Có thể xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn

Có thể xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn

(ĐTCK) Thị trường có thể xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn trong những ngày tới, do vậy, cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu là một lựa chọn an toàn.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 14/3.

 Có thể xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn ảnh 1

Có thể xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn

(CTCK FLC - FLCS)

Hiện nay xu thế dài hạn đang là giảm điểm. Sau những biến động giảm giá mạnh trong vòng 1 tháng qua, xu thế trung hạn cũng đã nghiêng về giảm điểm. Khi phân tích xu thế ngắn hạn thì phiên giảm điểm nhẹ ngày 13/3 đã xác nhận xu thế đảo chiều giảm điểm trong những ngày tới.

Ở trong bối cảnh này, tất cả những đợt hồi phục tăng điểm ngắn như trong 6 phiên vừa qua đều đem lại cơ hội giảm tỷ trọng cổ phiếu với mức giá tốt hơn.

Khi đầu cơ giá tăng, giai đoạn đầu cơ sẽ không diễn ra quá ngắn và biên độ sẽ không nhỏ, chúng tôi đang xác định thị trường hiện nay đang nằm trong phần đầu của giai đoạn đầu cơ giá giảm, do vậy khoảng thời gian của giai đoạn giảm giá cũng sẽ không ngắn, và mức độ giảm điểm có thể không dừng lại tại đây. Thị trường có thể xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn trong những ngày tới, do vậy, việc cân nhắc tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu có thể là một lựa chọn an toàn.

 

Tiếp tục giằng co

(CTCK ACB - ACBS)

Bên bán tiếp tục áp đảo và VN-Index bị kéo xuống dần dần trong suốt phiên 13/3. Tuy nhiên, mức giảm khi đóng cửa khá nhỏ và không tín hiệu kỹ thuật quan trọng nào được hình thành.

Khối lượng giảm cho thấy áp lực bán không còn mạnh. Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co trong vùng hẹp 470-480.

Dưới hỗ trợ nhỏ 470, VN-Index có thể giảm sâu hơn về 459. Ngược lại, vượt 480, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục hồi phục.

HNX-Index cũng liên tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 13/3. Một đợt hồi phục mạnh cuối phiên đã không xuất hiện như trong phiên trước đó.

Khối lượng giảm cho thấy áp lực bán giảm, nhưng lực cầu bắt đáy không đủ mạnh để đẩy chỉ số HNX-Index hồi phục.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục mất điểm. Nếu giảm dưới hỗ trợ nhỏ 61, HNX-Index có thể giảm sâu hơn về hỗ trợ mạnh 59. Ngược lại, HNX-Index có thể hồi phục lại về kháng cự 63,3. Vượt qua mức này, HNX-Index sẽ hình thành mô hình Inverse Head & Shoulders với mục tiêu là đỉnh 68.

 

Vẫn khá sớm để có thể nhận định về một xu thế tích cực hơn

(CTCK FPT - FPTS)

Thị trường trong phiên 13/3 giao dịch khá yếu, sắc đỏ chiếm vai trò chủ đạo trong phần lớn thời gian, những nỗ lực hồi phục trong phiên gần như là không đáng kể khi nhiều cổ phiếu đồng loạt mất điểm. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình và có dấu hiệu giảm nhẹ so với khối lượng giao dịch bình quân của các phiên đầu tuần.

Có thể thấy, thị trường vẫn có sự phụ thuộc nhất định vào giao dịch của khối ngoại tại một số thời điểm, trong phiên 13/3, nhà đầu tư nước ngoài dừng mua ở nhiều mã và kéo theo đó thị trường cũng suy yếu nhanh chóng. Cùng với đó, tâm lý thận trọng và chờ đợi của nhà đầu tư đang thử thách khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là khi thị trường vẫn chưa có động lực để tạo ra những bứt phá mang tính tích cực.

Đã không còn thấy tâm lý hồ hởi mua vào, thay vào đó là sức cầu bắt đáy có phần dè dặt hơn khiến chênh lệch cung - cầu dễ dàng nghiêng về phía người bán. Theo đó, trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, vẫn khá sớm để có thể nhận định về một xu thế tích cực hơn của các chỉ số. Nhà đầu tư trong những thời điểm này cần chờ đợi những cơ hội rõ rệt hơn và tiếp tục bám sát diễn biến của khối ngoại. Tuy vậy, đối với những cổ phiếu cơ bản tốt, chưa tăng nhiều thì nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc mua dần vào tại những thời điểm xuất hiện điều chỉnh mạnh.

 

Không loại trừ khả năng có thể xuất hiện lực bán tăng đột biến

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chỉ số hai sàn mất điểm với khối lượng giảm nhẹ so với phiên 12/3. Tại sàn HNX, tâm lý hưng phấn cuối phiên trước đã được thay thế bởi tâm lý thận trọng. Lực cung tăng mạnh khi nhà đầu tư quyết liệt chốt lời do nhiều cổ phiếu đã có mức tăng khá tốt trong 03 phiên vừa qua. Còn tại tại sàn HOSE, hai cổ phiếu ITA và KBC quay đầu giảm điểm đã tác động khá mạnh tới dòng tiền tiền đầu cơ. Dòng tiền không còn đủ tự tin mua vào ở các mức giá cao khiến số mã giảm chiếm đa số, với 135 mã giảm điểm.

Trong phiên 13/3, nhà ĐTNN đẩy mạnh giao dịch, tuy nhiên giá trị mua ròng lại giảm so với phiên trước. Lực mua tập trung chủ yếu ở các mã như HPG, HSG, PVD và bán mạnh ở các mã BVH, CTG.

Những phiên cuối tuần, mặc dù giao dịch của khối ngoại có thể được đẩy mạnh, tuy nhiên việc đầu tư theo động thái này sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro bởi thứ Sáu tuần này hai quỹ ETF sẽ hoàn tất việc chốt danh mục theo cơ cấu mới,

Duy trì quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và hạn chế mua vào trong bối cảnh hiện nay. Do chưa xuất hiện thêm các thông tin hỗ trợ nên trong ngắn hạn dòng tiền dễ bị “xao động”, không loại trừ khả năng có thể xuất hiện thêm những phiên với lực bán tăng đột biến.

 

Rủi ro giảm giá vẫn cao

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Không có biến chuyển tích cực nào được tạo ra trong các phiên gần đây. Ở một động thái được mong đợi nhất, VN-Index đã không thành công trong việc chinh phục mức 481 để đánh dấu kết thúc đợt điều chỉnh.

Việc thị trường yếu đi trước khi vượt qua 481 bằng một thanh nến có thân hẹp và một nến đỏ kế tiếp tạo ấn tượng về việc một đỉnh thấp hơn được tạo ra. Điều này sẽ tái khẳng định quan điểm về các đỉnh và đáy sau thấp hơn, đặc điểm của một giai đoạn điều chỉnh dài.

Do đó, chúng tôi cho rằng, rủi ro giảm giá vẫn cao hơn khả năng tăng giá. Các nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường hoặc giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục thấp để bảo toàn vốn. Đây là quan điểm chính của chúng tôi trong vòng vài tuần trở lại đây.

 

Nên cân nhắc dừng các trạng thái mua đã mở

(CTCK MB - MBS)

Thị trường giảm điểm trên cả hai sàn giao dịch khi áp lực bán bất ngờ mạnh lên từ thời điểm cuối đợt giao dịch buổi sáng. Hành động của bên bán khá quyết đoán khi chấp nhận hạ giá mạnh tay tại một số cổ phiếu có Beta cao như PVX, SCR, VCG, ITA, KBC…

Trái ngược với sự sốt ruột của bên bán bên mua khá điềm tĩnh và chỉ đặt mua ở mức giá thấp tuy nhiên lực cầu bắt đáy khá dày đã giữ cho thị trường không rơi mạnh. Các các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản và tài chính ngân hàng bị bán ra khá mạnh song hiện tượng giảm sàn hàng loạt đã không diễn ra. Số lượng cổ phiếu giảm giá vượt trội so với số lượng cổ phiếu tăng giá cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư đang khá bi quan.

Đa phần các cổ phiếu trong rổ VN30 và HNX30 đều giảm giá, song không có mã cổ phiếu nào giảm xuống mức giá sàn. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch khá nhiều trên cả hai sàn tuy nhiên lực mua của họ chủ yếu tập trung ở mức giá thấp nên không gây được tác động tích cực lên hai chỉ số.

Sau phiên tạm dừng, thị trường đã nghiêng về hướng giảm điểm ngày 13/3. Xu hướng giảm bên sàn Hà Nội rõ ràng hơn bên sàn HOSE. HNX-Index giảm 1,27% đóng cửa gần thấp nhất trong ngày. Chỉ báo SO cũng cho thấy trong ngắn hạn thị trường đã ở trong tình trạng quá mua. Với diễn biến của thị trường hiện tại, nhà đầu tư nên cân nhắc dừng các trạng thái mua đã mở.

 

Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Tăng điểm đầu phiên vượt nhẹ mốc 478 điểm vào phiên giao dịch buổi sáng, tuy vậy khối lượng không gia tăng và lực cầu yếu dần khiến chỉ số VN- Index một lần nữa chưa vượt qua được đường trung bình động 20 ngày SMA-20. Cây nến ngày Small Black Candle xuất hiện ngay sau cây nến Doji trước đó. Khối lượng giao dịch ở mức 48,2 triệu đơn vị, giảm 16,53% so với phiên trước.

Như vậy, thị trường có cơ hội tiếp tục giữ được đà tăng nếu vượt mốc quan trọng  478 điểm của đường trung bình động 20 ngày (SMA-20). Ngược lại nếu không qua được mức này chỉ số có thể tiếp tục tích lũy đi ngang hoặc xen kẽ tăng giảm với các hoạt động lướt sóng của các nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu kỳ vọng cho mùa đại hội cổ đông sắp diễn ra. Chúng tôi cho rằng, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh theo các thông tin công bố của các doanh nghiệp trong thời gian tới.