Giá cao su sẽ tăng đến hết quý I/2022
Theo thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên, thế giới sẽ thiếu hụt 329.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. Nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 tăng 9% so với năm 2020, lên hơn 14,1 triệu tấn. Nhưng thực tế, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt 13,86 triệu tấn (tương ứng mức tăng 2% so với năm ngoái).
Cùng với nguồn cung thiếu hụt, giá dầu tăng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào của sản xuất cao su tổng hợp.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM nhận định, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng các nước cung ứng nguyên liệu cao su như Indonesia, Thái Lan… vẫn đang chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên nguồn cung cao su thế giới thiếu hụt, từ đó đẩy giá cao su lên cao. Dự kiến, giá cao su sẽ tăng đến hết quý I/2022.
Trong quý III, giá xuất khẩu cao su tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân đạt 1.650 USD/tấn.
Trong quý III vừa qua, giá xuất khẩu cao su tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân đạt 1.650 USD/tấn. Nhờ vậy, dù sản lượng xuất khẩu trong quý đạt 574.910 tấn cao su, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị xuất khẩu đạt 948,59 triệu USD, tăng 20,9%.
Sự sụt giảm sản lượng trong quý III do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh ngừng cạo mủ để thực hiện giãn cách xã hội.
Nhưng bước sang quý IV, khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, hoạt động kinh tế được phục hồi, các doanh nghiệp cao su sẽ tăng tốc khai thác trước khi vào mùa cao su thay lá (tháng Chạp cho tới tháng 3 năm sau).
Lũy kế 9 tháng, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 1.669 USD/tấn, tăng hơn 29% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Giá bán tăng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành cao su cải thiện biên lợi nhuận trong quý IV.
Tăng trưởng lợi nhuận tích cực
Theo Fintrade, cao su là một trong những nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận tốt nhờ hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa.
Tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR), biên lợi nhuận gộp quý III/2021 đã cải thiện từ 31,7% lên 32,3%. Lũy kế 9 tháng, DPR ghi nhận doanh thu 726,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 160,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng cải thiện từ mức 29,6% năm ngoái lên 30,8% năm nay.
Trong quý IV, DPR có thể ghi nhận khoản lợi nhuận khác đến từ việc thanh lý vườn cây cao su. Công ty này vừa thông báo thanh lý vườn cây cao su với giá đấu khởi điểm là 49,16 tỷ đồng.
Cùng với đà tăng giá bán mủ, các doanh nghiệp cao su cũng tăng tốc kế hoạch kinh doanh. Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) cho biết, Tập đoàn phấn đấu đạt kết quả sản lượng ở mức cao nhất, vượt kế hoạch sản lượng mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao từ 3% trở lên.
Theo lãnh đạo GVR, kế hoạch sản xuất và thu mua của Tập đoàn năm 2021 là khoảng 450.000 tấn đến thời điểm này đã đạt tiến độ tích cực và sẽ hoàn thành kế hoạch này trong năm nay.
Trong quý III, lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Cao su Tân Biên cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá vốn bán hàng giảm. Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận lãi sau thuế 150 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR), doanh thu thuần quý III đạt 522 tỷ đồng (tăng 33,5%) và lãi ròng đạt 171 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần 1.279 tỷ đồng (tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và lãi ròng đạt 340 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 23% lên 25,7% nhờ giá bán cao su tăng.
PHR đang triển khai nhiều dự án như dự án liên kết đầu tư với VSIP III. PHR góp vốn 20% vào dự án và sẽ bàn giao 691 ha với giá trị thấp nhất 2,5 tỷ đồng/ha. Trong đó, bồi thường hỗ trợ thiệt hại đưa trước 1,3 tỷ đồng/ha, tương ứng 898 tỷ đồng chưa được chi trả trong năm 2020 và 2021. PHR cũng được hưởng 20% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất và mức tổng lợi nhuận này không được thấp hơn 829 tỷ đồng.
PHR đang triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Lập (đang trong quá trình phê duyệt với quy mô bàn giao khoảng 400 ha), Khu công nghiệp Bình Mỹ và Hội Nghĩa đang xin phê duyệt và cấp phép.
Lãi lớn với cổ phiếu “vàng trắng”
Theo dõi diễn biến giá cổ phiếu nhóm cao su, có thể nhận thấy cổ phiếu nhóm này bật đà tăng mạnh từ đầu tháng 10.
Trước khi điều chỉnh về mức 80.600 đồng/cổ phần trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu DPR có lúc đạt 84.000 đồng/cổ phần, tương đương mức tăng hơn 10.000 đồng/cổ phần so với đầu tháng 10.
Cùng thời gian này, thị giá PHR tăng 18.000 đồng/cổ phiếu, từ 52.700 đồng/cổ phần lên 69.400 đồng/cổ phần.
Trong khi đó, TRC tăng 15,6%, TNC tăng 14,86%, GVR tăng 12,7%. Đáng chú ý, PHR từ đầu tháng 11 đến nay liên tục tăng mạnh, thị giá ngày 9/11 tăng 17,9% so với ngày 1/11.
Ngoài sự thuận lợi của thị trường xuất khẩu cao su, thì mỗi doanh nghiệp trong ngành lại có những câu chuyện riêng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Anh Nguyễn Trung Kiên, nhà đầu tư tại sàn VPS cho biết, sóng cổ phiếu cao su có từ quý III và sẽ tiếp tục theo đến hết cuối năm nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao suốt thời gian qua. Nhóm của anh đã tập trung vào một số mã cổ phiếu có thanh khoản tốt để lựa chọn đầu tư.
“Cầm “vàng trắng” thời điểm này vẫn là lựa chọn tốt”, anh Kiên cho hay.
Đánh giá về DPR, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, mảng kinh doanh cao su của DPR sẽ tiếp tục hưởng lợi từ giá thị trường tăng trong ngắn hạn.
Ngoài ra thu nhập từ thanh lý cây cao su sẽ đạt tăng trưởng hai con số trong năm 2021 - 2022 nhờ nhu cầu xuất khẩu đồ nội thất hồi phục, DPR còn có triển vọng tích cực từ quỹ đất lớn có thể chuyển sang khai thác bất động sản khu công nghiệp khi nhu cầu khu công nghiệp đang tăng rõ rệt tại Bình Phước, đặc biệt khi dự án đường cao tốc nối TP.HCM – Bình Dương - Bình Phước hoàn thành vào năm 2025.
Năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận DPR tăng 28% nhờ giá cao thuận lợi và thu nhập từ thanh lý cây cao su tăng. Năm 2022, SSI dự phóng thu nhập bồi thường đất là 317 tỷ đồng sẽ giúp lợi nhuận DPR tăng 100% so với cùng kỳ.
Với PHR, Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng sẽ đạt doanh thu 2.140 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 16% so với cùng kỳ và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 1.190 tỷ đồng (+172%); biên lợi nhuận tăng lên mức 26%. Doanh thu đến từ chuyển nhượng bất động sản VSIP 3 giúp doanh thu khác đạt hơn 898 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 37 tỷ đồng trong năm 2020.
Năm 2022, giá cao su tiếp tục duy trì ở mức cao và kỳ vọng doanh thu mảng bất động sản công nghiệp trong tương lai sẽ giúp PHR có nhiều lợi thế tăng trưởng.