Ông Võ Văn Long, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, địa bàn Thành phố hiện có 38 cơ quan báo chí và 142 văn phòng đại diện các cơ quan.
Bên cạnh những đóng góp tích cực của các văn phòng đại diện như đưa tin kịp thời chính xác và phù hợp với chính sách pháp luật Nhà nước để nhân dân Thành phố vững tin cùng thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, quốc phòng..., nhưng nhiều thông tin được đưa lên không chuẩn mực, không chính xác và đặc biệt là không phù hợp lợi ích của đất nước, của dân tộc còn nhiều.
“Trong Luật Báo chí đã quy định, thông tin đăng tải trên các cơ quan báo chí không chỉ chính xác, mà còn phải phù hợp để không ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia”, ông Võ Văn Long nói.
Tính đến tháng 11/2017, cả nước có khoảng hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ trong đó báo chí in, báo chí điện tử khoảng hơn 12.000 người, phát thanh, truyền hình khoảng hơn 6.000 người.
Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho từng phóng viên là 1 trong 3 kiến nghị mà ông Long đưa ra tại Hội nghị bên cạnh sự phối hợp tăng cường quản lý giữa Cục báo chí và các Sở TT&TT các tỉnh, Thành phố.
Ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương còn cho biết, đã có tình trạng, một văn phòng đại diện tại TP.HCM cung cấp một loại thẻ như thẻ hoạt động báo chí cho chủ quán nhậu, chủ vựa phế liệu để làm ăn.
Hiện, Ban tuyên giáo Trung ương đang phối hợp cùng Cục Báo chí, Sở TT&TT TP.HCM kiểm tra thông tin có sự việc.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (đứng giữa) trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Lê Toàn
Kinh tế báo chí trở thành một trong những lý do tác động đến những hạn chế của một số cơ quan báo chí. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 13.000 tỷ đồng trong 2017.
Trong đó, tổng doanh thu trong lĩnh vực báo in và điện tử ước đạt khoảng 2.600 tỷ đồng và doanh thu của các đài phát thanh, truyền hình đạt hơn 10.500 tỷ đồng (trong đó doanh thu quảng cáo khoảng trên 8.900 tỷ đồng).
Nguồn thu quảng cáo trực tuyến dịch chuyển mạnh về các nền tảng xuyên biên giới.
Bởi lẽ, 66% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chịu sự chi phối của Google và Facebook, 27% thị phần thuộc về các mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad Network) trong khi các trang web trong nước (bao gồm cả báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội) chỉ chiếm 7%.
Đây là một trong những lí do khiến các cơ quan báo chí không tự chủ được chi phí hoạt động và “biến tướng” về tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tới nội dung.