Đồng loạt tăng điểm
Một trong những mã ngân hàng trên UPCoM tăng mạnh nhất tính từ đầu năm 2020 đến nay phải kể đến là LPB của LienVietPostBank, hiện đạt mức giá 12.600 đồng (giá đóng cửa ngày 16/10), tăng 95%. Tương tự, mã VIB của Ngân hàng Quốc tế cũng tăng gần 87% lên mức 33.200 đồng.
Không tăng mạnh như 2 mã trên, song cổ phiếu KLB của Kienlongbank từ chỗ giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng) đầu tháng 9/2020 thì nay đã lên 12.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BAB của BAC A BANK cũng tăng hơn 1.000 đồng/cổ phiếu trong 2 tháng qua, hiện ở mức 17.600 đồng.
Bên cạnh “cựu binh”, các “tân binh” của UPCoM cũng thể hiện mức tăng khá ấn tượng. Đơn cử, mã BVB của Viet Capital Bank từ mức đáy 9.700 đồng (ngày 27/7), nay đã tăng lên 12.900 đồng, tức tăng hơn 35%. BVB chào sàn ngày 9/7.
Bên cạnh “cựu binh”, các “tân binh” của UPCoM cũng thể hiện mức tăng khá ấn tượng.
Cổ phiếu NAB của Nam A Bank có giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên (9/10) trên UPCoM là 13.500 đồng, đóng cửa tăng lên 16.000 đồng và hiện ở mức giá 15.200 đồng.
Làn sóng lên sàn chứng khoán, trong đó có thị trường UPCoM, được ngành ngân hàng đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.
Bởi theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019, tất cả ngân hàng phải lên sàn chứng khoán năm 2020.
Thực tế, yêu cầu “lên sàn” đối với các ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018. Đồng thời, Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên UPCoM từ cuối năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhiều lần có công văn nhắc nhở các ngân hàng thực hiện chủ trương đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do thị trường không thuận lợi mà quá trình này bị chậm trễ.
Tuy nhiên, hiện đã đến hạn, cộng với thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc trở lại nên các ngân hàng nhanh chóng hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn. Điều này góp phần tác động tích cực lên cổ phiếu “vua” đang niêm yết cũng như giao dịch trên thị trường UPCoM.
Theo chia sẻ của các lãnh đạo ngân hàng, kỳ vọng lớn nhất khi đưa cổ phiếu lên sàn là để nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu, nâng cao hình ảnh, thương hiệu, tăng sức hút nhà đầu tư. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, việc lên sàn không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao tính minh bạch, thanh khoản, từ đó có thêm cơ hội huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Điều này còn mang ý nghĩa nhiều hơn khi đây cũng là thời điểm các ngân hàng phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế Basel II để nâng cao năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế, việc tăng vốn của các nhà băng quy mô vừa và nhỏ diễn ra không mấy thuận lợi trong suốt những năm qua.
Hiện không ít ngân hàng có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn vốn pháp định (3.000 tỷ đồng) như Kienlongbank có vốn điều lệ 3.237 tỷ đồng, Saigonbank là 3.080 tỷ đồng...
Mặt khác, nợ xấu các ngân hàng này cũng là vấn đề được quan tâm khi đa phần đều ở mức cao. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank, Kienlongbank, Saigonbank tính đến cuối tháng 6/2020 lần lượt là 1,88%; 6,59% và 2,06% trên tổng dư nợ.
Sớm chuyển sàn, tăng vốn
Hiện tại, các ngân hàng Vietbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank... đang trong quá trình triển khai kế hoạch tăng vốn cho năm nay cũng như các năm tiếp theo.
Cụ thể, sau nhiều năm không tăng vốn, cuối tháng 8/2020, Viet Capital Bank đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường để thông qua phương án tăng thêm vốn điều lệ lên trên 4.077 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ phát hành hơn 35,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 9% và phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP; giai đoạn 2 sẽ phát hành 40,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ dự kiến 11%. Thời gian thực hiện trong năm 2020 và quý I/2021.
Viet Capital Bank cũng đưa ra kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE thời gian tới. Tổng giám đốc Viet Capital Bank Ngô Quang Trung cho hay, đến hết tháng 9/2020, Ngân hàng đã hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Viet Capital Bank tăng 27% so với kết quả 2019 (đạt 158 tỷ đồng). Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9% (mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 17%).
Với Vietbank, tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 5/2020, Hội đồng quản trị Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu VBB từ UPCoM sang HOSE.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank Dương Ngọc Hòa khi đó cho biết, Ngân hàng đã đủ điều kiện để niêm yết trên HOSE và trình giao cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm niêm yết cụ thể khi thời cơ và điều kiện thị trường cho phép.
Vietbank có kế hoạch phát hành 58,66 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:14 trong quý IV/2020.
Nguồn sử dụng để tăng vốn là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giai đoạn 2017-2019 sau khi trích lập các quỹ, phù hợp với quy định pháp luật với số tiền 586,62 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng thêm 586,6 tỷ đồng, lên mức 4.776,8 tỷ đồng.
Chia sẻ việc đưa hơn 389 triệu cổ phiếu NAB (tương đương hơn 3.890 tỷ đồng vốn điều lệ) lên giao dịch trên UPCoM ngày 9/10 vừa qua, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, là nhằm giúp Ngân hàng có thời gian để cọ xát với thị trường trước khi niêm yết trên HOSE và đó cũng là mong muốn của cổ đông.
Thêm nữa, việc giao dịch trên UPCoM cũng phần nào giúp cổ phiếu NAB cải thiện thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Sau khi hoàn tất tăng vốn, Nam A Bank sẽ chuyển sàn.
Đầu tháng 9/2020, Nam A Bank thông báo tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên mức hơn 4.564 tỷ đồng, tương ứng lượng cổ phần tăng thêm là hơn 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành ESOP.
Theo lãnh đạo Ngân hàng, Nam A Bank sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm thông qua 2 phương án là phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ gần 12,5% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Một điểm cần lưu ý là hiện các ngân hàng trên đều còn nguyên room ngoại 30% và có kế hoạch sẽ bán cho nhà đầu tư nước ngoài trong các đợt tăng vốn tới đây. Nam A Bank cho hay, sẽ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài không dưới 20% trong đợt tăng vốn sắp tới.
Ngày 12/10, Viet Capital Bank đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị Ngân hàng quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài theo quy định hiện hành (tỷ lệ tối đa là 30% theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP).
Thời gian thực hiện Ngân hàng sẽ công bố sau. Nhưng với kế hoạch tăng vốn lên hơn 4.000 tỷ đồng thời gian tới, khả năng BVB sẽ chốt room ngoại thu hút vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.
Với kế hoạch tăng vốn lên hơn 4.000 tỷ đồng thời gian tới, khả năng BVB sẽ chốt room ngoại thu hút vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh
Với các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng, việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược phù hợp là rất quan trọng, nhưng yêu cầu trước mắt là các ngân hàng phải đẩy mạnh tái cơ cấu và củng cố nội lực.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, việc gọi thêm vốn ngoại là cần thiết cho ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, điều cần thực hiện ngay lúc này là phải nâng cao nội lực để khi bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại thặng dư tốt nhất cho các cổ đông.