Trong năm 2019, các cổ đông lớn của POW bán ra 5.322.430 cổ phiếu, chỉ mua vào 100.890 cổ phiếu. Năm 2018, khối ngoại mua 52,7 triệu cổ phiếu, nhưng năm 2019 bán ra 19,7 triệu cổ phiếu và đầu năm 2020 bán ra 4,8 triệu cổ phiếu.
Khi lên sàn chứng khoán vào tháng 3/2018 với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, giới đầu tư kỳ vọng, POW có lợi thế vì ngành điện cung không đáp ứng đủ cầu.
Nhưng thực tế cho thấy, trong giá vốn của POW, nguyên liệu khí đầu vào và than chiếm khoảng 70% tổng cơ cấu giá thành.
Nhu cầu than lên tới 2,8 triệu tấn/năm, trong đó Tập đoàn Than - Khoáng sản cung ứng 2,4 triệu tấn và nhập khẩu.
Thiếu khí cũng là nỗi lo của các nhà máy Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 & 2, do nguồn cung từ các mỏ và vùng chồng lấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sụt giảm, việc đàm phán mua thêm khí với nước ngoài đang chờ kết quả cụ thể.
Trữ lượng than đang giảm đi và nếu không khai thác được các mỏ khí mới thì sẽ rất khó duy trì nguồn nguyên liệu cho các nhà máy điện khí hoạt động. Hai yếu tố khách quan này tạo áp lực cho POW.
Bên cạnh áp lực nguyên liệu, POW đang có áp lực huy đông vốn lớn, khi 3 dự án là Nhơn Trạch 3 & 4 và Thủy điện Luang Prabang có tổng vốn 76.045 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng vốn vay 70%, tương ứng 54.232 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính quý III/2019 của POW, tổng tài sản trị giá 60.037 tỷ đồng, lượng tiền mặt 7.061 tỷ đồng, như vậy có thể thấy, nhu cầu huy động vốn trong tương lai gần của doanh nghiệp là rất lớn.
Nợ vay ngắn và dài hạn của POW lên tới 19.547 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng nguồn vốn.
Thực tế, khi một doanh nghiệp huy động vốn lớn để thực hiện các dự án, giai đoạn đầu sẽ gặp áp lực chi phí lãi vay, khấu hao lớn, doanh nghiệp cần một khoảng thời gian để các nhà máy đi qua điểm hòa vốn, khi đó dòng tiền quay trở lại.
Điều này có thể lý giải vì sao giá cổ phiếu POW giảm dần đều từ khi niêm yết và các nhà đầu tư tổ chức cũng như nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ra cổ phiếu này.