Với những thông tin STK đã cung cấp cũng như so sánh định giá của các công ty tư vấn, mỗi nhà đầu tư sẽ tự tính cho mình mức giá tối đa có thể nắm giữ dài hạn.
ảnh: Lê Toàn

Với những thông tin STK đã cung cấp cũng như so sánh định giá của các công ty tư vấn, mỗi nhà đầu tư sẽ tự tính cho mình mức giá tối đa có thể nắm giữ dài hạn. ảnh: Lê Toàn

Cổ phiếu Sợi Thế Kỷ trước giờ “G”

(ĐTCK) Đợt chào bán 3 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dưới hình thức đấu giá của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cùng với việc tham gia bán ra 2 triệu cổ phần từ Quỹ đầu tư Red River Holding (RRH) vào ngày 9/12/2014 đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
 

Giá nào?

Mặc dù giá khởi điểm mà STK và RRH đưa ra là 18.000 đồng, CTCK Đông Á (DAS) định giá cổ phiếu STK cao hơn nhiều, đến 26.861 đồng. Kết quả này được tính bằng số bình quân của các phương pháp so sánh (P/E: 12,2 và P/B: 1,3) và phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) với suất chiết khấu là chi phí vốn bình quân có trọng số (WACC) ở mức 13,4%.

Lý giải vì sao lại áp dụng P/E là 12,2 lần cho STK trong khi hệ số này của CTCP Dệt may - Đầu tư -Thương mại Thành Công (TCM) hiện chỉ ở mức 10 lần, đại diện của DAS cho biết, họ cần điều chỉnh cho phù hợp với chính sách khấu hao. STK đang thực hiện chính sách khấu hao nhanh (10 năm cho máy móc thiết bị), trong khi tuổi thọ máy móc có thể sử dụng đến 25 năm. Do đó, lợi nhuận được ghi nhận thấp nhưng thực tế dòng thu tiền mặt của STK cao hơn nhiều.

Cũng theo DAS, do tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 20%/năm trong 2 năm tới, giá trị cổ phiếu STK vào năm 2016 có thể đạt mức 35.400 đồng/CP (P/E 2016: 12 lần, EPS: 3.700 đồng). Như vậy, từ mức giá khởi điểm 18.000 đồng hiện nay, trong vòng 2 năm tới, suất sinh lợi của cổ phiếu này gần như là 100%.

Theo tìm hiểu của người viết, trên OTC, giá cổ phiếu STK đang giao dịch ở mức khoảng 24.000 đồng/CP. Với ước tính nêu trên của DAS, ngay cả khi nhà đầu tư mua với mức giá này, suất sinh lợi của cổ phiếu STK trong 2 năm tới cũng khoảng 24%/năm.

CTCK Sài Gòn (SSI) định giá cổ phiếu STK ở mức 23.290 đồng/CP. SSI là 1 trong 11 đại lý đấu giá lần này cùng với DAS, Bản Việt (VCSC), VNDirect, HSC, Rồng Việt và một số CTCK khác. SSI cũng dùng 2 phương pháp định giá là so sánh (P/E: 8,3 lần) và DCF (WACC: 13,8%).

VNDirect không đưa ra mức giá khuyến nghị cụ thể, song ông Nguyễn Đình Phong, Phó giám đốc Khách hàng tổ chức VNDirect, nhận định, mức giá khởi điểm đưa ra khá hấp dẫn, đặc biệt khi STK có kế hoạch niêm yết rõ ràng, không giống nhiều DNNN khi IPO.

“Với những thông tin mà STK đã cung cấp cũng như so sánh định giá của đơn vị tư vấn, mỗi nhà đầu tư sẽ có đánh giá riêng. Nhà đầu tư nên tính cho mình một mức giá tối đa có thể chấp nhận nắm giữ dài hạn được, căn cứ vào lượng đặt mua cụ thể để xác định cho mình một mức giá khi đấu giá”, ông Phong nói.

Về phía STK, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, 18.000 đồng chỉ là mức giá khởi điểm. “Chúng tôi đưa ra mức giá này nhằm thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham gia, qua đó tạo ra một phiên đấu giá sôi động. Thực tế, giá kỳ vọng của chúng tôi cao hơn vì triển vọng tăng trưởng của Công ty trong những năm tới rất tốt”.

Ảnh: Lê Toàn 

Cổ tức: không thể không quan tâm

Ngày 24/11, tại buổi roadshow giới thiệu về đợt đấu giá sắp tới, ông Hoà cho biết, STK dự kiến mức chi cổ tức trong các năm tới là 15% bằng tiền mặt (chưa bao gồm trường hợp có thêm cổ phiếu thưởng), trong trường hợp năm nào có kế hoạch nhu cầu vốn cho đầu tư mở rộng hoặc đầu tư phát triển sẽ cân nhắc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, để giữ lại tiền tái đầu tư hoặc phát hành cổ phiếu ra ngoài để huy động vốn cho đầu tư, tùy phương án nào có lợi và tối ưu cho Công ty cũng như cổ đông tại thời điểm đó. Như vậy, ở mức giá từ 18.000 đồng đến 24.000 đồng, suất sinh lợi từ cổ tức tương ứng là 8,33% và  6%, tương đối hấp dẫn so với cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác cũng như so với mặt bằng lãi suất ngân hàng hiện nay.

Liệu mức cổ tức 15% như cam kết có khả thi? Các đại diện của cả DAS và SSI đều cho rằng, với lợi nhuận kỳ vọng cũng như dự báo dòng tiền đầu tư và trả nợ trong các năm 2015 - 2016, STK “dư sức” trả cổ tức cao hơn mức 15%. Tuy nhiên, trong trường hợp STK muốn trả cổ tức cao hơn 15%, thì mức “vượt” có lẽ sẽ bằng cổ phiếu, vì Công ty cần tích luỹ lợi nhuận để tài trợ cho các dự án đầu tư mới.

Trong 4 năm qua, chưa có năm nào STK trả cổ tức dưới 15%. Tỷ lệ chi trả cổ tức (bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu) cộng thêm cổ phiếu thưởng trong các năm 2010, 2011, 2012, 2013 lần lượt là 15%, 20%, 30% và 25% trên mệnh giá.

Tiền nào của nấy

SSI đưa ra khuyến nghị “Mua” đối với cổ phiếu STK. Theo ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Bộ phận Phát triển khách hàng tổ chức của SSI, có 5 lý do để SSI đưa ra khuyến nghị này. Một, đây là ngành có nhiều tiềm năng, với kỳ vọng sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU được ký kết, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành dệt may sẽ lên đến 70%.

Hai là, rào cản gia nhập ngành cao, ít bị cạnh tranh. Ba, STK là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sợi. Bốn, STK có ban lãnh đạo “chuẩn”, nhiều kinh nghiệm, tầm nhìn quốc tế; các chính sách quản trị tốt và hệ thống quản trị tiên tiến. Cuối cùng, giá khởi điểm hợp lý, vì theo SSI, giá trị mỗi cổ phần của STK lên đến hơn 23.000 đồng.

VNDirect cũng có một số nhận định tương tự. Cụ thể, theo VNDirect, STK sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch ngành dệt may của các nước vào Việt Nam. “Xu hướng này khá rõ, các đơn hàng tập trung ngày càng nhiều vào Việt Nam và chính những tập đoàn dệt may lớn của Đài Loan, Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Những biến chuyển này sẽ càng mãnh liệt hơn khi các hiệp định thương mại như ASEAN+6, Việt Nam - EU và TPP được ký kết”.

“Cá nhân tôi đánh giá cao kết quả kinh doanh mà STK đã đạt được, đặc biệt sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2014 với EPS tăng trưởng 46%, tỷ lệ nợ trên vốn trở về mức thấp và ROE đạt gần 20%. Với việc đầu tư mở rộng Nhà máy Trảng Bàng, STK đã sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng mới, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển bứt phá tiếp theo. Nhiều khả năng STK sẽ gia nhập nhóm các doanh nghiệp có doanh số trên 100 triệu USD trong vòng 3 năm tới”, ông Phong nói.

Chuyên gia phân tích ngành của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá, STK có nền tảng cơ bản vững chắc và tiềm năng tăng trưởng tích cực. Ra đời từ năm 2000 khi nhu cầu sử dụng sợi nhân tạo dần thay thế nhu cầu sợi tự nhiên, sản phẩm sợi của STK đã từng bước được nhận diện tại các thị trường lớn tại khu vực châu Âu và châu Á nhờ chất lượng cao và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt mức cao, lần lượt đạt 35% và 45% trong giai đoạn 2007 - 2013. Với doanh thu xuất khẩu chiếm đến gần 80% tổng doanh thu, STK phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhưng đồng thời lại có lợi thế vay vốn bằng USD với lãi suất thấp. Ngoài ra, với một công ty sản xuất và bán hàng trên diện rộng như STK, các tỷ số tài chính về khả năng thanh toán, vòng quay tài sản, cơ cấu nợ trên vốn chủ sở hữu đều rất tích cực.

Đánh giá mức độ quan tâm

Đánh giá về mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với đợt đấu giá sắp tới, ông Phong nói: “Tôi cho rằng STK đã thu hút được sự quan tâm của cả nhà đầu tư cá nhân cũng như các nhà đầu tư tổ chức, cả trong nước và nước ngoài. Tôi quan sát thấy đợt IPO lần này được bàn tán nhiều hơn rất nhiều so với các đợt IPO khác của năm 2014, ngoài việc đây là một doanh nghiệp tốt trong một ngành tăng trưởng cao, có lẽ còn có lý do giá khởi điểm được đặt ra rất hợp lý”.

Trong Nhật ký tư vấn gần đây, VDSC nhận định: “Giá khởi điểm 18.000 đồng theo chúng tôi là một mức giá hấp dẫn với P/E chỉ khoảng 6,4 lần, thấp hơn mức P/E trung bình của ngành là 12 lần. Sau khi IPO, STK cũng có lộ trình cụ thể niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 4 - 5/2015, do đó, chúng tôi kỳ vọng, phiên đấu giá sắp tới sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư”.

Ngoài những yếu tố về giá và triển vọng phát triển của STK, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó giám đốc Giao dịch chứng khoán Khách hàng tổ chức VCSC, cho rằng, STK có một điểm quan trọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, đó là tính minh bạch.

“Các nhà đầu tư tổ chức rất quan tâm đến vấn đề minh bạch, trong khi STK làm rất tốt việc này. Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo STK đặc biệt quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư”, ông Dũng nói.

- STK tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất -Thương mại Thế Kỷ, thành lập vào năm 2000. Hiện Công ty có 2 nhà máy, một tại Củ Chi, TP. HCM và một tại Khu công nghiệp Trảng Bàng, Tây Ninh, chuyên sản xuất 2 loại sợi là DTY (Drawn Textured Yarn) và FDY (Fully Drawn Yarn) từ nguyên liệu polyester chip (PET), với tổng công suất 37.000 tấn mỗi năm. Đầu tháng 5/2014, STK khởi công xây dựng giai đoạn 3 của Dự án Trảng Bàng, nhằm nâng công suất lên 52.000 tấn từ mức hiện tại.

- Khách hàng của STK chủ yếu là các nhà sản xuất vải trên toàn cầu và cũng là nhà cung cấp truyền thống cho các tập đoàn lớn như Nike, Adidas, Under Armour, Uniqlo, Zara, North Face… Trong nước, 2 khách hàng lớn và lâu năm nhất của Công ty là Dệt May Thành Công (TCM) và Dệt Thái Tuấn.

Tin bài liên quan