Giá khí tăng cao, nhưng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.

Giá khí tăng cao, nhưng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.

Cổ phiếu ngành khí dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá khí tăng cao khiến hầu hết cổ phiếu trong ngành dầu khí tăng vọt, dù kết quả kinh doanh có thể chưa được cải thiện ngay.

Giá khí LNG lập kỷ lục mới

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trên toàn cầu gần đây tiếp tục tăng. Giá hợp đồng giao tháng 11/2021 trên sàn TTF của Hà Lan đạt 113,3 USD/MWh, tăng khoảng 400% so với đầu năm và là mức cao nhất từ trước tới nay. Giá hợp đồng giao ngay tại khu vực châu Á đạt hơn 34 USD/mmBtu, cao nhất kể từ năm 2009. Giá khí đốt giao tháng 11/2021 tại châu Âu tăng lên 117 euro/MWh, từ mức 15 euro/MWhso cách đây 6 tháng.

Nguyên nhân khiến giá LNG tăng mạnh trong thời gian qua được cho là đến từ 2 lý do chính.

Thứ nhất, các nền kinh tế thế giới dần mở cửa trở lại, nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhiều hơn so với mức tăng của nguồn cung, khiến giá khí được đẩy lên cao.

Tại khu vực châu Âu, tồn kho khí thiên nhiên đang ở mức thấp đáng báo động so với mức trung bình 5 năm qua.

Nhu cầu tăng vọt tại nhiều châu lục dẫn đến tình trạng các nước châu Á vốn chiếm 3/4 lượng LNG nhập khẩu toàn cầu đang cạnh tranh với châu Âu trong việc nhập khẩu LNG.

Thêm vào đó, nhu cầu điện khí tại Trung Quốc tăng cao do nền kinh tế mở cửa trước thế giới, cộng với việc nước này ban hành chính sách cắt giảm sản lượng khai thác than để thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu khiến nhu cầu về khí tăng mạnh hơn mọi năm.

Thứ hai, nguồn cung bị gián đoạn là do yếu tố thời tiết và dịch Covid-19. Mỹ là quốc gia xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, cuối tháng 8/2021, Mỹ hứng chịu cơn bão lịch sử (bão Ida) khiến hơn 90% nhà máy sản xuất khí tại Vịnh Mexico phải đóng cửa. Điều này làm cho sản lượng các sản phẩm lọc hóa dầu và khí từ Mỹ bị giảm sút trong nửa đầu tháng 9.

Thêm vào đó, nguồn cung LNG bị ảnh hưởng do các hoạt động bảo dưỡng tại các cơ sở khai thác khí LNG lớn tại Úc, Nga, Quatar kéo dài do Covid-19, hay vụ cháy cơ sở sản xuất LNG của Nauy, khiến nguồn cung LNG sụt giảm trong ngắn hạn.

Hơn nữa, đầu tư cho hạ tầng dầu khí giảm mạnh trong những năm qua do các nước có xu hướng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Do đó, nguồn cung khí khó có thể phục hồi nhanh trong ngắn hạn, trong khi năng lượng tái tạo gặp khó khăn như thủy điện chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điện gió, điện mặt trời có rủi ro lớn về mức độ biến động, khó dự báo (đơn cử, giá tấm pin năng lượng mặt trời tăng cao vì giá nguyên liệu silic tăng vọt).

Ông Jeff Moore, quản lý bộ phận phân tích thị trường LNG tại S&P Global Platts nhận định: “Chỉ số giá LNG có khả năng tiếp tục neo ở ngưỡng cao như hiện nay, hoặc tăng cao hơn trong những tuần tới khi nguồn cung trên thị trường chưa được cải thiện cộng với việc châu Âu sắp bước vào mùa đông (LNG còn là nhiên liệu được sử dụng phổ biến để sưởi ấm). Giá khí LNG trên thị trường giao ngay sẽ khó có thể giảm mạnh trong những tháng tới, trừ khi giá than đá hoặc giá các nguồn năng lượng hoá thạch khác giảm mạnh”.

Giá cổ phiếu tăng nóng

Giá khí bứt phá trong thời gian qua đã giúp nhiều cổ phiếu trong ngành dầu khí tăng mạnh.

Ở mảng bán lẻ, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) phát triển thương hiệu Petrovietnam Gas thông qua đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (PVG) và Công ty cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (PGS).

Cổ phiếu PVG và PGS ghi nhận mức tăng cao về giá và thanh khoản. Tính đến ngày 15/10, mã PGS tăng 33,2% sau 1 tháng và tăng 72% sau 1 quý. Mã PVG tăng 53% sau 1 tháng và tăng gấp đôi sau 1 quý.

Một doanh nghiệp khác thuộc hệ thống GAS là Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG) cũng có giá cổ phiếu tăng mạnh.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Công ty cổ phần MT Gas (MTG), Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) có thời điểm ghi nhận tỷ lệ tăng 3 con số so với cuối tháng 8.

Cụ thể, giá MTG có lúc tăng 192%, lên 12.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện cổ phiếu này được giao dịch quanh mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu ASP chỉ mất hơn nửa tháng để tăng gấp đôi về giá, có lúc đạt 16.400 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2008 (hiện giao dịch quanh mức 14.200 đồng/cổ phiếu).

Không ít cổ phiếu khác trong nhóm hạ nguồn như PGC của Tổng công ty Gas Petrolimex-CTCP, PCG của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Gas đô thị ghi nhận mức tăng giá mạnh chỉ sau 1 tháng, lần lượt là 36% và 80,3%.

Nhu cầu tiêu thụ giảm vì Covid-19 chỉ là ngắn hạn

Năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất điện tiêu thụ khí là chủ yếu khi chiếm tới 77% tổng lượng tiêu thụ, tiếp đó là sản xuất đạm chiếm 19% và khoảng 4% cho các ngành công nghiệp khác và hộ tiêu thụ.

Năm 2021, nhu cầu tiêu thụ khí sụt giảm do tác động của dịch Covid-19, trong khi giá khí cao kỷ lục trước ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới. Vì thế, GAS ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận không tăng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, GAS ước đạt tổng doanh thu 58.417 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế 7.869 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 6.220 tỷ đồng, đều tương đương cùng kỳ.

Trước đó, GAS công bố doanh thu 8 tháng đầu năm 2021 đạt gần 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 7.200 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng trong tháng 9, Tổng công ty đem về 6.417 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 669 tỷ đồng.

Xét quý III/2021, GAS ước đạt tổng doanh thu 18.145 tỷ đồng, tăng 14%, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 2.300 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Bởi lẽ, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong quý III nên nhu cầu về khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35 - 40% đối với khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) và giảm 30% đối với khí thiên nhiên nén (CNG) so với trước khi có dịch.

Trong 3 tháng trở lại đây, nhiều khách hàng của GAS phải dừng, giảm sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí của GAS tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh.

GAS dự báo, thời gian tới, số lượng khách hàng dừng, giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể giảm 40 - 50% so với thời điểm trước dịch.

Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán như Chứng khoán MB, Chứng khoán VNDIRECT nhận định, nhu cầu khí ở mức thấp chỉ là tạm thời, tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn nhờ giá dầu tăng, năng lực cấp khí ổn định và nhu cầu điện ngày càng tăng khi thời tiết đang dần chuyển lạnh.

Cơ hội đầu tư vẫn còn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, đầu tư vào cổ phiếu ngành khí nói riêng và cổ phiếu ngành năng lượng thời điểm này vẫn có cơ hội thu lời, bởi giá năng lượng trên thế giới đang trong xu hướng tăng.

Hàng loạt cổ phiếu dầu khí thu hút sự quan tâm của dòng tiền như GAS, ASP, MTG, PGS, PVG, PGC, PCG, CNG…

Yếu tố chính là kinh tế thế giới đang mở cửa trở lại, giúp thúc đẩy nhu cầu về năng lượng. Những ngành có liên quan như vận tải biển hay hàng không đều sẽ gia tăng việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là dầu thô. Hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của việc mở cửa nền kinh tế trở lại nên nhiều cổ phiếu ngành dầu khí và các ngành liên quan như phân đạm vẫn còn triển vọng tăng giá.

“Điểm cần lưu ý đối với những nhà đầu tư lướt sóng hay đầu tư trong ngắn hạn là khả năng bị thua lỗ có thể xảy ra khi mua các cổ phiếu đã tăng nóng. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nắm giữ trong trung và dài hạn vẫn có triển vọng sinh lời”, ông Khánh nói.

Đồng quan điểm, bà Phạm Huyền Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, giá khí có thể duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2021 do nhu cầu tiếp tục tăng, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu năng lượng cao vào mùa Đông ở nhiều nước. Bên cạnh đó, yếu tố gián đoạn nguồn cung dự kiến sẽ dần được giải quyết. Điều này sẽ hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu ngành khí trong ngắn hạn.

“Về quan điểm phân tích cơ bản, chúng tôi cho rằng, khi xem xét các cổ phiếu ngành khí, các doanh nghiệp cung cấp khí tự nhiên (khí khô, khí thấp áp, CNG) và LPG sẽ được hưởng lợi ở các mức độ khác nhau từ đà tăng của giá khí thế giới (giá bán tăng, lợi nhuận tăng, hưởng lợi nhờ tồn kho giá thấp…). Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tăng nhanh và mạnh trong ngắn hạn, tương ứng với mức tăng giá cổ phiếu trên thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng cổ phiếu khi mua mới ở thời điểm hiện tại”.

Tin bài liên quan