Có thể dần tham gia trở lại

Có thể dần tham gia trở lại

(ĐTCK) Theo các CTCK, nếu VN-Index vượt qua 495 điểm, thì NĐT có thể dần tham gia trở lại. Tuy nhiên, không cần thiết phải mua giải ngân trong các phiên tăng nóng.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 3/7.

 Có thể dần tham gia trở lại ảnh 1

Sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới

(CTCK FPT - FPTS)

Theo quan sát của chúng tôi, thị trường ngày 2/7 tăng điểm mạnh có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu trụ cột, tuy nhiên, trái ngược với sự gia tăng của giá thì thanh khoản vẫn ở mức thấp và chưa được cải thiện.

Với diến biến này, nhiều khả năng thị trường sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới nếu tiếp tục hồi phục khi mà trước mắt đang là ngưỡng kháng cự nhạy cảm. Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, giá vàng và biến động thất thường của thị trường thế giới gần đây vẫn khiến cho nhà đầu tư cầm tiền do dự, chưa sẵn sàng tham gia thị trường trở lại. Sự sụt giảm của thanh khoản đang gây khó khăn cho xu thế hồi phục của thị trường.

Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi thị trường cân bằng hơn cùng những diễn biến tích cực của thanh khoản, bên cạnh đó động thái của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tiếp tục theo dõi để đưa ra quyết định kịp thời.

 

Sẽ có thêm đợt giảm điểm nữa

(CTCK ACB - ACBS)

Sự khởi sắc từ một số mã vốn hóa lớn như BVH, MSN và VNM đã kéo phần lớn thị trường đi theo ngày 2/7. Đóng cửa, VN-Index tăng vọt 9,8 điểm (2,04%, mạnh nhất trong vòng 1 tháng), lên 489,84 điểm, trong khi HNX-Index cũng tăng mạnh 0,71 điểm (1,14%) lên 63,2 điểm.

Tổng khối lượng trên cả hai sàn tăng 20% lên 63 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 850 tỷ đồng. Khối ngoại không còn bán ròng, nhưng giá trị mua ròng ở mức rất khiêm tốn 1,6 tỷ đồng trên HOSE và 681 triệu đồng trên HNX.

Về mặt kỹ thuật, thị trường tăng vọt ngoài dự đoán của chúng tôi. Tuy nhiên, khối lượng vẫn thấp hơn nhiều so với những phiên lao dốc tuần trước là điều đáng lo ngại, cho thấy thị trường khá dễ vỡ.

Hiện VN-Index đang giao dịch ở gần kháng cự 490 cũng có thể kích thích áp lực bán tăng lên trong phiên 3/7. Theo phân tích sóng Elliott của chúng tôi, VN-Index có thể đang hình thành sóng 4 của xu hướng giảm bắt đầu từ đỉnh 533. Nếu đánh giá của chúng tôi đúng, VN-Index sẽ không thể vượt qua mức 495,5, đáy của sóng 1.

Tương tự, áp lực bán trên sàn HNX cũng có thể tăng lên nếu HNX-Index chạm kháng cự 63,6 trong phiên 3/7. Dó đó, chúng tôi vẫn cho rằng, sẽ có thêm đợt giảm điểm nữa của thị trường trong 1, 2 tuần tới.

 

Vẫn nên tiếp tục quan sát

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường hôm nay có diễn biến khởi sắc trở lại, đặc biệt trên HSX. Các mã bluechip lớn mang tính dẫn dắt thị trường như MSN, VNM, VIC, BVH, HSG, HPG đều tăng mạnh. Trong nhóm bluechip, MSN và VNM tăng mạnh nhất khi được hỗ trợ bảo thông tin tích cực. Masan được TPG Growth đầu tư thêm 50 triệu USD, còn Vinamilk đã chính thức được chứng nhận xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Không chỉ bluechip, đà tăng trong phiên hôm nay trải rộng trên toàn thị trường với độ rộng thị trường rất tích cực khi số mã tăng gấp hơn 3 lần số mã giảm.

Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm nhận định trong các báo cáo trước. Với việc phiên 2/7, thị trường vượt qua ngưỡng 487 điểm, nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục quan sát phản ứng của thị trường khi VN-Index tiến tới vùng 493 điểm.

Nếu thị trường tăng và chạm vùng 493 và đi xuống thì tín hiệu bán hình thành. Quá trình sụt giảm từ các vùng điểm này được xác định tại mức hỗ trợ 460 hoặc 440-445 điểm.

 

Vẫn nên giữ quan điểm thận trọng

(CTCK MB - MBS)

VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm và hình thành nến trắng thân lớn là tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi của thị thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật cũng biến động theo hướng tăng cùng chiều với chỉ số. Chỉ báo kỹ thuật PSAR của VN-Index đảo chiều xuống dưới đường giá là tín hiệu ủng hộ xu thế tăng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp làm giảm độ tin cậy về khả năng phục hồi của thị trường. Theo đó, nhà đầu tư vẫn nên giữ quan điểm thận trọng về xu hướng tăng.

 

Có thể dần dần tham gia trở lại

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Chúng tôi có một số đánh giá lạc quan hơn trong phiên 2/7. Trước hết, về biến động thị trường ngắn hạn, VN-Index đang bật mạnh trở lại, cho thấy khu vực hỗ trợ 460 điểm đóng vai trò hỗ trợ trung hạn rất tốt.  Tin đáng chú ý nhất là TPG Growth, một quỹ đầu tư trên phạm vi toàn cầu, đang tiến tới hoàn tất việc mua 49% cổ phiếu của Công ty TNHH Hoa Mười Giờ, một công ty đang được tái cấu trúc sở hữu để thuộc Tập đoàn Masan Group. Lược bỏ những chi tiết lòng vòng, chúng tôi cho rằng, giao dịch này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, đặc biệt xét trong bối cảnh các nhà đầu tư đang giữ quan điểm rất thận trọng về các thị trường mới nổi.

Quan điểm của chúng tôi trong các bài trước đây là dòng tiền thậm chí có thể rút ra từ một số thị trường trong khu vực như Phillippines, Thái Lan và tập trung vào Việt Nam. Một đặc điểm dễ nhận thấy trong vài phiên gần đây là các thị trường mới nổi đã hồi phục rất mạnh sau quá trình rơi tự do trước đó dẫn tới mô hình chữ V của chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Tương đồng với diễn biến này trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh lượng bán ròng trên sàn HOSE, giảm áp lực đối với chỉ số.

Một số cổ phiếu chúng tôi gọi bán trước đây đã đạt mục tiêu, một số khác mấp mé mục tiêu trước khi bật lại (MSN, OGC...). Chúng tôi cho rằng, nếu thị trường đang có dấu hiệu cải thiện và nếu MA 50 ngày (495) được vượt qua cùng khối lượng tốt (tương đương hoặc trên MA 50 của khối lượng), các nhà đầu tư có thể dần dần tham gia trở lại thị trường. Chúng tôi cũng sẽ đóng dần các vị thế gọi bán trước đó.

 

Không cần thiết phải giải ngân trong các phiên tăng nóng

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Những thông tin tích cực về các doanh nghiệp lớn trên sàn đã tác động đến tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư. Ngày 2/7, MSN công bố Quỹ đầu tư tăng trưởng của TPG (TPG Growth) đã chính thức ký hợp đồng để mua lại 49% cổ phần của Công ty TNHH Hoa Mười Giờ (Masan Agriculture) với khoản tiền mặt trị giá 50 triệu USD và dự kiến hoàn tất giao dịch vào cuối tháng 7.

VNM vừa nâng tầm của doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam sau khi được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) chứng nhận được xuất hàng vào Mỹ. Như vậy, sự phục hồi của bluechips và sự tham gia trở lại của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động đến sự hưng phấn giúp đà tăng của thị trường tăng mạnh trong phiên hôm nay.

Những thông tin kinh tế tuy trái chiều nhau như tốc độ tăng tổng mức bán lẻ đang giảm dần nhưng dự báo sẽ tăng trong thời điểm cuối năm, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 49% kế hoạch và đến cuối năm có thể vượt kế hoạch và chưa tăng giá điện có thể sẽ khiến nhà đầu tư do dự trong việc đưa ra quyết định mua bán. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc lựa chọn các cổ phiếu có cơ bản tốt sẽ giúp gia tăng lợi nhuận trong thời gian tới, nhưng không cần thiết phải giải ngân trong các phiên tăng nóng.

 

Không nên quan tâm vào chỉ số

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Thị trường tiếp tục có thêm một phiên tăng mạnh và chỉ số VN-Index đã tiếp cận mốc 490 điểm và có vẻ như tâm lý bi quan đã được giải tỏa phần nào. Điểm đáng quan tâm là chỉ số tăng mạnh nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp và chưa có nhiều thay đổi. Nhiều người cùng có chung cảm giác nhóm VNM, MSN, GAS... là nguyên nhân tác động chính lên chỉ số. Thực tế thì ở phiên này nhóm VN30 đều tăng và không có mã nào có sự bứt phá riêng biệt.

Thống kê cũng cho thấy, số mã tăng giá chiếm tỷ trọng lớn so mã giảm giá. Việc thanh khoản thấp trong khi chỉ số tăng mạnh có thấy bên bán vẫn kỳ vọng bán được giá cao hơn, lượng cung hàng ra là không nhiều. Điều này có thể do NĐT vẫn giữ hàng và chờ đợi mùa báo cáo bán niên chuẩn bị được công bố.

Với những diễn biến như hiện tại, thì chỉ cần một hoặc 2 mã vốn hóa lớn giảm là thị trường sẽ lại bị tác động ngược trở lại. Do đó, dự báo chỉ số VN-Index như thế nào là khá khó. Thời điểm này NĐT cũng không nên quá quan tâm tới chỉ số mà quan sát ở từng cổ phiếu thích hợp hơn. Chiến lược mua đón đầu mùa báo cáo đang là chủ đề chính và được nhiều người thực hiện.

Do đó, ngay cả khi DN công bố lợi nhuận cao thì cổ phiếu tăng giá đột biến sẽ không xảy ra. Thế nhưng, nó có tác dụng trong dài hạn là giữ cho giá cổ phiếu không bị giảm mạnh khi thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực.