Cổ phiếu vật liệu xây dựng “đổ đèo”

Cổ phiếu vật liệu xây dựng “đổ đèo”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ đầu năm, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã đã mang theo niềm tin của nhà đầu tư và kéo cổ phiếu của ngành bứt phá. Tuy nhiên, trong tuần qua, cùng với nhiều nhóm ngành khác, cổ phiếu vật liệu xây dựng cũng phải quay đầu giảm.

Tuần từ ngày 5/7 đến ngày 9/7, thị trường có sự điều chỉnh mạnh. Hệ thống giao dịch mới được đưa vào vấn hạn giúp thanh khoản trên cả hai sàn tăng so với tuần trước với trung bình hơn 29.000 tỷ đồng/phiên.

Trong đó, VN-Index giảm 73,13 điểm, tương đương 5,15% xuống 1.347,14 điểm; giá trị giao dịch trên HOSE tăng 8,5% lên 127.223 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 3.678 triệu cổ phiếu.

HNX-Index cũng giảm 21,28 điểm, tương đương 6,5% xuống 306,73 điểm; giá trị giao dịch trên HNX tăng 8,4% lên 17.392 tỷ đồng; khối lượng giao dịch tăng 11,3% lên 746 triệu cổ phiếu.

Trong tuần qua, ngành dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ có đà tăng tích cực nhất với tổng cộng trên 9%; đại diện như mã DGW tăng 9,9%; MWG tăng 12,56% và MSN tăng 2,63%... Còn lại, gần như các ngành khác đều giảm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 9,4%.

Top 6 cổ phiếu vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất tuần qua

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 2/7 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 9/7 (VNĐ)

Chênh lệch

(%)

HSG

HOSE

42.400

35.400

-16,51

POM

HOSE

16.700

14.900

-10,78

HPG

HOSE

52.300

47.300

-10,57

NKG

HOSE

36.750

32.900

-10,48

DTL

HOSE

36.900

35.200

-4,61

VCS

HNX

111.800

108.400

-3,04

Cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã có một tuần giao dịch “thấm đòn” điều chỉnh của thị trường với mức giảm tới 16,51% và là cổ phiếu vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất tuần qua. Ngoài phiên 7/7 tăng nhẹ 0,5% và giữ được sắc xanh, 4 phiên còn lại, HSG đều giảm sâu, đặc biệt là phiên giảm sàn 7% ngày 6/7.

Trong tuần, giá cổ phiếu HSG đã giảm từ 42.400 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 2/7) xuống còn 35.450 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 9/7), khối lượng giao dịch trung bình đạt 13,8 triệu đơn vị/phiên. Ngày 20/7 tới đây, Tập đoàn Hoa Sen sẽ niêm yết bổ sung hơn 44,45 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành thêm để trả cổ tức niên độ tài chính 2019 - 2020, nâng tổng số cổ phiếu niêm yết lên 489,08 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, mã POM của CTCP Thép Pomina đã có một tuần giao dịch đỏ lửa khi giảm 10,78% từ 16.700 đồng/CP xuống 14.900 đồng/CP. Kể từ đầu tháng, POM đã đỏ sàn liên tiếp 7 phiên, tương đương giảm 14,61%. Trong các diễn đàn, nhóm chat, việc cổ phiếu POM giảm không lối thoát đã gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư.

Thép Pomina được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu và có thâm niên trong ngành thép xây dựng tại khu vực phía Nam. Năm nay, Công ty sẽ phát hành tối đa 70 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 3.500 tỷ đồng. Đồng thời, POM cũng dự kiến sẽ mang về 12.000 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dù là “ông hoàng” trong làng sắt thép, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng phải giảm 10,57% từ 52.300 đồng/CP xuống còn 47.300 đồng/CP. Trong phiên cuối tuần, khối ngoại tiếp tục bắt đáy mạnh HPG khi giá trị mua ròng đạt 180,2 tỷ đồng. Suốt tuần giao dịch, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với HPG đạt 319,4 tỷ đồng, tương đương gần 6,7 triệu cổ phiếu.

Tháng 6/2021, sản lượng sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt 658.000 tấn, tăng 49% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 569.000 tấn, giảm so với cùng kỳ tháng trước do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tăng 55%; sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn.

Ngoài ra, hai mã cùng họ thép là NKG của CTCP Thép Nam Kim và DTL của CTCP Đại Thiên Lộc cũng ghi nhận giảm lần lượt 10,48% và 4,61%.

Là doanh nghiệp sản xuất đá thạch anh cao cấp, giá cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone luôn được giới đầu tư kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao. Ngày 3/6, mã VCS chính thức gia nhập nhóm cổ phiếu có thị giá 3 con số với giá đóng cửa 102.900 đồng/CP. Từ đó đến nay, VCS đã tăng 5,34%. Tuy nhiên, trong tuần qua, VCS cũng giảm 3,04%, kết phiên ngày 9/7, VCS đứng tại giá tham chiếu 108.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 183.188 đơn vị.

Không chỉ cổ phiếu các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như sắt thép, đá ốp lát sụt giảm, cổ phiếu xi măng cũng có một tuần giao dịch ảm đạm.

Mã BTS của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn có phiên đầu tuần giảm sàn đến 9,10% và kéo theo mức giảm cả tuần với 23,38% đưa giá cổ phiếu từ 7.700 đồng/CP xuống còn 5.900 đồng/CP. Điều này cũng xảy ra tương tự với mã BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn khi cổ phiếu giảm 18% từ 11.800 đồng/CP xuống 10.000 đồng/CP. Một số mã khác cũng giảm như HT1 (-6,93%), BBS (-7,83%), BPC (-6,67%),...

Cổ phiếu xi măng cũng không tránh được đà giảm chung của ngành.

Cổ phiếu xi măng cũng không tránh được đà giảm chung của ngành.

Giá vật liệu còn khó đoán

Trong nước, từ đầu tháng 7, một số thương hiệu thép lớn đồng loạt thông báo giảm giá thép xây dựng xuống còn 15.690 - 16.390 đồng/kg. Đến ngày 10/7, các thương hiệu thép tiếp tục duy trì giá bán ổn định trên cả ba miền. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 dao động từ 15.690 - 16.700 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 16.040 - 17.150 đồng/kg.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong khoảng tháng 6, 7 hàng năm là thời điểm mùa mưa, do đó các công trình xây dựng sẽ ít thi công, số lượng thép bán ra sẽ giảm kéo theo doanh nghiệp sắt thép điều chỉnh giảm giá. Giá thép năm 2021 đã tăng cao tới 45% so với trung bình hàng năm nên trong tháng 6, tháng 7 giá sắt chỉ giảm khoảng 3 - 5%, nhưng vào cao điểm mùa xây dựng (từ 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm) giá thép có thể sẽ tăng trở lại.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong mảng thép xây dựng, sản lượng bán hàng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021, nhưng nhu cầu nội địa có thể yếu hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 do tính thời vụ, giá bán cao và tác động tiêu cực của Covid-19.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, giá thép tiếp tục tăng do lo ngại sản lượng thép giảm vì sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc. Giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 - kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,3% lên 5.428 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 0,4% lên 5.795 CNY/tấn. Thép cây và thép cuộn cán nóng lần lượt tăng 5,9% và 7%.

Đối với xi măng, tính đến tháng 5/2021, giá xi măng đã tăng khoảng 5 - 10%. Nhiều doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh tăng giá theo thị trường như CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai đã tăng giá bán thêm 30.000 đồng/tấn đối với tất cả các sản phẩm xi măng bao và rời (áp dụng cho khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

CTCP Xi măng Bỉm Sơn cũng tăng giá bán thêm 30.000 đồng/tấn; Xi măng Hoàng Long, Xi măng Xuân Thành, Xi măng Duyên Hà và Xi măng Long Sơn cũng tăng giá bán thêm 40.000 đồng/tấn từ cuối tháng 4.

Hiện Việt Nam là nước có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường trong khu vực do công suất vượt 100 triệu tấn, thậm chí khả năng sản xuất còn lớn hơn nữa. Trên thế giới, Việt Nam đang xếp thứ 5 về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Mirae Asset thận trọng lưu ý rằng giá clinker chiếm 60% chi phí đầu vào của sản xuất xi măng có thể tăng do chi phí phí than và giá điện (chiếm từ 40 - 45% giá thành sản xuất clinker) tăng, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng có biến động lớn.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định đến cuối năm, nhu cầu trong việc xây dựng và sửa chữa nhà cửa của người dân thường tăng cao, do đó, giá vật liệu xây dựng có thể tăng trở lại, đây cũng là thời điểm vàng để các công ty sản xuất vật liệu tạo bứt phá về doanh thu.

Tin bài liên quan