Dây chuyền sản xuất cá tra tại Bianfishco

Dây chuyền sản xuất cá tra tại Bianfishco

Cổ phiếu thủy sản: “Chọn mặt, gửi tiền”

Theo dự báo, phần lớn doanh nghiệp (DN) thủy sản đang niêm yết đều có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2011. Tuy nhiên, với những lý do khách quan lẫn chủ quan, các DN thủy sản chưa thể khiến NĐT vững tâm khi đầu tư vào CP ngành này.

 

Nhiều yếu tố thuận lợi

 

Theo thống kê, 9 tháng năm 2011 ngành thủy sản đã đạt được tăng trưởng đáng kể về sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu: Sản lượng thủy sản khai thác đạt 1,97 triệu tấn, tăng 6,6% và sản lượng nuôi trồng 2,16 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Giá trị thủy sản xuất khẩu ở các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nga đều có mức tăng đáng kể so với năm 2010, thu về 4,35 tỷ USD, mức tăng đến 24,8% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Hầu hết ngành hàng chính đều tăng trưởng mạnh về giá trị sản xuất so với cùng kỳ 2010. Trong đó, mặt hàng tôm đạt 1,56 tỷ USD, tăng 21,7% và cá tra đạt 1,23 tỷ USD, tăng 29,3%.

 

Với mặt hàng cá tra, nhiều năm gần đây Việt Nam là nguồn cung xuất khẩu lớn nhất, gần như không có đối thủ cạnh tranh trên thương trường thế giới. Đặc biệt, đầu ra của ngành có thể gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi thông thường quý IV hàng năm là khoảng thời gian xuất khẩu tốt cho thủy sản.

 

Theo các DN xuất khẩu, sau kỳ nghỉ hè của các nước EU, Hoa Kỳ, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, nhất là cá tra tại các thị trường này tăng mạnh. Các nhà nhập khẩu sẵn sàng trả giá cao hơn từ 20-25% so với mức giá trước đây để mua cá phục vụ nhu cầu dịp lễ Giáng sinh và năm mới.

 

Đây thật sự là những thông tin bất ngờ, bởi theo dự báo của các chuyên gia trước đó, trong năm 2011 diễn biến kinh tế ở các thị trường tiêu thụ chính của thủy sản Việt Nam như Hoa Kỳ, EU đều rất khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản ở các thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2010.

 

Chỉ Tây Ban Nha là thị trường duy nhất có mức tăng trưởng âm, còn lại các thị trường đều có mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là Hoa Kỳ và khu vực Đông Á.

 

Bên cạnh nhu cầu thị trường tăng cao, việc tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh từ đầu năm đến nay tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu thủy sản. Do đó, lợi nhuận của các DN thủy sản trong quý IV có khả năng tăng mạnh so với các quý trước do tác động của nhu cầu thị trường, lãi chênh lệch tỷ giá dù chi phí lãi vay giảm chưa nhiều.

 

Trong top 1.000 DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2011 có đến 11 DN thuộc ngành thủy sản, trong đó có 5 DN thủy sản niêm yết là ANV, VHC, MPC, ABT và HVG.

 

Nhưng vẫn có yếu tố rủi ro

 

Nhìn chung, các DN thủy sản niêm yết đã có những tiến bộ trong hoạt động quản lý DN, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động, hiệu quả quản lý đều có sự cải thiện.

 

Theo thống kê của CTCK Habubank, tính đến hết quý III, nhóm các DN thủy sản niêm yết đã hoàn thành 75% kế hoạch năm 2011 và có khả năng hoàn thành vượt chỉ tiêu; riêng một số DN như AAM, ACL, AGD, VHC, VTF đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, AGD là DN có kết quả vượt trội khi lợi nhuận sau thuế vượt chỉ tiêu 122,5%.

 

 

Tuy nhiên, dù hầu hết DN đều có kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010 và tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao, nhưng mức trung bình tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của nhóm lại khá thấp, chỉ khoảng 51%. Nguyên nhân do có CAD lỗ lũy kế 9 tháng đến 23 tỷ đồng và GFC lỗ lũy kế 9 tháng hơn 16 tỷ đồng, đã kéo kết quả chung xuống mức thấp.

 

Đặc biệt, trong nhóm có BAS là DN duy nhất xây dựng kế hoạch lỗ sau thuế 6 tỷ đồng, nhưng hết quý III đã lỗ lũy kế hơn 12 tỷ đồng. Đến nay, BAS có 3 năm liên tiếp lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm.

 

Bên cạnh đó, một yếu tố có thể khiến CP ngành thủy sản gặp nhiều bất lợi trong mắt NĐT là tỷ lệ nợ cao trong nhiều năm vẫn là một rủi ro lớn đối với ngành.

 

Theo thống kê, tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu đến ngày 30-6 là 182%, tăng mạnh so với mức 128% và 108% của cùng kỳ các năm 2009, 2010. Hiện tượng này cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của các DN ngành thủy sản. Sự thiếu bền vững này còn thể hiện qua sự chủ động về nguyên liệu sản xuất còn yếu.

 

Ngay từ đầu quý IV, diễn biến thời tiết khá phức tạp, 3 miền đều xảy ra bão, lũ… làm gián đoạn hoạt động đánh bắt trên biển và nuôi trồng thủy sản ở các khu vực.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thời tiết xấu có thể làm giảm đến 50% công suất của các vùng nuôi và giảm sản lượng chế biến của các DN trong những tháng cuối năm.

 

Xét mặt bằng chung, CP thủy sản đang có P/E và P/B hấp dẫn hơn so với thị trường chung. Hiện tại, P/E và P/B của ngành lần lượt là 4,67x và 0,74x; thấp hơn so với mức tương ứng của VN Index là 9,14x và 1,53x.

 

Tuy nhiên, trong nhóm có những CP đang có P/E rất cao so với mặt bằng chung như ANV ở mức 13,21x và VNH ở mức 23,11x. Một số CP như MPC, VHC, ABT… cũng đang có mức P/B cao hơn hẳn so với trung bình, tương ứng các mức 1,2x, 1,26x và 1,13x.