Cổ phiếu vua chờ ngày trở lại

Cổ phiếu vua chờ ngày trở lại

(ĐTCK) Câu hỏi này không mới, nhưng phải hỏi lại bởi trong suốt 4 tháng đầu năm 2014, khi cổ phiếu rất nhiều ngành dậy sóng thì cổ phiếu ngân hàng bỗng chợt trở thành cổ phiếu ‘rẻ’ trên 2 sàn giao dịch.

“Đu” theo ngân hàng sắp sáp nhập

Trước thông tin một số ngân hàng chuẩn bị sáp nhập - hợp nhất, nhiều nhà đầu tư trên TTCK đã đu theo cổ phiếu của ngành này với kỳ vọng tạo được sóng và đẩy hàng thành công. Đơn cử như trường hợp của Southern Bank chuẩn bị sáp nhập vào với Sacombank.

Dù chi tiết chưa được tiết lộ, đặc biệt là tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu  giữa hai ngân hàng chưa có thông tin, nhưng trên thị trường xuất hiện tin đồn, gia đình ông Trầm Bê (đang nắm giữ trên 20% cổ phiếu Southern Bank) đang cố tạo sóng để nâng giá cổ phiếu Southern Bank, tạo tính hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng này trước khi sáp nhập Sacombank để có tỷ lệ chuyển đổi cao.

Chỉ vậy thôi nhưng không ít nhà đầu tư đã đi ‘săn’ cổ phiếu này bất chấp lời khuyên được đưa ra từ một chuyên gia lĩnh vực chứng khoán rằng, nên thận trọng vì nếu dồn vốn vào cổ phiếu Southern Bank trong lúc này chưa hẳn đã thắng, ngược lại khó tránh thất bại. Và rằng, việc sáp nhập chưa chắc chắn sẽ hoàn tất trong năm nay, tỷ lệ chuyển đổi không thể là tỷ lệ 1 :1 như trường hợp HDBank và DaiA Bank trước đây.

Sự ‘bỏ ngoài tai’ của không ít nhà đầu tư là bởi giá cổ phiếu Southern Bank giao dịch trên sàn OTC cũng chưa thể chạm được mệnh giá 10.000 đồng/CP, còn giá cổ phiếu Sacombank (STB) trên sàn xấp xỉ 20.000 đồng/CP. Tỷ lệ chuyển đổi nếu là 1 :1 thì mức lợi nhuận thu về sẽ tính bằng ‘lần’. Ngoài ra, mua sớm và khi sóng nếu được tạo ra thì có thể sang tay ngay, bất cần việc sáp nhập hay không vẫn có lãi.

Theo phân tích, việc đánh đu với cổ phiếu của các ngân hàng sắp bị sáp nhập không chỉ nằm ở tỷ lệ chuyển đổi mà, rủi ro với giá cổ phiếu ngân hàng sau sáp nhập cũng rất lớn. Lý do chính là ngân hàng nhận sáp nhập sẽ phải gánh những khó khăn của ngân hàng bị sáp nhập.

Sau thương vụ sáp nhập DaiA Bank, cổ phiếu HDBank giao dịch trên sàn OTC vẫn dưới mệnh giá và khả năng ngân hàng này cũng khó thực hiện kế hoạch lên sàn trong năm nay. HDBank đang từng bước xử lý khó khăn của DaiA Bank sau sáp nhập và cho biết, sẽ xem xét để bán các khoản nợ xấu DaiA Bank cho VAMC.

Tương tự, với SHB sau khi tiếp quản Hubuabnk cũng phải gánh khoản nợ xấu đến 1.800 tỷ đồng và từng bước xử lý. Chính vì vậy, dù phương án chuyển đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng được coi là có lợi cho cổ đông cả hai bên, nhưng giá cổ phiếu SHB phải tới tận đầu năm nay, khi tình hình tài chính công bố đã tốt lên và thị trường chứng khoán có sóng mạnh, mới vượt được trên mệnh giá.

Và làn sóng thoái vốn

Làn sóng M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng được đánh giá sẽ còn khá sôi động trong thời gian tới khi NHNN đẩy mạnh tiến hành tái cơ cấu khi đề án này đi vào giai đoạn cuối. Vì vậy, theo các chuyên gia, ngân hàng nhỏ - yếu kém ngay từ lúc này nên tìm kiếm đối tác để thương thảo, đàm phán trước khi NHNN buộc sáp nhập và hợp nhất.

Tuy nhiên, liệu sau M&A các ngân hàng có tăng trưởng và phát triển ổn định hơn hay lại bị kéo lùi nếu sáp nhập thêm một ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao hay không lại là câu chuyện khác. Các ví dụ nêu trên đã cho thấy rủi ro tiềm tàng với giá cổ phiếu của các ngân hàng nhận sáp nhập, đây cũng là một trong những lý do tại sao không ít cổ đông không đồng tình với phương án nhận về các ngân hàng yếu. Lợi ích có thể lâu dài, nhưng ngắn hạn giá cổ phiếu sẽ rất khó tăng.

Tại ĐHCĐ năm 2014 của Sacombank ngày 25/3 tuy đã được 97% cổ đông thông qua nội dung chính trong kế hoạch sáp nhập với Southern Bank, nhưng vẫn có không ít cổ đông tỏ ra bức xúc với câu chuyện M&A của Sacombank.

Tất nhiên, nếu quy kết việc giá cổ phiếu không tăng trong suốt quý I sôi động của TTCK vừa qua thì cũng không hoàn toàn chính xác. Làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng đang nóng dần hiện nay chỉ là một phần lý do khiến nhà đầu tư e ngại rót vốn vào cổ phiếu một thời được xem là “vua” này. Vấn đề chính nằm ở nội tại các ngân hàng, khó khăn của nền kinh tế kéo dài kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay khiến nợ xấu của ngành ngân hàng từ đó tăng nhanh và dần trở thành gánh nặng của các nhà băng. Cổ phiếu ngân hàng kể từ đó cũng tụt không phanh và … nằm im ở đáy.

Bên cạnh đó, áp lực thoái vốn của các tập đoàn tại ngân hàng luôn ‘treo’ trên đầu các nhà băng. Nếu cổ phiếu ngân hàng có lượng nắm giữ lớn của các tập đoàn Nhà nước mà thị giá vượt trên 10.000 đồng/CP (mệnh giá) thì rất dễ bị thoái, lượng cung hàng chục triệu cổ phiếu treo lơ lửng khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể không e ngại. 

Để kỳ vọng cổ phiếu các nhà băng thuộc danh sách thoái vốn tăng giá trở lại, một trong những điều cần phải làm đó là hoàn tất quá trình thoái vốn ngoài ngành. Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được cho là động lực thúc đẩy thoái vốn của các tập đoàn khỏi ngân hàng, nhưng tất nhiên, để thực hiện được cần có thời gian và đặc biệt cần là các đối tác chấp nhận mua phần thoái vốn với khối lượng lớn. Tìm được đối tác đó là không dễ trong giai đoạn kinh tế chỉ mới có dấu hiệu phục hồi.

Một số dự báo mới đây cho thấy, khả năng sau giai đoạn tái cấu trúc ngành, cổ phiếu “vua” hồi phục trở lại, kể từ giai đoạn năm 2015 - 2016 trở đi.

“Vua” sẽ lại làm “vua”?

Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có điểm “sáng” trong bức tranh chung của TTCK và bóng “tối” nợ xấu tiếp tục phủ lên bức tranh lợi nhuận của các nhà băng. Một số ngân hàng như Techcombank, VIB… đã cho thấy sự tích cực ngay từ Q1/2014, nhưng đó không phải là tất cả, nhiều ngân hàng vẫn đang vật lộn với các vấn đề cũ và chưa biết bao giờ mới bứt phá.

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cho rằng, về nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, kể cả ngân hàng đã niêm yết và những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, trước khi rót vốn đầu tư, nhà đầu tư cũng phải xem xét đến yếu tố các nhà băng đã được tái cơ cấu như thế nào.

Theo đánh giá của ông Jun, có thể, trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2014, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục rót tiền để xử lý nợ xấu thông qua VAMC. Cho dù, VAMC không mua nợ xấu bằng tiền mặt, nhưng bằng trái phiếu đặc biệt nhận được, các ngân hàng sau khi bán nợ có thể dùng trái phiếu để cầm cố để lấy được nguồn vốn lãi suất rẻ. Đó cũng là lý do để thu hút nhà đầu tư “rót” vốn vào cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, để có thể kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành này bật mạnh trong thời gian tới thì chưa thể, nếu có cũng chỉ là một số ít bởi bình diện chung ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Nhận định này cũng nhận được sự chia sẻ từ nhiều chuyên gia tài chính – chứng khoán: “Đầu tư cổ phiếu ngân hàng không thích hợp với nhà đầu tư ngắn hạn”.

Những khó khăn chính mà các ngân hàng năm nay đang phải đối mặt đó là xu hướng lãi suất cho vay đang giảm dần sẽ làm giảm tỷ lệ lãi biên của các ngân hàng; chi phí dự phòng nợ xấu tăng sẽ bào mòn lợi nhuận; M&A trong thời điểm hiện tại thiên về xu hướng tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng chứ không phải, nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông….

Mặt khác, theo công bố của NHNN vào đầu tháng 4/2014, hiện nay tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao khoảng 7%. Ngoài ra, vào ngày 20/3/2014, NHNN đã ban hành thông tư 09/2014-TT-NHNN nhằm sửa đổi và bổ sung Thông tư 02, trong đó có quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được kéo dài thời hạn phân loại nợ đến ngày 01/04/2015 để tránh hiệu ứng domino do dự phòng tăng đột biến nếu vẫn giữ nguyên thời hạn phân loại nợ xấu vào 30/6/2014 này. Điều này chứng tỏ tình hình hoạt động các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn buộc NHNN phải giãn thời gian phân loại nợ xấu.

Quá nhiều yếu tố để cho nhận định về cổ phiếu ngân hàng mới chỉ ở mức tiềm năng, bản thân các ngân hàng hầu hết chỉ đưa một kế hoạch thận trọng cho năm 2014, làm nền tảng cho sự bứt phá vào các năm tới.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, về dài hạn thì không thể phủ nhận tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng do đây là được coi là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống trung gian tài chính. Nếu quá trình tái cơ cấu của Chính phủ được tiến hành thành công, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng. Lúc đó cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.                                   

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan