Giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xây lắp.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xây lắp.

Cổ phiếu xây dựng “ăn theo” kỳ vọng về gói đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ vọng doanh nghiệp ngành xây dựng được hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công đã giúp hàng loạt cổ phiếu ngành này bật tăng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Cổ phiếu tăng bằng lần

Tăng giá mạnh nhất trong nhóm này là cổ phiếu C4G (của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4), từ mức giá 8.050 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 7/2021 đã tăng lên 23.200 đồng/cổ phiếu trong phiên 15/12/2021, tức tăng gần 3 lần sau chưa đầy 5 tháng.

Cổ phiếu LCG (của Công ty cổ phần Licogi 16) từ mức đáy 8.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/7 đã tăng lên 23.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/12/2021, tăng khoảng 2,6 lần.

Cùng mốc thời gian, cổ phiếu HBC (của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình) đạt mức tăng gần gấp đôi, từ vùng 15.000 đồng/cổ phiếu đạt 28.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/12/2021. CTD (của Công ty cổ phần Coteccons) vừa lập đỉnh cao nhất trong một năm qua ở vùng giá 91.200 đồng/cổ phiếu (15/12)…

Lý do được nhắc đến nhiều nhất là chủ trương đẩy mạnh đầu tư công trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn nhất của ngành xây dựng trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng.

Thông tin từ các doanh nghiệp trong ngành cũng cho thấy chuyển động tích cực về đấu thầu các dự án có vốn ngân sách. Chẳng hạn, C4G là một trong những nhà đầu tư tham dự thầu và đã qua vòng sơ tuyển ở nhiều dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam.

Năm ngoái, Công ty cổ phần Lắp máy và thí nghiệm cơ điện (mã LCD) đã lọt qua vòng sơ tuyển của dự án cao tốc Bắc – Nam và hiện đang thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như cao tốc 45 Nghi Sơn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái…

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận định, doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp dân dụng đang được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công.

Theo ông Hải, trong năm 2022, Hòa Bình chủ trương thoái vốn ở mảng bất động sản để tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng và dân dụng, đặc biệt là những dự án dùng vốn ngân sách.

Thời gian gần đây, Hòa Bình được mời đấu thầu nhiều dự án tốt và đến thời điểm này, số lượng hợp đồng của năm 2022 đã tương đối ổn. Ngoài ra, nhiều dự án Công ty đang dự thầu cũng có triển vọng tốt.

Năm 2022, ông Hải dự báo, Hòa Bình sẽ có doanh thu vượt mức 20.000 tỷ đồng, gần gấp đôi con số 12.000 tỷ đồng dự kiến thực hiện trong năm 2021.

“Tôi tin sắp tới Hoà Bình có thể tham gia được nhiều công trình hạ tầng theo kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ”, ông Hải nói.

Tại Công ty cổ phần FECON, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Việt Khoa, hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, nguồn nhân lực để chủ động tham gia đấu thầu 10 dự án đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương.

Còn đó những băn khoăn

Trước làn sóng đẩy mạnh đầu tư công, từ cả kế hoạch đầu tư trung hạn lẫn gói phục hồi kinh tế, triển vọng rõ ràng cho doanh nghiệp xây dựng là khối lượng công việc sẽ tăng lên.

Dẫu vậy, Chủ tịch FECON cũng băn khoăn về việc các gói thầu đang đưa ra để kích cầu có giá khá thấp, nhà thầu bị áp lực về giá trước diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng trên thị trường. Theo ông Khoa, “nếu không nhận thì doanh nghiệp không có việc để làm, còn nhận thì nhìn thấy trước nhiều gói thầu có thể bị lỗ”.

Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agiseco) nhận định, các doanh nghiệp xây dựng vẫn đứng trước thách thức lớn, đó là giá nguyên vật liệu xây dựng dù hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao.

Thời gian tới, ngành xây dựng tiếp tục được hưởng lợi do kích cầu, nhưng khả năng “ăn bằng lần” của cổ phiếu xây dựng như thời gian vừa qua khó xảy ra.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup

Thực tế cho thấy, đại dịch bùng phát ở trong nước cùng với các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng trong một thời gian dài, cộng với việc giá nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Quý III/2021, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu 1.070 tỷ đồng, chưa bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lãi gộp giảm còn 1,6%, thấp hơn nhiều mức 6% của cùng kỳ 2020. Kết quả, Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 89 tỷ đồng.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) có doanh thu quý III/2021 chỉ đạt 2.092 tỷ đồng, giảm 21%; lãi ròng 5 tỷ đồng, bằng 10% cùng kỳ năm trước.

Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) có thu nhập lãi ròng giảm đến 90% trong quý III/2021 (còn 109 tỷ đồng) dù doanh thu thuần tương đương cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1.268 tỷ đồng. Nguyên nhân là chậm tiến độ thi công, giá vốn tăng, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh do thoái toàn bộ vốn tại công ty con.

Công ty cổ phần FECON giảm tới 56,8% lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý này, chỉ còn 20,2 tỷ đồng; trong khi quý III/2020 đạt 46,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON cho biết, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, cộng với giá nguyên vật liệu tăng, chi phí lãi vay tăng đã khiến lãi gộp của doanh nghiệp giảm tới gần 46 tỷ đồng (32,9%).

Trong khi đó, Tập đoàn Cienco4 có doanh thu 460 tỷ đồng, tăng 34% nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 36% xuống gần 11 tỷ đồng.

Cũng theo ông Khoa, việc Chính phủ siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản sẽ khiến các doanh nghiệp xây dựng chịu áp lực lớn về thu xếp nguồn vốn để tham gia dự thầu cũng như triển khai các gói thầu xây dựng.

Trong khi đó, việc siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tạo ra sự phân hóa trong ngành bất động sản.

Những doanh nghiệp có quỹ đất và khả năng triển khai dự án và tình hình tài chính tốt cơ bản không ảnh hưởng, thậm chí hưởng lợi. Ngược lại, những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào trái phiếu để đảo nợ sẽ gặp khó khăn, gián tiếp ảnh hưởng tới ngành xây lắp.

Nhìn nhận ngành xây dựng tiếp tục được hưởng lợi do kích cầu, nhưng theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup, “khả năng “ăn bằng lần” của cổ phiếu xây dựng như thời gian vừa qua khó xảy ra”.

Từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho rằng, “một số cổ phiếu xây dựng hiện nay như HBC, FCN… đang có định giá hơi cao so với giá trị sổ sách, có thể thị trường đang đánh giá cao tiềm năng của ngành xây dựng trong tương lai”.

Còn ông Lê Viết Hải thừa nhận: “Tôi tin HBC sẽ tăng, nhưng thực tế tăng quá nhanh so với dự đoán. Có thể là, Hoà Bình cũng thể hiện được vị thế của một doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư với cổ phiếu HBC".

Tin bài liên quan