Cổ phiếu “vua” tạm nhường ngôi

Cổ phiếu “vua” tạm nhường ngôi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi tăng giá mạnh, trở thành “đầu tàu” kéo chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới, gần đây có diễn biến điều chỉnh và dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển sang các nhóm ngành khác.

Cơ hội ngắn hạn không còn nhiều

Không ít cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng giá hơn gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 2021 như VPB, SSB, LPB, VIB, SHB; một số mã tăng giá mạnh khác là TCB, STB. So với đầu năm 2021, chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng tăng 34,4%, trong khi VN-Index tăng khoảng 23%.

VN-Index đang dao động quanh vùng đỉnh mới, gần 1.380 điểm, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây có diễn biến giảm, nhất là các mã trước đó tăng nóng như LPB, SHB, VIB, KLB, VPB...

Nhìn chung, kể từ giữa tháng 6 đến nay, dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi nhóm cổ phiếu “vua”, khiến giá và thanh khoản giảm.

Trong 1 tháng qua, cổ phiếu nhóm ngành dầu khí, dịch vụ tài chính, hóa chất, viễn thông bảo hiểm thuộc tốp đầu tăng giá.

Theo giới phân tích, cổ phiếu ngân hàng không còn “sóng” là do động thái bán ra chốt lời của nhiều nhà đầu tư, nhất là khi nhóm ngành này đẩy mạnh phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm nay, tạo nên rủi ro “pha loãng”.

Thực tế cho thấy, lượng cung cổ phiếu ngân hàng bắt đầu tăng từ các đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành riêng lẻ.

Chẳng hạn, 175 triệu cổ phiếu SHB đã được giao dịch bổ sung trên HNX từ ngày 16/6. Đây là số cổ phiếu được Ngân hàng phát hành nhằm chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, qua đó tăng vốn điều lệ lên 19.260 tỷ đồng.

Lượng cung cổ phiếu “vua” dự kiến sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm khi một loạt ngân hàng đang triển khai các kế hoạch phát hành.

Cụ thể, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32% bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành riêng lẻ.

MB có kế hoạch tăng 40% vốn điều lệ trong năm nay, với 3 phương án phát hành chia thành 3 lần. TPBank, BIDV, ACB Vietcombank, Nam A Bank, Vietbank, Bản Việt... đang triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021 chưa hẳn đã tăng nóng, song giá cổ phiếu ngành này hiện không còn rẻ.

Ngành ngân hàng tăng trưởng tốt trong thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới vẫn sáng, nhưng trong ngắn hạn khó có thể tạo sóng mạnh trên diện rộng trở lại.

Kỳ vọng của nhà đầu tư về các đợt phát hành tăng vốn cũng như triển vọng lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng cao gần như đã phản ánh vào giá trước đó.

Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư lo ngại về rủi ro pha loãng các chỉ số định giá sau khi ngân hàng tăng vốn thành công. Trong khi đó, nhà đầu tư có xu hướng chốt lời để chuyển sang nhóm ngành khác có dư địa tăng nhiều hơn.

Lợi nhuận 2021 có thể không như kỳ vọng

Lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý II và cả năm 2021 được nhận định sẽ tăng trưởng cao, dù phải đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ tư.

Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn mức tăng của năm 2020 (18,2% so với 14,9%). Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và dịch vụ, trong đó, hoạt động bán chéo bảo hiểm của Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB, HDBank được kỳ vọng mang lại kết quả tích cực.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2020, lợi nhuận của hầu hết ngân hàng đạt mức tăng trưởng trên dưới 20%. Kết quả kinh doanh quý đầu năm 2021 của các ngân hàng, nhất là các nhà băng lớn (Vietcombank, VietinBank, ACB, MB...) cho thấy, rất khó tìm được ngân hàng tăng dưới 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Mục tiêu lợi nhuận phổ biến của các nhà băng trong năm nay là tăng 20 - 25%.

Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích lưu ý, trong tổng số 102.600 tỷ đồng giá trị phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn mới theo kế hoạch của toàn bộ các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán năm 2021, nhóm ngân hàng chiếm 21,4%.

Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020.

Theo đó, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các nhà băng ước tính chỉ tăng 4,6%, dù lợi nhuận dự kiến tăng 23,8%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số định giá cổ phiếu, cụ thể là hệ số P/E năm 2021 sẽ giảm không đáng kể so với hiện tại.

Do dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động của ngành ngân hàng đang đứng trước thách thức, chứ không dễ dàng tăng trưởng cao như kỳ vọng.

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, cơ hội lướt sóng cổ phiếu “vua” không còn nhiều như kỳ vọng của nhà đầu tư, bởi tác động từ đại dịch Covid-19 là khó tránh khỏi.

Hiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp trong không ít ngành nghề có nguy cơ suy giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Do vậy, hoạt động của ngành ngân hàng đang đứng trước thách thức, chứ không dễ dàng tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Mặt khác, áp lực dự phòng rủi ro đối với các ngân hàng dự kiến sẽ gia tăng, nhất là khi thời hạn tái cơ cấu nợ bị tác động bởi Covid-19 kết thúc vào cuối năm nay. Các ngân hàng được phép giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu trong 3 năm (2021 - 2023), song áp lực vẫn lớn.

Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị, nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, do triển vọng tích cực từ việc tăng vốn, xử lý nợ xấu... đã phần nào phản ánh vào giá.

Mức định giá nhóm cổ phiếu “vua” không còn rẻ nên rất có khả năng thị giá sẽ còn điều chỉnh. Dòng tiền đầu tư trên thị trường có thể dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu khác có định giá hấp dẫn hơn, trong khi lợi nhuận có triển vọng tăng trưởng như nhóm bất động sản và bán lẻ.

Tin bài liên quan