Năm 2020, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền
Nếu như năm 2018, ngành dịch vụ tài chính và bán lẻ được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất thì sang năm 2019, dầu khí và ngân hàng là hai ngành được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất, với giá trị mua ròng trên 2.000 tỷ đồng.
Đó là một trong những lý do mà CTCK SSI khi phát hành 5 mã chứng quyền mới đã chọn trong đó 3 mã dựa trên 3 cổ phiếu ngân hàng gồm TCB, VPB, HDB - những mã có tỷ trọng lớn trong các quỹ ETF nội địa đã và sắp niêm yết.
Khi dòng vốn ngoại chảy vào các quỹ ETF sẽ khiến nhu cầu mua cổ phiếu trong danh mục ETF tăng lên tương ứng, tác động tích cực tới thị giá những cổ phiếu này.
SSIAM - công ty con của SSI, mới đây đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng có tên Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD (SSIAM VNFIN LEAD ETF).
Quỹ này dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFIN LEAD).
Chỉ số VNFIN LEAD vận hành ngày 18/11/2019 với 14 cổ phiếu thành phần. Sau đó, HOSE đã loại VND và TPB ra, nên chỉ còn 12 mã.
Trong danh sách cổ phiếu thành phần chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng, chỉ có 2 mã cổ phiếu chứng khoán và 1 cổ phiếu bảo hiểm.
Trong bức tranh chung TTCK chìm trong sắc đỏ thì quan sát thị trường gần đây có thể thấy, nhiều mã ngân hàng đang bật xanh trở lại.
Nhiều ý kiến nhận định, sự ra đời của quỹ ETF đầu tiên dựa trên 3 bộ chỉ số mới là thông tin tích cực, góp phần tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Điểm kỳ vọng nhất là các quỹ ETF dạng mới sẽ thu hút thêm vốn ngoại, do được đầu tư vào những chỉ số nếu mua trực tiếp thì nhà đầu tư nước ngoài có thể gặp giới hạn về tỷ lệ sở hữu.
Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cũng vừa được cấp phép thành lập quỹ và sắp thực hiện các thủ tục để IPO/niêm yết Quỹ ETF VFMVN DIAMOND.
VFM cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 40% tổng danh mục chứng khoán cơ cấu của ETF VFMVN DIAMOND, sau đó đến các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, sản phẩm tiêu dùng và đa ngành.
Ở một diễn biến khác, CTCK Bản Việt (VCSC) mới phát hành chứng quyền đợt 2, tập trung nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, bán lẻ vì VCSC cho rằng, đây là những nhóm ngành duy trì tốc độ tăng trưởng kinh doanh tốt.
Cụ thể, VCSC dự kiến phát hành 1,5 triệu chứng quyền cho mã VPB. Năm 2019, doanh thu hợp nhất của VPB đạt 36.356 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2018.
Tăng trưởng tín dụng đạt đạt 17,6%, cao hơn so với tăng trưởng trung bình toàn hệ thống.
Báo cáo triển vọng ngành 2020 của BSC cho rằng, câu chuyện mới về sự ra đời của các quỹ ETF sẽ khiến các cổ phiếu có vốn hóa lớn có mức định giá hấp dẫn, thanh khoản tốt và có nhiều khả năng nhận được sự quan tâm hơn của dòng tiền.
Do đó, BSC kỳ vọng, nhóm vốn hóa lớn trong các ngành ngân hàng, bán lẻ và IT sẽ là nhóm duy trì được hiệu suất tốt so với VN-Index trong năm 2020.
Bên cạnh sự xuất hiện của các quỹ ETF mới, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng là bởi khối ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số (là một trong số ít ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao cùng với mặt bằng định giá còn thấp).
Đặc biệt, năm 2020 là năm hạn chót về lộ trình niêm yết của nhóm ngân hàng theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, nếu thực hiện đúng chỉ đạo trên, sẽ có 16 ngân hàng phải lên niêm yết hoặc chuyển từ sàn UPCoM sang sàn niêm yết trong năm nay.
Nhận diện các cổ phiếu tiềm năng
CTCK MB (MBS) đưa ra tiêu chí đánh giá ngân hàng tiềm năng gồm: có hệ sinh thái khách hàng lớn và bền vững cho phép việc huy động vốn có chi phí cạnh tranh, khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao, được định giá hợp lý và có các yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu như các thương vụ bán vốn hay hợp tác bancassurance.
Một số chỉ tiêu tài chính của các ngân hàng niêm yết 2019.
Công ty này khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cổ phiếu của các ngân hàng có nền tảng tốt, có khả năng năng trưởng và có mức định giá hợp lý như MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội, TCB của Ngân hàng Techcombank và VCB của Ngân hàng Ngoại thương.
SSI thì dự phóng, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng 22,5% trong năm 2020 nhờ sự phục hồi tại một số ngân hàng lớn và thu nhập từ kênh bancassurance, thu nhập từ phí.
Dự báo, các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất là VCB, BID, VPB, MBB, TCB.
Một cổ phiếu được nhắc đến khá nhiều từ cuối năm 2019 đến nay là CTG của Ngân hàng Công thương Việt Nam. CTG đã ưu tiên đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu còn tồn đọng.
Cụ thể, Ngân hàng đã trích lập 5.020 tỷ đồng chi phí dự phòng cho số dư trái phiếu VAMC trong năm 2019 (tương đương 37% dư gộp trái phiếu, so với 17% trong năm 2018), tăng 78,6%.
CTG cũng đã xóa 8.590 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn nhiều so với 255 tỷ đồng trong năm 2018. Năm 2020, nếu CTG xử lý xong việc tăng vốn thì sẽ rộng đường tăng trưởng tín dụng, theo đó là tăng trưởng hiệu quả kinh doanh.
Động lực tăng trưởng tín dụng cho năm 2020 là mảng cho vay cá nhân, đặc biệt tại các ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Các ngân hàng này hiện có cơ cấu cho vay bán lẻ tương đối thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân và vì thế dư địa phát triển mảng này còn rộng.
Cùng ngắm bức tranh tài chính của các ngân hàng qua các con số để không bỏ qua cơ hội đầu tư trên TTCK hiện hành (xem đồ thị).
Quy mô và tăng trưởng tổng tài sản.
Các chỉ số tài chính quan trọng
Tỷ trọng LNST của các nhóm ngành trên 3 sàn HOSE, HNX và Upcom trong năm 2019.
Tỷ trọng LNST của các nhóm ngành trên sàn HOSE trong năm 2019.
Mức sinh lời trên vốn điều lệ của các ngân hàng Việt Nam được đánh giá khá ấn tượng, trong khi không cần tăng tổng tài sản quá lớn.
Các ngân hàng chủ yếu tăng vốn nhằm tuân thủ quy định an toàn về tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Bên cạnh tình hình kinh doanh ổn định, các yếu tố vĩ mô như số liệu xuất khẩu tích cực cũng là yếu tố hỗ trợ với lĩnh vực ngân hàng.