Xi măng Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Ảnh: Dũng Minh.

Xi măng Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Ảnh: Dũng Minh.

Cổ phiếu xi măng “đa sắc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành xi măng đang có màu xám nên cổ phiếu thường được giao dịch trong sắc đỏ, dù thị trường chứng khoán có sắc xanh kéo dài và nhiều ý kiến nhận định ngành này có triển vọng sáng.

Cổ phiếu dần được quan tâm hơn

Trên sàn chứng khoán thời gian qua, nhiều cổ phiếu xi măng như BCC của Xi măng Bỉm Sơn, BTS của Vicem Bút Sơn, HOM của Xi măng Vicem Hoàng Mai, HT1 của Xi măng Hà Tiên 1… thường xuyên có sắc đỏ trong bối cảnh thị trường chung có sắc xanh kéo dài.

Anh Nguyễn Hữu Cảnh, nhà đầu tư tại Hà Nội nhận xét, cổ phiếu xi măng có thanh khoản cao hơn trước và giá cũng tăng theo thị trường chung, nhưng ở mức thấp so với nhiều nhóm ngành khác. Nhìn chung, cổ phiếu nhóm ngành này vẫn đìu hiu, sắc đỏ bao phủ nhiều phiên, dù thị trường chứng khoán đi lên như diều gặp gió.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu xi măng có diễn biến kém khả quan, trong khi đó, không ít công ty chứng khoán đánh giá, ngành xi măng có triển vọng tích cực.

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhìn nhận, ngành xi măng đang xám, nhưng có triển vọng sáng.

Thứ nhất, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì vận hành sản xuất.

Thứ hai, Trung Quốc tăng cường đầu tư công giúp thị trường xi măng hồi phục kể từ quý II/2020 và có thể kéo dài trong thời gian tới, làm tăng nhu cầu nhập khẩu xi măng Việt Nam.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng phục hồi cùng với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho ngành xi măng.

Thứ ba, thị trường bất động sản hồi phục nhờ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, lãi suất giảm… Các yếu tố này sẽ tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành xi măng.

Trong đó, việc đẩy mạnh đầu tư công được dự đoán sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng, giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ. Năm nay, nhu cầu xi măng có khả năng tăng 3 - 5%.

Mirae Asset cho rằng, cổ phiếu ngành xi măng trong năm 2021 sẽ được tái định giá với mức P/E và EV/EBITDA cao hơn, lần lượt đạt 10,3 lần và 5,7 lần so với mức 8,4 lần và 4,8 lần trong tuần đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn 10% so với mặt bằng các nước đang phát triển.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Sản lượng tiêu thụ nội địa ngành xi măng được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm nay, ước tính sản lượng đạt 65,7 triệu tấn, tăng 6% so với năm ngoái, tương ứng với 74% tổng công suất cả ngành.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành xây dựng năm 2020 tăng trưởng 6,6%, cao nhất trong các ngành kinh tế. Giai đoạn 2021 - 2025, các dự án đầu tư công như cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ở các thành phố lớn sẽ thúc đẩy ngành xây dựng tăng trưởng. Trong năm 2021 - 2022, dự báo giá trị ngành xây dựng lần lượt đạt 452.233 tỷ đồng và 492.956 đồng, tăng tương ứng 10% và 9% so với năm liền trước.

Có một thực tế là các doanh nghiệp xi măng trong nước đang trong tình trạng dư cung, trong khi hiệu suất lò quay được cải thiện, ước đạt 93% năm 2020 (hiệu suất lò quay trung bình toàn cầu đạt khoảng 78%) và dự kiến đạt 96% năm 2021.

Trong bối cảnh dư cung 36 triệu tấn, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thông qua giảm giá bán. Do đó, giá clinker xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia khoảng 20%.

Các doanh nghiệp cũng giảm giá bán tại thị trường nội địa, nhằm tránh thâm hụt vốn, đồng thời gia tăng thị phần, dù tình hình tiêu thụ trong nước có dấu hiệu tăng kể từ quý II/2020 và kinh tế thế giới cũng như trong nước có triển vọng phục hồi trong năm 2021.

Trong các công ty niêm yết, Xi măng Hà Tiên 1 đang có sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng từ năm 2021. Công ty này có thị phần 33% tại khu vực phía Nam nên dự kiến hưởng lợi không nhỏ từ các dự án đầu tư công tại khu vực này như dự án mở rộng nhà ga Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tại miền Nam…

Công ty Chứng khoán Agribank dự báo, nhu cầu từ các dự án trên có thể giúp Xi măng Hà Tiên 1 đạt mức tăng trưởng 5 - 8% sản lượng tiêu thụ trong nước năm nay.

Với Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Chứng khoán FPT nhận định, trong ngắn hạn, doanh nghiệp này có thể gia tăng lợi nhuận nhờ chuyển đổi các sản phẩm xi măng Tam Điệp từ phân khúc giá rẻ sang cạnh tranh phân khúc giá cao. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 13% sản lượng tiêu thụ của Xi măng Bỉm Sơn.

Tại Xi măng Bút Sơn, Công ty có thị phần đứng thứ tư tại khu vực miền Bắc, nhưng hoạt động kinh doanh gặp áp lực cạnh tranh không nhỏ. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến năm 2023, khu vực miền Bắc không có nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực cạnh tranh và có điều kiện cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Ba rủi ro cần lưu ý

Dù nhiều ý kiến nhận định ngành xi măng có triển vọng sáng, nhưng ngành này đang đối diện với 3 rủi ro, có thể khiến các nhà đầu tư cổ phiếu thận trọng.

Thứ nhất, rủi ro về biến động giá than và giá điện. Giá than và giá điện chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất clinker. Đặc biệt, giá clinker chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo giá điện và giá than. Tuy nhiên, các công ty đầu ngành như Xi măng Hà Tiên 1 hay Xi măng Bỉm Sơn đều đã dần chuyển sang chốt đơn hàng nhập khẩu than trước 3 tháng để hạn chế rủi ro.

Thứ hai, rủi ro về Covid-19 vẫn hiện hữu khi việc tiêm chủng trên diện rộng chưa diễn ra, do đó có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi ngành vật liệu kéo dài hơn dự kiến.

Thứ ba, rủi ro về thị trường xuất khẩu khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam. Nếu Trung Quốc ngưng các chính sách kích cầu cơ sở hạ tầng, sản lượng xuất khẩu xi măng sang thị trường này ước tính sẽ giảm 25 - 30% trong ngắn hạn và trung hạn.

Tin bài liên quan