Việt Nam tự chủ được nguồn cung phân bón, giá năm nay tăng vọt chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài.

Việt Nam tự chủ được nguồn cung phân bón, giá năm nay tăng vọt chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài.

Cổ phiếu phân bón còn ít dư địa tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá phân bón từ đầu năm 2021 đến nay tăng đột biến, điều chưa từng xảy ra trong vòng 10 năm trước đó, giúp cổ phiếu tăng phi mã. Giá phân bón vẫn có khả năng tăng thêm, nhưng cơ hội đầu tư hiện không còn nhiều.

Triển vọng giá phân bón

Năm nay, các doanh nghiệp phân bón được hưởng lợi lớn nhờ giá tăng cao. Trên thế giới, giá urê hiện tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 83% so với đầu năm nay bởi nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung bị thắt chặt.

Triển vọng giá bán trong những tháng cuối năm 2021 nhiều khả năng vẫn tích cực, vì dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia cộng với lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc có thể khiến giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, từ đó đẩy giá phân bón tăng theo.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Động thái này gây áp lực lên nguồn cung phân bón của thế giới, vốn căng thẳng vì hàng loạt nhà máy sản xuất amoniac - một trong những nguyên liệu để sản xuất urê - phải tạm dừng hoạt động ngoài kế hoạch tại nhiều nơi ở Trung Đông, Úc, Mỹ… do dịch bệnh và các vấn đề kỹ thuật.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) cho rằng, giá phân bón tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay còn do giá cước vận chuyển, nhất là cước tàu biển tăng đột biến. Ở đầu ra, giá các loại nông sản duy trì ở mức cao, cùng với đó là điều kiện thời tiết thuận lợi thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón gia tăng.

Trong những tháng cuối năm, KBS nhận định, giá phân bón sẽ tiếp tục có diễn biến tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ cao ở các nước như Ấn Độ, Mỹ, Brazil…, trong khi nguồn cung bị hạn chế do chính sách giới hạn lượng phân bón xuất khẩu của Trung Quốc - vốn chiếm đến 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Lưu ý, trong quý III, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước sẽ không cao, vì đây là mùa thấp điểm của ngành phân bón (từ tháng 7 đến tháng 10), do hai vụ lúa chính là Đông Xuân và Hè Thu đã trôi qua.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp phân bón cho thấy, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Chẳng hạn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) đạt hơn 872 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và vượt gần 140% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ DPM có thể đạt 1.521 tỷ đồng, tăng 119,4% so với năm 2020.

Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) đạt 149 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021, tăng 88% so với cùng kỳ.

Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay đạt 427 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lãnh đạo DCM, từ quý I/2021, Công ty đã giảm mục tiêu xuất khẩu để tập trung tối đa cho tiêu thụ nội địa, thậm chí tạm dừng chào bán với các thị trường đã xác lập đối tác như Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines, Bangladesh, Myanmar.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho biết, 2 nhóm ngành tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là thép và phân bón. Vài năm nay, Việt Nam cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón, sản xuất phân urê, lân và NPK đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.

Nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, giá năm nay tăng vọt chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài.

Từ nay đến cuối năm, giá phân bón vẫn khó có thể kiểm soát như mong muốn của cơ quan quản lý. Dù giá nguyên vật liệu và giá dầu khí đầu vào tăng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành, nhưng khả năng vẫn khả quan, tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Định giá cổ phiếu tiệm cận vùng đỉnh

Ông Khanh nhìn nhận, nhà đầu tư vẫn đang quan tâm đến nhóm cổ phiếu phân bón, nhưng cơ hội đầu tư không còn nhiều, giá không ít mã đang ở vùng đỉnh như DPM, DCM, BFC, LAS…, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện tại, định giá P/E tiệm cận vùng đỉnh trong quá khứ và cao hơn mức trung bình 3 năm trở lại đây.

Anh Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, cùng với nhóm chứng khoán, phân bón là nhóm cổ phiếu hiếm hoi ghi nhận mức tăng giá cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của thị trường, đa số mã có giá tăng trên 80%, thậm chí hơn 100% so với đầu năm 2021.

Do giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng đỉnh, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào mối tương quan thuận giữa giá phân bón tăng với giá cổ phiếu của các công ty sản xuất - kinh doanh phân bón.

Anh Tuấn nhận định, cổ phiếu của những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh khi xuất khẩu vẫn còn dư địa tăng, nhưng xét về tổng thể, định giá P/E ngành này hiện không thực sự hấp dẫn, dù kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm dự kiến vẫn khả quan.

Xét rủi ro biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, sức cầu chính của phân bón là hoạt động sản xuất nông nghiệp đang chịu áp lực về chi phí cũng như đầu ra do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì đại dịch, vùng giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong 12 - 18 tháng tới, trong khi thực tế khó có thể trở thành hiện thực.

Hầu hết nhà đầu tư hiện nay mua bán cổ phiếu với mục đích đầu cơ nhằm kiếm lời ngắn hạn nên chủ yếu quan tâm đến các yếu tố hỗ trợ tức thời như giá phân bón liệu có tăng tiếp, doanh nghiệp trả cổ tức cao hay không, hoặc một câu chuyện riêng nào đó của doanh nghiệp.

Trong số các cổ phiếu phân bón được Công ty Chứng khoán Bản Việt theo dõi thì mã DCM gần đây vẫn được Công ty đánh giá là còn dư địa tăng về mặt định giá. Tuy nhiên, công ty này lưu ý, giá phân bón tăng trong thời gian qua là yếu tố đột biến, không bền vững. Do đó, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào mối tương quan thuận giữa giá phân bón tăng với giá cổ phiếu của các công ty sản xuất - kinh doanh phân bón.

Trong khi đó, KBS đánh giá, phân bón vẫn là ngành đáng để đầu tư trong những tháng cuối năm 2021. Nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường chứng khoán cùng với triển vọng lợi nhuận quý III và quý IV tăng trưởng sẽ giúp mức định giá không ít cổ phiếu phân bón hấp dẫn hơn.

Tin bài liên quan