Cổ phiếu vận tải biển nổi sóng

Cổ phiếu vận tải biển nổi sóng

(ĐTCK) Chỉ số cước vận chuyển tăng lên mức cao nhất 2 năm đã giúp các cổ phiếu vận tải biển tăng vọt, trên từ 30-50%.

Chỉ số BDI (Baltic Dry Index), chỉ số phản ánh mức cước vận chuyển trung bình theo trọng số của thị trường hàng rời khô đã đạt mức 2.146 điểm vào ngày 8/10/2013, mức cao nhất trong gần 2 năm lại đây và gấp ba lần so với đầu năm 2013. Diễn biến này đã khích lệ sự tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu ngành vận tải biển đang niêm yết. Nhưng tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các DN ngành vận tải biển Việt Nam hầu như chưa được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá chung của cước vận tải biển thế giới.

Cổ phiếu vận tải biển nổi sóng ảnh 1

Tại Vosco, từ quý IV/2013, giá cước thuê tàu được tăng thêm từ 10-20%

Cổ phiếu vận tải biển tăng mạnh theo BDI

Đầu năm 2013, chỉ số BDI chỉ đạt xấp xỉ 700 điểm, gần với mức thấp nhất của 3 năm gần đây (đạt vào đầu tháng 2/2012) là 651 điểm. Thế nhưng, kể từ tháng 6 năm nay, chỉ số này có đà tăng ấn tượng, gần như một mạch lên mức 2.146 điểm vào đầu tháng 10/2013.

Chỉ số tăng, đồng nghĩa với việc giá cước vận chuyển trung bình quốc tế tăng. Đó cũng là lý do cổ phiếu ngành vận tải biển trong nước thời gian qua cũng tăng lên rất mạnh mẽ.

Thống kê của StoxPro cho thấy, trong vòng 3 tháng qua, các cổ phiếu ngành vận tải đường thủy tăng giá tới gần 40%.

Cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam ngày 5/9/2013 có giá là 2.600 đồng/CP, nhưng đến ngày 30/10/2013 đã đạt mức 3.900 đồng/CP, tương đương mức tăng 50%.

Tương tự, trong cùng khoảng thời gian trên, cổ phiếu VTO của CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco cũng tăng gần 37%, hay cổ phiếu VIP của CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO tăng từ mức thấp nhất là 7.000 đồng.CP lên mức cao nhất là 8.900 đồng/CP, tương đương mức tăng hơn 27%...

Trong 1 tháng trở lại đây, 3 cổ phiếu ngành vận tải biển có mức tăng giá mạnh nhất, đều đạt trên 30% là VOS, VFC, VTO. Không chỉ tăng giá, khối lượng giao dịch của những cổ phiếu này cũng tăng mạnh, cho thấy NĐT đang kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của ngành vận tải biển.

 

DN vận tải Việt Nam chưa hưởng lợi

Theo thống kê từ Bloomberg, chỉ số BDI sau khi đạt đỉnh đầu tháng 10 đã tụt dốc trở lại. Hiện chỉ số này chỉ còn 1.552 điểm. Tất nhiên, so với đầu năm nay, mức điểm hiện tại vẫn thể hiện xu thế tăng của giá cước vận tải. Chỉ có điều, mức tăng này không đại diện cho tất cả.

Có nhiều lý do để các DN ngành vận tải biển của Việt Nam đến thời điểm hiện nay hầu như chưa được hưởng lợi từ xu thế chung.

Đầu tiên có thể kể đến là, cước vận tải tăng tập trung vào phân khúc tàu có trọng tải lớn, từ 60.000-70.000 DWT tới gần 200.000 DWT. Trong khi đó, các tàu của Việt Nam chủ yếu có trọng tải nhỏ hơn mức trên rất nhiều.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo của CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cho biết, trước đây, một số DN của Việt Nam cũng có tàu trọng tải lớn thuộc phân khúc trên, nhưng sau giai đoạn thị trường vận tải quá khó khăn, nên một số đã bán tàu, chỉ còn tàu trọng tải nhỏ hơn.

Nguồn tin này cũng cho hay, đối với các tàu của VOSCO, phải đến quý IV/2013 thì cước cho thuê tàu mới tăng, nhưng không đến mức gấp đôi, gấp ba như mức tăng chỉ số chung, mà chỉ khoảng 10-20%. “Với mức tăng này, thu nhập của Công ty cũng chỉ cố gắng để bù đắp chi phí”, nguồn tin nói.

Tại VIPCO, người phát ngôn của Công ty, ông Nguyễn Đình Thanh cho hay, Công ty thường ký hợp đồng cả năm một, nên trong năm, dù diễn biến giá có tăng giảm thất thường thì về cơ bản, nguồn thu của Công ty cũng ít ảnh hưởng. “Trong lần tăng giá này, VIPCO không được điều chỉnh. Nếu có thay đổi cước, thì phải chờ diễn biến năm tới”, ông Thanh nói.

Ông Vương Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vinaship, mã CK VNA) cho hay, mức tăng cước chủ yếu tập trung ở phân khúc tàu có trọng tải lớn, ở châu Âu và diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.

“Vinaship thường ký hợp đồng cho thuê tàu trong khoảng 3 - 6 tháng, nên mức tăng giá chủ yếu diễn ra ở các chuyến riêng lẻ, với mức tăng giá cho thuê thêm 100 - 200 USD/ngày, nên không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Công ty”, ông Sơn nói.

Ngoài việc chưa được hưởng lợi về giá, ông Sơn cũng cho hay, mức độ tăng số chuyến cho thuê cũng không nhiều, chỉ khoảng 5%. Chủ tịch Vinaship nhận xét: “Nhìn chung, ngành vận tải biển vẫn còn rất khó khăn”.

>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/11

>> Vận tải biển hồi sức nhờ bán tàu