Ông Trần Anh Hùng

Ông Trần Anh Hùng

Cổ phiếu nóng “giảm nhiệt”

(ĐTCK) Những cổ phiếu đã giữ nhiệt cho thị trường giai đoạn tăng vừa qua đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, nên tâm lý thị trường cũng chùng theo.

Đó là nhận định của ông Trần Anh Hùng, Trưởng phòng Môi giới 11, CTCK VNDirect.

Trong những phiên gần đây, diễn biến của thị trường khá chậm, thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu co hẹp lại. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Sau một thời gian giao dịch khá hưng phấn, với những phiên khớp lệnh đạt giá trị trên 2.000 tỷ đồng, nhịp độ giao dịch của thị trường đã có dấu hiệu chậm lại, thanh khoản khiêm tốn hơn. Theo tôi, điều này xuất phát từ những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, thị trường đã tăng điểm được một tháng rưỡi, khá nhiều cổ phiếu đã tăng giá rất mạnh. Các cổ phiếu như REE, PPC, DRC,CSM, HSG... đã tăng trên dưới 100% kể từ vùng đáy, có những mã đặc biệt như PPC đã tăng giá tới hơn 3 lần. Những mã này đã giữ nhiệt cho thị trường giai đoạn qua và giờ đây, khi các mã này bước vào giai đoạn điều chỉnh, tâm lý thị trường cũng chùng theo. Điều này là hợp lý, bởi khi giá cổ phiếu đã tăng đạt hoặc vượt kỳ vọng, một bộ phận thị trường sẽ muốn chốt lãi, còn bộ phận mới tham gia thị trường sẽ có tâm lý ngại mua vào và có lẽ đang chờ đợi thị trường điều chỉnh thêm một chút nữa.

Thứ hai, TTCK thế giới đang có xu hướng điều chỉnh, điều này ít nhiều cũng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến cho nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định đầu tư, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn chưa có những diễn biến cải thiện tương xứng với những diễn biến của thị trường chứng khoán.

Thứ ba, nhà đầu tư đang nghe ngóng, chờ đợi các thông tin mới như việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài, việc tăng thời gian giao dịch đến 15h...

 

Việc cơ quan quản lý dự kiến kéo dài thời  gian giao dịch đến 15h, theo ông, có giúp thị trường tăng tính thanh khoản?

Việc kéo dài thời gian giao dịch đến 15h có thể sẽ có tác động tích cực tới thanh khoản của thị trường, vì nhà đầu tư có thêm thời gian để đưa ra quyết định mua bán. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố then chốt ảnh hưởng tới thanh khoản của thị trường, mà diễn biến tích cực của nền kinh tế cũng như chất lượng của hàng hóa trên thị trường mới là yếu tố quyết định việc cải thiện thanh khoản.

 

Vậy việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Chính phủ tăng room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các DN niêm yết sẽ tác động như thế nào đến TTCK, theo ông?

Nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn, sẽ có tác động tích cực tới TTCK. Trong bối cảnh TTCK ở nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển có dấu hiệu suy giảm, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn với khối nhà đầu tư ngoại. Định giá của chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp, trong khi triển vọng của thị trường trong 2 - 3 năm tới đang được đánh giá tương đối tốt. Nếu room cho nhà đầu tư nước ngoài được nới, sẽ thu hút được dòng vốn ngoại có nhu cầu đầu tư lâu dài tại các DN làm ăn thực sự tốt, từ đó, tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung cũng như TTCK nói riêng.

 

Ông nhận định như thế nào về xu hướng TTCK trong ngắn hạn?  

Trong ngắn hạn, tâm lý của nhà đầu tư vẫn là thận trọng, chưa có nhiều thông tin thực sự tích cực tạo cú đột phá cho thị trường, do đó, khả năng thị trường vẫn diễn biến theo xu hướng giằng co, với thanh khoản thấp. Một triển vọng dài hơi hơn, nếu có, nên đến sau khi thị trường có sự điều chỉnh sâu thì sẽ bền vững hơn. Trong thời gian này, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin, vì xu hướng của thị trường chưa rõ ràng.