Phục hồi sản xuất sau thời gian giãn cách
Sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất một cách cầm chừng trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang hồi phục trở lại. Đơn hàng dồn dập, sản xuất không theo kịp nhu cầu xuất khẩu là tình hình chung của các doanh nghiệp trong ngành.
Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9.
Thông tin được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cung cấp, sau hai tháng liên tục sụt giảm, giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9. Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (mã MPC), hoạt động kinh doanh sôi động trở lại từ tháng 10. Minh Phú đã khởi công chuỗi 3 nhà máy chế biến thủy sản, gồm Minh Phát, Minh Quý và Minh Phú có cùng công suất 18.000 tấn/năm và Nhà máy Bao bì Quang Minh có công suất 5.000 tấn/năm.
Trong quý III, doanh thu của MPC sụt giảm 36,7% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ghi nhận 2.784 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 18,6%, đạt hơn 289 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc MPC cho biết, dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta bùng phát khắp các tỉnh miền Nam đã làm chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, trong đó có ngành tôm.
Các nhà máy chế biến tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đều phải sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” đã làm cho công suất chế biến tôm bị giảm sút từ 30 - 70%, không đáp ứng được các đơn hàng cho khách hàng, dẫn tới giảm doanh thu.
Tuy nhiên, nhờ nhu cầu của các thị trường xuất khẩu tôm lớn trên thế giới vẫn tăng, giúp Công ty có giá bán tốt hơn, biên lợi nhuận cao hơn, Công ty vẫn tăng trưởng lợi nhuận.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, MPC ghi nhận doanh thu thuần 8.887 tỷ đồng, giảm 11% và lợi nhuận sau thuế 544 tỷ đồng, tăng 14% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Bước vào quý IV, MPC được cho là tiếp tục hưởng lợi từ diễn biến giá bán tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôm cuối năm tiếp tục tăng cao. MPC đã tiếp nhận hơn 3.200 lao động trong và ngoài tỉnh Hậu Giang trở lại làm việc từ giữa tháng 10. Lao động trở lại sẽ giúp MPC tăng năng suất, đáp ứng đơn hàng của khách, là động lực tăng trưởng trong giai đoạn này.
Năm 2021, MPC đặt kế hoạch doanh thu 15.775 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.092 tỷ đồng. Kết thúc quý III, Công ty mới hoàn thành 56% chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận. Vì vậy, để hiện thực hóa kế hoạch này, MPC cần tăng tốc trong quý IV.
Công ty Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (mã VHC) vừa có quyết định góp thêm 145 tỷ đồng vào Feed One, thực hiện xây dựng nhà máy chế biến thủy sản.
Trước đó, VHC lên kế hoạch dự chi 1.300 tỷ đồng đầu tư năm 2021, trong đó chi 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp thuỷ sản công nghệ cao.
Ba quý đầu năm, VHC ghi nhận doanh thu thuần 6.366 tỷ đồng, tăng 24% và lãi ròng 647 tỷ đồng, tăng 17%. Với kết quả này, VHC đã thực hiện được 74% chỉ tiêu doanh thu và 93% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm. Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh hoàn toàn nằm trong tầm tay của Công ty khi triển vọng thị trường xuất khẩu cuối năm mở ra rất sáng.
Công ty cổ phần Thủy sản Sao Ta (mã FMC) cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong quý III, khiến doanh thu đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 1.625 tỷ đồng) và lợi nhuận sụt giảm nhẹ 9,5%, ghi nhận 64 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 3.755 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,1% và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, với FMC, khó khăn đã đi qua. FMC có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất từ giữa tháng 9 khi dịch bệnh dần được kiểm soát với tỷ lệ tiêm vắc-xin tăng cao. FMC đang mở rộng vùng nuôi trồng, nâng công suất năm 2022.
Trong năm 2021, FMC đã nâng diện tích vùng nuôi từ 270 ha lên 370 ha. Hai nhà máy mới gồm Nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15.000 tấn/năm); nhà máy chế biến tôm Tam An (công suất 5.000 tấn/năm) đang được triển khai đúng tiến độ và kỳ vọng vận hành từ quý II/2022, qua đó nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm, tăng khoảng 70% năng lực hiện tại.
Cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (một thành viên của Tập đoàn Sao Mai) đã tăng phi mã từ 29/10 đến nay. Cụ thể, trong thời gian từ 29/10 đến 11/11, có 8 phiên liên tục tăng mạnh, trong đó có đến 5 phiên tăng kịch trần.
IDI tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III sụt giảm và kỳ vọng có thể phục hồi trong quý IV.
Cụ thể, trong quý III, IDI có doanh thu 1.110 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9,9 tỷ đồng, giảm lần lượt 26,6% và 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, IDI ghi nhận doanh thu 4.311 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 57,9 tỷ đồng (giảm 2% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Lê Văn Chung, Tổng giám đốc IDI lý giải, trong quý III, Công ty phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, duy trì công suất chỉ 30 - 40%. Bên cạnh đó, việc chi phí cước vận chuyển quốc tế tăng mạnh khiến chi phí sản xuất và chi phí bán hàng tăng cao đã tác động xấu đến tình hình xuất khẩu cá tra phi-lê đông lạnh của Công ty.
Cước vận tải hạ nhiệt, đơn hàng gia tăng
Các doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực vượt khó để tăng sản lượng cuối năm. Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, kể từ đầu tháng 10, cước vận tải biển đang hạ nhiệt với chỉ số BDI giảm 50% sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí trong quý IV.
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ. Hiệp định RCEP được kỳ vọng thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, mở ra thêm những thị trường xuất khẩu tiềm năng doanh nghiệp.
VASEP nhận định, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà phục hồi và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong tháng 11 và 12 khi tỷ lệ tiêm vắc-xin ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng lên, hạn chế tác động của dịch Covid-19.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, lực lượng lao động trở lại làm việc góp phần tăng năng suất là tiền đề quan trọng để IDI tăng tốc sản xuất đơn hàng xuất khẩu thủy sản.
Trong đợt dịch, Công ty vẫn thu mua nguyên liệu đảm bảo bao tiêu sản phẩm như cam kết với bà con nông dân, nên khi trở lại bình thường mới, Công ty có nguồn nguyên liệu đủ để sản xuất.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ giữa tháng 10 đến nay. Ông Hồ Sỹ Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sao Ta cho biết, doanh nghiệp tôm đang cố gắng giữ vững thành trì, quyết tâm không để gãy đổ chuỗi sản xuất con tôm.
Nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp thủy sản đã bước qua khó khăn để tăng tốc trong mùa kinh doanh cuối năm, cổ phiếu nhóm này sẽ bật tăng mạnh trong sóng chứng khoán quý IV.