Cổ phiếu VPB và hành trình đầu tư theo giai đoạn cuộc đời

Cổ phiếu VPB và hành trình đầu tư theo giai đoạn cuộc đời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu xem xét hoạt động đầu tư và tích lũy tài sản là một “cuộc đời” của mỗi người, thì “cuộc đời” này sẽ được chia làm những giai đoạn khác nhau, ứng với từng độ tuổi chúng ta sẽ có mức độ chịu đựng rủi ro (“risk tolerance”) khác nhau kéo theo những hoạt động đầu tư vào những loại tài sản khác nhau. Vậy tương ứng với độ tuổi nào ta nên đầu tư vào những lớp tài sản (asset classes) như thế nào?

Cách phân bổ danh mục đầu tư theo độ tuổi (age-based)

Không giống như thời gian sinh học, đầu tư không thể được bắt đầu từ lúc mới sinh ra, ở đây như một gợi ý cho mẫu số chung chúng ta lấy mốc thời gian năm 20 tuổi của mỗi người là điểm bắt đầu của “cuộc đời đầu tư”. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ 20-30 tuổi. Đặc điểm chung của hầu hết cá nhân trong giai đoạn này là động lực kiếm tiền rất lớn cùng với khả năng chấp nhận rủi ro rất cao tuy nhiên lại chưa có được số vốn lớn để thực hiện.

Hầu hết mọi người trong giai đoạn này đều muốn kiếm được nhiều tiền nhất trong giai đoạn nhanh nhất, do vậy thường rất ít hoặc thậm chí bỏ qua cân nhắc đến rủi ro, và đương nhiên là ít chú ý tới hiệu quả của việc đa dạng hóa, mà chỉ quan tâm đến mức độ sinh lợi của tài sản, tài sản càng có cho ra tỷ suất sinh lợi đầu tư cao càng hấp dẫn nhóm người ở độ tuổi này dù rủi ro đi kèm là rất lớn.

Do vậy, những người này thường dành từ 90% tài sản trở lên vào những loại tài sản có tính rủi ro cao, lợi suất cao như chứng khoán, bất động sản (BĐS) hay góp vốn kinh doanh…. Ngoài ra, cách thức đầu tư ở giai đoạn này cũng rất năng động, chủ yếu đến từ các hoạt động mua đi bán lại ngắn hạn nhằm nâng cao mức tỷ suất sinh lợi để đạt được mục tiêu cuối cùng là kiếm tiền nhanh và nhiều nhất.

Bước sang độ tuổi từ 30-40 tuổi với đặc trưng là hầu hết mỗi người đều có được những thành tựu nhất định trong công việc, mạng lưới mối quan hệ được mở rộng kéo theo nhu cầu chi tiêu cũng tăng lên, và tài sản cũng đã được tích lũy đạt được một ngưỡng nhất định do đó khẩu vị cũng như mức độ chịu đựng rủi ro của từng người cũng theo đó mà dần thay đổi. Nhìn chung, những người trong độ tuổi này bắt đầu cân nhắc đến rủi ro và có những biện pháp quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư.

Do vậy, ngoài việc phân bổ phần lớn (từ 70-80%) tài sản của mình vào những kênh có lợi suất cao như chứng khoán hay BĐS, góp vốn kinh doanh,…thì một phần nhỏ tài sản sẽ được đưa vào các loại tài sản có tính an toàn cao, lợi suất thấp như trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm nhằm làm “bộ đệm” cho những trường hợp thị trường không thuận lợi vẫn đảm bảo được mức sống bình thường.

Giai đoạn sau 40 tuổi, ưu tiên lớn nhất của hầu hết mọi người là tìm kiếm sự ổn định cả trong công việc và các mối quan hệ. Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự dài hạn khi hầu hết mọi người đều đã có được những trải nghiệm nhất định trong cuộc sống và công việc, họ sẽ có được cái nhìn bao quát hơn và những kế hoạch của họ sẽ dài hạn hơn (ví dụ chuẩn bị học phí cho con cái hay dành dụm một số tiền cho việc về hưu) dẫn đến những quyết định của họ đều có mang tính dài hạn và ổn định.

Quyết định đầu tư cũng không nằm ngoài quy luật này, những người trong độ tuổi này sẽ không dùng phần lớn tài sản để đầu tư vào những kênh rủi ro nữa mà thay vào đó những loại tài sản có tính an toàn sẽ được ưu tiên nhằm đảm bảo xác suất cao nhất trong việc thực thi kế hoạch dài hạn. Theo thống kê thì nhóm người này thường chỉ dành từ dưới 70% tài sản ròng cho các hoạt động đầu tư có rủi ro vừa phải hoặc cao, phần còn lại thường chảy vào các kênh tài sản an toàn với mức sinh lợi thấp hơn.

Như vậy, qua việc xem xét và phân tích danh mục đầu tư của từng nhóm tuổi, chúng ta có thể thấy một quy luật khá rõ ràng rằng khi độ tuổi của con người càng cao, mức độ chịu đựng rủi ro sẽ càng giảm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình cứ mỗi năm qua đi, mức độ chịu đựng rủi ro của con người trong các hoạt động đầu tư sẽ giảm đi từ 1%-1,5% (phụ thuộc vào các đặc tính khác của mỗi cá nhân cụ thể).

Nghĩa là nếu trong giai đoạn 20 tuổi, một người có thể dùng 95% tài sản của họ cho các hoạt động đầu tư có rủi ro cao thì con số này chỉ còn khoảng 50% khi đạt 50 tuổi, và chỉ còn khoảng 5% khi đã đến ngưỡng 80 tuổi. Và điều này cũng khá chính xác so với thực tế quan sát, do vậy lý thuyết về việc phân bổ danh mục đầu tư theo độ tuổi có thể xem như một tư liệu tham khảo cho hầu hết mọi người qua đó có thể cho chúng ta một gợi ý để tự đánh giá bản thân có đang chịu đựng một rủi ro cao hơn hay thấp hơn ngưỡng bình thường hay không.

Tuy rằng nói ở những độ tuổi khác nhau sẽ có những loại tài sản phù hợp tuỳ thời điểm, nhưng dù tỷ trọng phân bổ có thể có khác biệt nhưng vẫn không nằm ngoài những lớp tài sản quen thuộc, điển hình như trái phiếu hay cổ phiếu. Đối với cổ phiếu, những nhà đầu tư thành công nhất thế giới luôn biết cách đầu tư vào những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao cùng “biên độ an toàn“ đủ lớn cũng như luôn tạo ra giá trị trong dài hạn; do đó có thể nói trong kênh đầu tư này có nhiều khoản đầu tư phù hợp với nhiều giai đoạn cuộc đời khác nhau.

Một nhà đầu tư khôn ngoan ở giai đoạn từ 20-30 tuổi có thể ưa thích một cổ phiếu với tiềm năng tăng trưởng đã được chứng minh trong khoảng thời gian đủ dài và vẫn còn hứa hẹn trong 10-20 năm sau nữa, và khi họ đang ở độ tuổi 30-40 hoặc cao hơn, họ lại bắt đầu ưa thích những câu chuyện về những cổ phiếu với giá trị đang được tạo ra ngày đêm cho cổ đông cũng như biên độ an toàn đủ lớn thể hiện ở tiềm năng tăng giá có khi phải lên đến 50%. Vậy tham chiếu vào thị trường chứng khoán Việt Nam, liệu có cổ phiếu nào đủ tốt và phù hợp với nhiều người đang ở những giai đoạn đầu tư khác nhau trong cuộc đời không?

VPBank: Yếu tố tăng trưởng

Theo chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS, yếu tố này đến từ chiến lược khác biệt ngay từ ban đầu của ban lãnh đạo VPBank tuy phục vụ đa phân khúc nhưng tập trung để dẫn đầu, thể hiện qua sự thành công rực rỡ của mảng bán lẻ và cho vay tiêu dùng. Tại thời điểm mà các ngân hàng khác còn đang quan ngại về việc cho vay tệp khách hàng phổ thông hay cận phổ thông thì VPBank đã nhìn ra được tiềm năng tăng trưởng to lớn ở phân khúc này. Tầm nhìn này đã được thực tiễn chứng minh khi nền kinh tế Việt Nam bùng nổ những năm gần đây cùng với thu nhập bình quân của người dân tăng cao, dẫn đến việc thống trị phân khúc thị trường đang gia tăng nhanh chóng về quy mô này.

Điều này đã giúp VPBank nhanh chóng có được vị trí độc tôn ở mảng cho vay tiêu dùng cũng như các mảng bán lẻ khác nhờ vào sản phẩm đa dạng phục vụ được hầu hết nhu cầu tín dụng của đại đa số khách hàng. Hiện tại, VPBank đang dẫn đầu thị phần cho vay tiêu dùng với thị phần hơn 55% theo số liệu mới nhất quý 2/2021, cũng như đang quản lý 1 tệp khách hàng gần 20 triệu người (tức 5 người Việt Nam sẽ có 1 người là khách hàng VPBank), một con số đáng mơ ước của bất kỳ ngân hàng bán lẻ nào. Kết quả của tầm nhìn mang tính chiến lược này là VPBank trở thành ngân hàng có NIM cao nhất toàn ngành, đồng thời cũng là ngân hàng có tăng trưởng TOI trong nhóm cao nhất toàn ngành với 35.6% trong suốt giai đoạn 10 năm 2011-2020.

Viết tiếp câu chuyện tăng trưởng thần kỳ nhờ tăng vốn: Việc VPBank công bố ký kết thành công thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho SMFG cùng với việc công bố kế hoạch phát hành thêm 15% vốn cho cổ đông chiến lược đã thổi một làn gió mới vào sự tăng trưởng vốn đã thần kỳ của VPBank. Dự kiến những nguồn vốn mới này sẽ giúp VPBank nâng cao thêm chất lượng tài sản của mình đồng thời tạo tiền đề để VPB tiếp nối đà tăng trưởng của mình, hiện thực hoá tầm nhìn trở thành một trong top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam.

Và yếu tố giá trị

Khả năng sinh lợi dẫn đầu: Ngoài việc đạt tăng trưởng cao về TOI, VPBank còn chủ động kiểm soát chi phí nhằm gia tăng lợi nhuận. Chi phí vốn có xu hướng giảm qua từng năm nhờ việc tăng trưởng nhanh CASA của ngân hàng từ mức 10% năm 2010 đã đạt hơn 18% tại cuối quý 2/2021. Ngoài ra, chi phí hoạt động (CIR) của VPB cũng thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành hiện này với chỉ khoảng 23%.

Nhờ vậy, VPB đã đạt được mức tỷ suất sinh lợi trên vốn (ROE) rất cao luôn trên mức 20% kể từ năm 2015, hiện đạt khoảng 25.7% tại cuối quý 2/2021. Có những thời điểm, VPBank đạt mức ROE trên 27%, cao nhất toàn ngành như năm 2017. Có thể thấy, mặc dù quy mô vốn chủ hiện tại so với đầu năm 2011 đã lớn hơn 10 lần nhưng VPBank vẫn giữ được tỷ suất sinh lợi đáng kinh ngạc nhờ vào tăng trưởng doanh thu và kiểm soát chi phí vượt trội.

Định giá hấp dẫn: Để một cổ phiếu được xem là có yếu tố giá trị thì định giá của nó phải đủ hấp dẫn, hay “biên độ an toàn” phải đủ lớn. Dựa trên những công bố về việc ghi nhận khoản tiền từ bán FE Credit cũng như phát hành thêm cho cổ đông chiến lược, tại mức giá thị trường hiện tại, mức P/B của VPB chỉ vào khoảng 1.5x, thấp hơn xấp xỉ 50% so với mức P/B trung bình ngành hiện tại là 2.2x. Như vậy, VPB đang là một cổ phiếu hấp dẫn về phương diện định giá so với tương quan các ngân hàng khác.

Như vậy, ngoài việc là cổ phiếu ngân hàng đem lại giá trị cho cổ đông thể hiện ở khả năng tạo ra tiền vượt bậc cùng ROE cao, VPBank còn thể hiện tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong giai đoạn 10 năm vừa qua nhờ chiến lược linh hoạt, khác biệt cùng tiềm năng tăng trưởng rất lớn, hứa hẹn trong 10 năm sau nhờ câu chuyện tăng vốn và sự thay đổi về chất khi có cổ đông chiến lược nước ngoài.

Thay lời kết, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS tin rằng sẽ luôn có những khoản đầu tư phù hợp với nhiều giai đoạn đầu tư khác nhau vì chúng có được những ưu điểm vượt trội về yếu tố tăng trưởng phù hợp với những người ở giai đoạn nửa đầu “cuộc đời đầu tư” cũng như định giá đủ hấp dẫn để xếp vào loại giá trị thích hợp cho những người ở nửa sau “cuộc đời đầu tư” như trường hợp VPBank.

Tin bài liên quan