Cổ phiếu ngân hàng kỳ vọng lấy lại vị thế

Cổ phiếu ngân hàng kỳ vọng lấy lại vị thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được kỳ vọng sớm lấy lại vị thế dẫn dắt thị trường, nhưng dự kiến sẽ phân hóa mạnh sau khi có kết quả kinh doanh quý III/2021.

Dự báo lợi nhuận quý III

Trong quý II/2021, tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng niêm yết tăng 8% so với quý I/2021 và tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 đầu năm tăng 35,9% so với cùng kỳ; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 56,3% so với quý I và tăng 80,4% so với cùng kỳ; chi phí hoạt động tăng 5,4% so với quý I và tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 10,8% so với quý I và tăng 41% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 58,1% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận đỉnh trong quý II nhờ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra lớn.

Tuy nhiên, bắt đầu từ quý III/2021, dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp và tác động mạnh đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến nhóm ngân hàng.

Thứ nhất, các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, giãn cách xã hội kéo dài nên tín dụng khó tăng trưởng.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ đúng hạn, thậm chí không thể trả nợ. Ngân hàng Nhà nước dự báo, nợ xấu ngành ngân hàng cuối năm nay có thể tăng lên 8%, từ con số 1,63% của năm 2019, sau khi thực hiện cơ cấu, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Đại diện MBBank chia sẻ, tính đến cuối tháng 9/2021, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ ước tính cao hơn con số 12% và cao hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 56% trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021.

Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng quý III/2021 có thể giảm 19% so với quý II do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng tăng...

Trong khi đó, báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI về 8 ngân hàng cho thấy, lợi nhuận quý III/2021 nhiều ngân hàng được dự báo tăng không đáng kể, hoặc giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, SSI dự báo Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng 0,3%; VietinBank đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong nhóm ngân hàng cổ phần, SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III/2021 của VPBank là 3.200 tỷ đồng, giảm 36% so với quý I và tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận quý III/2021 của VIB giảm 16% so với quý II…

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, kết quả kinh doanh quý III/2021 và diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa theo 2 yếu tố cơ bản. Một là, mức độ giảm lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về mặt này, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã và sẽ tiếp tục giảm lãi vay nên không quá bất ngờ nếu mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021 giảm mạnh so với 2 quý đầu năm. Hai là, mức độ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến ở mức 7,1 - 7,7%.

Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không có các thông tư trên, tỷ lệ nợ xấu chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều.

Do đó, các ngân hàng quản trị rủi ro kém và có tiền sử nợ xấu sẽ ít thu hút dòng tiền hơn, điều này dự kiến được phản ánh trong báo cáo kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý III và IV/2021.

Chọn cổ phiếu gửi “vàng”

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt thị trường và thúc đẩy đà tăng của các chỉ số chứng khoán trong nửa đầu năm 2021 nhờ sự bứt phá trong kết quả kinh doanh. Sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu “vua” trong quý III/2021 đang được xem là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy với giá thấp hơn từ 15 - 20% so với vùng đỉnh cuối tháng 6/2021.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung của thị trường trong 9 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong Top cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất, nổi bật trong số đó là SHB, MBB, TCB, STB..., tăng trên 50%; VPB tăng gấp đôi.

Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ phân hóa mạnh và khó tạo ra sóng tăng như nửa đầu năm. Ông Nguyễn Văn Bình, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc gần đây do thị trường kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế lớn đang được đề xuất, cộng với việc giá giảm tương đối mạnh trong quý III nên dòng tiền nhập cuộc.

Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng lúc này không dễ mang lại lợi nhuận và dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh. Nhà đầu tư sẽ ưu tiên những cổ phiếu có rủi ro thấp, trích lập dự phòng cao, thay vì lợi nhuận tăng trưởng mà ẩn sau đó là nhiều nợ xấu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ xác lập đáy trong quý III/2021 và tín dụng hồi phục trong quý IV/2021.

“Ngoài ra, với việc cho phép tăng “room” tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tôi cho rằng, nhóm ngân hàng sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Minh nói.

Tác động của đại dịch khiến nhu cầu tín dụng giảm do hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất cho vay khiến biên lãi ròng giảm, đồng thời nợ xấu tiềm tàng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngành ngân hàng.

Dù vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dần trở về mức định giá hấp dẫn hơn nên các ngân hàng có nền tảng quản trị và công nghệ tốt, tăng trưởng tín dụng cao, hoặc chủ động trích lập dự phòng tỷ lệ lớn sẽ thu hút dòng tiền. Ngược lại, những ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng, nợ xấu, nợ có vấn đề tăng mạnh sẽ gặp áp lực bán ra.

Để lựa chọn cơ hội đầu tư cổ phiếu ngân hàng, theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc chi nhánh Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB, nhà đầu tư có thể lựa chọn 1 trong 2 nhóm.

Nhóm 1 là ngân hàng tư nhân có quản trị tốt sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do cho vay cá nhân nhiều và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao thì biên lãi ròng sẽ ít bị tác động như Tecombank, MBBank.

Nhóm 2 là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu có giá giảm mạnh, bởi thông tin kém khả quan có thể đã phản ánh đầy đủ như mã CTG của VietinBank.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Quý III/2021, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng sẽ có sự phân hóa rõ nét theo 2 nhóm.

Nhóm 1 duy trì được đà tăng trưởng cao ở những chỉ tiêu chính như lợi nhuận, dư nợ huy động và cho vay, đồng thời nợ xấu được kiểm soát, dự kiến là TPBank, HDBank, SeABank, SHB, NVB, Kienlongbank... Trong đó, NCB và Kienlongbank có quy mô nhỏ, nền so sánh thấp, nên dễ ghi nhận lợi nhuận đột biến; Techcombank, ACB, SHB, TPBank, HDBank là những ngân hàng có chỉ số tài chính lành mạnh và tăng cường trích lập dự phòng từ trước đó.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của những ngân hàng này đã phản ánh triển vọng tích cực của kết quả kinh doanh quý III/2021 nên nhiều khả năng cần thời gian tích lũy để giá phản ánh chính xác giá trị.

Nhóm 2, doanh thu có thể tiếp tục tăng trưởng cao, nhưng lợi nhuận dự kiến giảm, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các đợt giãn cách kéo dài tại không ít địa phương. Ngoài ra, trước lời kêu gọi của cơ quan quản lý, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay từ tháng 7, chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, BIDV giảm lãi cho khách hàng 1.032 tỷ đồng, Vietcombank là 943 tỷ đồng, VietinBank là 857 tỷ đồng, đồng thời tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Điều này một phần đã phản ánh qua giá cổ phiếu giảm mạnh, nhất là các mã CTG, VCB, BID, góp phần đưa định giá dựa trên giá trị sổ sách (P/B) của khối ngân hàng về 2,08 lần từ mức đỉnh 2,65 lần đầu tháng 5. Tôi cho rằng, đây là mức định giá hợp lý cho ngành ngân hàng. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội tích lũy tài sản tại nhóm ngân hàng này và chờ cơ hội tăng trưởng tài sản khi khó khăn dịch bệnh đi qua.

Các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt, trích lập dự phòng lớn trong giai đoạn khó khăn sẽ an toàn và có động lực tăng trưởng. Ngành ngân hàng vẫn sẽ là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan