Kế hoạch cổ tức, cổ phiếu thưởng và dự kiến lợi nhuận quý I tăng
So với đầu năm 2021, nhiều cổ phiếu ngân hàng như BAB, VIB, MSB, OCB, VPB… có giá tăng trên 30%. Nhóm cổ phiếu “vua” có diễn biến điều chỉnh trong một số phiên gần đây, nhưng mức giảm không nhiều và vẫn có các mã tăng giá. Một cổ phiếu ngân hàng mới niêm yết là SSB giữ giá trần kể từ phiên chào sàn HOSE ngày 24/3/2021.
Giá cổ phiếu ngân hàng tăng ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng ngành năm 2021 còn do thông tin về cổ tức và cổ phiếu thưởng dự kiến chia ở mức cao.
Chẳng hạn, Đại hội đồng cổ đông VIB ngày 24/3 đã thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và phát hành thêm cổ phiếu (năm ngoái, VIB chia cổ tức, cổ phiếu thưởng tỷ lệ gần 30%); MSB trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2020 ở mức 30%.
Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết, Ngân hàng dự kiến trình cổ đông tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25% thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Năm 2020, OCB đạt 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch.
Với ACB, năm ngoái đạt gần 9.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế là cơ sở để nhà băng này tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức ở mức không dưới 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Các kế hoạch trên nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực mới của ngành ngân hàng. Thực tế, mùa đại hội cổ đông năm 2021, đa số cổ đông không yêu cầu ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt bởi giá cổ phiếu tăng. Mức cổ tức và cổ phiếu thưởng cao trong năm nay được xem là động lực tiếp theo của giá cổ phiếu.
Tất nhiên, diễn biến giá cổ phiếu phải phản ánh giá trị nội tại của doanh nghiệp về mức độ an toàn, khả năng sinh lời, triển vọng tăng trưởng…, cũng như các yếu tố thị trường như môi trường kinh tế vĩ mô, kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này được thể hiện khi kết quả kinh doanh năm 2020 của các nhà băng đều tăng trưởng tích cực.
Quý đầu năm 2021, không ít ngân hàng công bố, lợi nhuận thu về ở mức cao như VietinBank ước lãi 7.000 - 8.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; MSB ước lãi 1.200 tỷ đồng; VIB cho hay, tăng trưởng lợi nhuận đang theo kế hoạch mà Ngân hàng kỳ vọng cho cả năm nay.
Ngành ngân hàng có triển vọng sáng trong dài hạn
Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 sẽ tăng trưởng trên 30%. Quý I, hoạt động kinh doanh khả quan, trong khi lợi nhuận quý đầu năm thường ở mức thấp nhất trong 4 quý, nên khả năng cả năm sẽ hoàn thành được kế hoạch.
Triển vọng ngành ngân hàng sáng, nhất là tăng trưởng tính dụng, nên năm 2021, nhiều ngân hàng khác đặt mục tiêu lãi cao như Vietcombank 25.000 tỷ đồng, BIDV 13.000 tỷ đồng, HDBank 7.600 tỷ đồng, VIB 7.510 tỷ đồng...
Không ít nhà băng đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng cao hơn mục tiêu chung của ngành. Chẳng hạn, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, huy động vốn khoảng 31%, dù hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho VIB là hơn 8%.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho rằng, định hướng của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tăng tín dụng khoảng 12% trong năm nay nhưng sẽ linh động, phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể giảm về mức 10% hay tăng lên 14%, tùy từng giai đoạn. Cơ quan quản lý hiện có sự thận trọng nhất định, nên giao chỉ tiêu 7 - 12% ở lần đầu tiên.
“Với VIB, các năm trước, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu lần đầu thấp, nhưng sau đó phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch của VIB mà có sự thay đổi. Những năm qua, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23 - 30% và đều đạt được”, ông Vỹ nói.
Theo lãnh đạo VIB, lợi nhuận năm nay dự kiến sẽ tăng ít nhất 29%. Trong 4 năm qua, lợi nhuận của VIB tăng trưởng từ 42 - 100%/năm, thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở Top cao nhất ngành ngân hàng, từ 25 - 30%.
MSB đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 25% trong năm 2021, mục tiêu này tại VCB là 12%, VietinBank từ 8 - 11%...
Trong báo cáo mới đây của JP Morgan, các ngân hàng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và ROE cao nhất trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và khả năng phục hồi trong 12 tháng qua cho thấy, khả năng tăng trưởng tín dụng và thu nhập vài năm tới sẽ ở mức cao.
JP Morgan dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) bình quân giai đoạn 2020 - 2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng trong 3 năm tới.
PYN Elite Fund vừa đưa ra nhận định trong báo cáo “Vietnam-Asia's new success story”, triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam những năm tới rất tích cực.
Với các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, gồm tăng trưởng GDP ở mức cao, mức định giá của thị trường còn hấp dẫn so với các nước trong khu vực và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, VN-Index có thể tiến lên mức 1.800 điểm trong năm 2022 và cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt đà tăng.
Trong khi đó, báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 của Công ty Chứng khoán BIDV cho biết, ở nhóm ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN bắt đầu giảm trong quý IV/2020. Cụ thể, tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ tại một số ngân hàng niêm yết đã giảm còn 2% so với mức 2,6% trong quý III/2020. Công ty chứng khoán này dự báo, lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2021 sẽ tăng 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14%.
Tuy nhiên, lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời với nhóm cổ phiếu “vua” không đơn giản. Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Dragon Capital nhìn nhận, cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh dựa trên năng lực, quản trị rủi ro và sức cạnh tranh của các nhà băng trên thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực dự phòng rủi ro gia tăng có thể tác động lên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến nghị, năm ngoái, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm nay, song áp lực với các khoản nợ xấu “chưa được che giấu” của Thông tư 01/2020/TT- NHNN còn hiện hữu, nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ càng khi rót vốn.
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo điều chỉnh triển vọng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 15 ngân hàng Việt Nam và giữ nguyên xếp hạng ở mức Ba3. Trong đó, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực, 4 ngân hàng từ ổn định lên tích cực và 6 ngân hàng từ tiêu cực lên ổn định.
15 ngân hàng trong diện điều chỉnh: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, VPBank, Techcombank.
Việc điều chỉnh triển vọng các ngân hàng Việt Nam diễn ra sau khi Moody's thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên “tích cực” và giữ nguyên xếp hạng ở Ba3 ngày 18/3/2021.