ còn khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tại các doanh nghiệp yếu, việc khất lần cổ tức là điều có thể thông cảm được. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại "cố" chi trả dẫn đến tình trạng dòng tiền càng yếu hơn, đơn cử là CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (ANT).
Trong kế hoạch tái cơ cấu của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, ngoại trừ năm 2014, dòng tiền thuần của ANT liên tục âm từ năm 2011 đến 2017. Từ sau cổ phần hóa, Công ty đẩy mạnh công tác đầu tư, mua sắm tài sản cố định, xây dựng nhà máy khiến dòng tiền thuần từ đầu tư luôn âm, phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Đặc biệt, dòng tiền hoạt động kinh doanh năm 2017 của ANT âm 11,7 tỷ đồng, trong khi Công ty vẫn tiếp tục đầu tư tài sản cố định và chi trả cổ tức, lãi vay, dẫn đến phải bù đắp từ dòng tiền nợ vay ngân hàng. Chính điều này tạo thành vòng xoáy vay nợ để chi trả cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư, trong khi hoạt động kinh doanh không ổn định và có xu hướng xấu dần đi trong vài năm qua.
Với tình hình hiện tại, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra các phương án nhằm tái cấu trúc giai đoạn 2019 - 2021, theo đó, với khó khăn trước mắt, chỉ tiêu cổ tức hàng năm vẫn đang bỏ ngỏ.