Những DN chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ phát triển bền vững hơn

Những DN chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ phát triển bền vững hơn

Cổ phiếu ngành thủy sản: Phân hóa mạnh

(ĐTCK-online) Trong khó khăn chung của thị trường xuất khẩu, ngành thủy sản vẫn có những tăng trưởng đáng kể về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chủ yếu ở các thị trường chính như Mỹ, EU, Nga.

Tuy nhiên, hầu hết DN có kết quả kinh doanh khả quan, có khả năng cán đích kế hoạch lợi nhuận trước thời hạn đều chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; còn lại nhiều DN đang ở tình trạng thua lỗ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Thành Thông, Phó tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) cho biết, tính đến hết tháng 10/2011, kim ngạch xuất khẩu của AGF đạt 77 triệu USD. Hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của AGF chủ yếu phục vụ xuất khẩu, chỉ phần nhỏ sản lượng phục vụ thị trường nội địa nên Công ty cũng được hưởng lợi từ việc chênh lệch tỷ giá. Cũng theo ông Thông, năm 2011, AGF ước đạt 95 tỷ đồng lợi nhuận, vượt gần 20% so với kế hoạch 80 tỷ đồng.

Cũng có kinh doanh khả quan như AGF, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), một trong những công ty có kim ngạch xất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam hiện nay, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời hạn. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2011, VHC đạt 288,31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 15,32% so với kế hoạch 250 tỷ đồng. Ước tính, đến hết năm 2011, VHC vượt kế hoạch lợi nhuận khoảng 30%.

Tuy nhiên, các DN có kết quả kinh doanh khả quan như AGF và VHC đều là các DN chủ động được về nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ. Cả AGF và VHC đều sản xuất thành phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nuôi nên giá thành sản xuất thấp, góp phần làm tăng lợi nhuận cho DN.

Dù chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, nhưng các DN ngành thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi vì chi phí lãi vay lớn, từ đó, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của DN. Bởi đặc thù của ngành thủy sản là cần nguồn vốn vay ngắn hạn tài trợ cho vốn luân chuyển, trong khi lãi suất ngân hàng hiện nay đang phổ biến ở mức trên dưới 20%. Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, năm 2011, nhiều khả năng MPC khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 600 tỷ đồng, do chi phí lãi vay quá cao cộng với việc nhà máy mới Hậu Giang và vùng nuôi tôm Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty đi vào hoạt động chậm so với tiến độ. Tính đến hết tháng 10/2011, khối lượng xuất khẩu của MPC đạt 21.526 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 264 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ 2010. Ông Điệp cho biết, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của MPC ước đạt 330 triệu USD so với con số kế hoạch là 360 triệu USD.

Xét trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn như thời điểm năm 2008 bởi ít nhiều chịu sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, mới thấy ý nghĩa của con số lợi nhuận của các DN như MPC, AGF hay VHC. Theo ông Điệp, năm nay, các đơn đặt hàng cũng như giá nhập tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản đều đưa ra những điều kiện khắt khe hơn về chất lượng hàng xuất khẩu.

Đại diện MPC cũng cho rằng, mức giá 19.900 đồng/CP của MPC hiện đang giao dịch là tương đối hấp dẫn so với mức EPS mà MPC đạt được. Xét một cách tổng thể, cổ phiếu DN ngành thủy sản đang có P/E 4,7 lần là rất thấp so với mức bình quân thị trường là 9,5 lần. Các báo cáo phân tích về cổ phiếu của DN ngành thủy sản nói chung cũng chỉ ra cổ phiếu ngành thủy sản đang ở mức hấp dẫn.

Bên cạnh những DN đạt kết quả kinh doanh rất khả quan, thậm chí "cán đích" lợi nhuận trước thời hạn thì vẫn còn nhiều DN ngành này đang ở tình trạng thua lỗ. Điển hình như CTCP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD), đến hết 9 tháng đầu năm 2010, thua lỗ 23 tỷ đồng; CTCP Thủy sản Gentraco (GFC) lỗ lũy kế 9 tháng hơn 16 tỷ đồng. Thậm chí, CTCP Basa (BAS) còn xây dựng kế hoạch lỗ sau thuế 6 tỷ đồng. Cổ phiếu nhóm DN thua lỗ này đang giao dịch với mức giá rất "bèo bọt", như cổ phiếu BAS chỉ còn 1.400 đồng/CP, cổ phiếu CAD chỉ còn 1.900 đồng/CP (ngày 17/11)…

Những diễn biến thời tiết phức tạp, chi phí lãi vay tăng cao… là bất lợi vẫn luôn "rình rập" khối DN này. Trong đó, có thể thấy diễn biến thời tiết xấu như bão, lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN ngành thủy sản, làm gián đoạn hoạt động đánh bắt trên biển và nuôi trồng thủy sản ở các khu vực. Đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thời tiết xấu có thể làm giảm đến 50% công suất của các vùng nuôi và giảm sản lượng chế biến của các DN trong những tháng cuối năm.