Cổ phiếu “vua” bị tác động bởi áp lực nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
Tuy nhiều phiên lội “ngược dòng”, song áp lực nợ xấu tăng đã tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu “vua”.
Thị trường chứng khoán khởi sắc có sự góp công của nhiều cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường chứng khoán khởi sắc có sự góp công của nhiều cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Động lực tăng trưởng

Với tỷ trọng 30% vốn hóa trên sàn HoSE, cổ phiếu ngân hàng thường đi trước, dẫn dắt xu thế tăng - giảm của thị trường. Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, giá nhiều mã cổ phiếu “vua” tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu của OCB tăng kịch trần, đạt mức 28.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu LPB cũng tăng mạnh, đạt mức 23.050 đồng/cổ phiếu ngày cuối tuần, bất chấp thông tin Thaiholdings của bầu Thụy đăng ký bán hết hơn 22,4 triệu cổ phiếu LPB mà công ty này đang sở hữu.

SHB cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh cuối tuần qua, tăng 3,3% và đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (5/11) ở giá 31.500 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 9 liên tiếp của cổ phiếu này, với mức tăng tổng cộng 27% kể từ ngày 26/10.

Trước đó, trong phiên giữa tuần (3/11), nhiều mã cổ phiếu ngân hàng cũng đã tăng trần. Cụ thể, trong số 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM), không có mã nào giảm giá, có tới 10 mã tăng giá trên 10%, trong đó cổ phiếu OCB của Ngân hàng Phương Đông tăng kịch trần, đạt mức 28.800 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu “vua” giao dịch trên sàn UPCoM cũng có triển vọng đi lên, một phần nhờ tác động tích cực từ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vừa công bố. NAB của Nam A Bank tăng giá mạnh nhất (tăng 8,2%), tiếp theo là PGB (tăng 7,9%)... khi 9 tháng đầu năm Nam A Bank báo lãi hơn 1.400 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành chỉ tiêu năm; còn PGBank đạt 310 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 88% chỉ tiêu.

Lợi nhuận quý III/2021 của nhiều ngân hàng sụt giảm, do tác động của làn sóng Covid-19 thứ tư, song lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của hầu hết nhà băng đều tăng. Trong đó, không ít ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý hoạt động.

Thế nhưng, so với đầu tháng 7/2021, hiện giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm không dưới 10% (BAB, BID, MB, LPB, VCB). Thậm chí, nhiều mã cổ phiếu “vua” còn giảm 15-20%, như VIB, CTG, EIB.

Nguyên nhân chính, theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cổ phiếu ngân hàng gặp nhiều khó khăn, hầu như đi ngang hoặc đi xuống và chưa có dấu hiệu hồi phục có thể đến từ báo cáo lợi nhuận quý III/2021 của nhà băng không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không kéo dài tới cuối năm, vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá cho cổ phiếu của các nhà băng.

Đồng thời, một yếu tố khác cũng cần lưu ý là sau những đợt điều chỉnh giảm sâu vừa qua, hiện P/E và P/B của cổ phiếu ngân hàng được cho là đang ở mức rất hấp dẫn. Dẫu vậy, ngân hàng không thể chủ quan bởi nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù đã được kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ cho dư nợ bị ảnh hưởng dịch đến ngày 30/6/2022. Đây là rào cản tăng giá của cổ phiếu “vua” trong quý vừa qua và quý IV.

Rào cản vẫn là nợ xấu

Bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang dần hiện ra những mảng “tối”, chất lượng dư nợ cho vay của nhiều nhà băng đi xuống. Nếu xét tới cả nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng lớn hơn nhiều những gì thể hiện trên báo cáo tài chính.

Hiện tại có 3,5-4 triệu tỷ đồng dư nợ đang gặp khó khăn bởi Covid-19 trong tổng số 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố cho thấy, nợ xấu tại 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tăng lên con số 113.006 tỷ đồng tính đến ngày 30/9, tăng 26% so với thời điểm đầu năm. Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 2/3.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong bối cảnh Covid-19 không hẳn là lo lắng ngay hôm nay, mà lo lắng cho những năm tới, vì độ trễ của ngành ngân hàng có thể tới nửa năm, một năm. Đơn cử, tái cơ cấu nợ, nhìn sổ sách thì tưởng đẹp, nhưng thực chất, rất nhiều doanh nghiệp, ở các ngành có khi 5, 7 năm sau mới phục hồi. “Họ gần như kiệt quệ, 80-90% giá trị tài sản, vốn liếng đều ở ngân hàng, tức là hoạt động bằng tiền vay”, ông Tú phân tích.

Theo đánh giá của NHNN, hiện tại có 3,5-4 triệu tỷ đồng dư nợ đang gặp khó khăn bởi Covid-19 trong tổng số 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Chính vì vậy, nợ xấu hệ thống ngân hàng được nhận định sẽ tăng lên thời gian tới khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi Covid-19. Đặc biệt, sau làn sóng Covid-19 thứ tư, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội diễn ra ngày 29/9, đại diện NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức từ 7,1 - 7,7%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 và NHNN đã lên kịch bản xử lý ở thời gian tới.

Vì thế, một chuyên gia phân tích tài chính nhận định, trong ngắn hạn, nhất là quý IV/2021, thường các ngân hàng sẽ thực hiện đánh giá, soát xét về lãi, nợ xấu, cùng với việc nhiều ngân hàng đã cạn room tăng trưởng tín dụng. Và muốn nới room sẽ phải xin và được NHNN chấp thuận mới có thể đẩy mạnh huy động vốn. Do đó, quý IV/2021 có thể vẫn là thời gian nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa được đánh giá cao.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, dư địa để có một gói kích thích kinh tế lớn sẽ là kỳ vọng lớn nhất đối với các nhà đầu tư và yếu tố này cũng sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của thị trường và động lực tăng giá cho có nhóm cổ phiếu “vua” dự báo được hưởng lợi.

Theo quan điểm của BVSC, bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, các cơ quan điều hành sẽ có thêm chính sách để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân. Cùng với đó, có thể sẽ có thêm một số ưu đãi để tạo ra sự cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI. Đáng chú ý, kỳ vọng vào việc khơi thông và thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, BVSC cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có thêm động lực tăng trưởng.

Tin bài liên quan