Phố Wall đảo chiều tăng trở lại trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)
Sau phiên điều chỉnh trước đó, phố Wall phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần qua nhờ kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn vừa công bố có kết quả tốt như Bank of America, JPMorgan và Wells Fargo. Tuy nhiên, về cuối phiên, cổ phiếu Wal-Mart và nhóm tiêu dùng giảm mạnh sau báo cáo doanh số bán lẻ và doanh số bán lẻ lõi tăng ít hơn trong tháng 12/2016 - mùa mua sắm lớn nhất trong năm.
Trong khi đó, cổ phiếu Facebook tăng mạnh đã giúp Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới khi đóng cửa phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Dow Jones giảm 5,27 điểm (-0,03%), xuống 19.885,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,20 điểm (+0,18%), lên 2.274,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,63 điểm (+0,48%), lên 5.574,12 điểm.
Trong tuần qua, trong khi Dow Jones và S&P 500 đảo chiều giảm điểm, thì Nasdaq vẫn duy trì đà tăng và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,39%, S&P 500 giảm 0,10%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 0,96%.
Tương tự phố Wall, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giúp chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên cuối tuần, trong đó chỉ số FTSE 100 tại Anh thiết lập chuỗi tăng điểm kỷ lục 14 phiên liên tiếp và cũng thiết lập mức đóng cửa cao kỷ lục trong phiên cuối tuần.
Kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng Mỹ vừa công bố đã tạo động lực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu tăng mạnh trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,44 điểm (+0,62%), lên 7.337,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 108,14 điểm (+0,94%), lên 11.629,18 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 58,52 điểm (+1,2%), lên 4.922,49 điểm.
Với phiên khởi sắc cuối tuần đã giúp chứng khoán châu Âu có đảo ngược thế cờ để có tuần tăng thứ 6 liên tiếp và là tuần tăng thứ 9 trong 10 tuần giao dịch gần nhất. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 1,77%, chỉ số DAX tăng 0,26% và chỉ số CAC 40 tăng 0,26%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ sự lạc quan về triển vọng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại nhờ cổ phiếu năng lượng và nha phát triển công nghiệp nặng lớn thứ 2 Trung Quốc, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có ngày giảm thứ 4 liên tiếp do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Nikkie 225 tăng 152,58 điểm (+0,80%), lên 19.287,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 108,36 điểm (+0,47%), lên 22.937,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,96 điểm (-0,22%), xuống 3.112,33 điểm.
Dù phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên giảm điểm trước đó, chứng khoán Nhật Bản đã giảm trở lại trong tuần qua sau tuần hồi phục trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,86%, chỉ số Hang Seng tăng 1,93% và chỉ số Shanghai Compostie giảm 1,33%.
Lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra trong tuần sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, cùng với việc đồng USD tiếp tục giảm, giá vàng duy trì đà tăng trong phiên thứ Sáu. Tuy nhiên, một số người không tin tưởng vào đà tăng của giá vàng nên đã gia tăng áp lực chốt lời, khiến đà tăng của giá kim loại quý bị hãm lại.
Kết thúc phiên 13/1, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD (+0,16%), lên 1.196,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 2,5 USD (-0,21%), xuống 1.197,3 USD/ounce.
Giá vàng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp sau chuỗi 7 tuần liên tục giảm trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay tuần qua tăng 2,11% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 2,08%.
Với đà tăng tốt trong 2 tuần gần nhất, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng đà tăng của giá kim loại quý này sẽ tiếp tục được duy trì trong tuần này. Trước đó, trong cuộc thăm dò đầu năm, đa số nhà phân tích và nhà đầu tư dự báo giá vàng năm nay có thể lên ngưỡng 1.400 USD/ounce.
18 nhà môi giới và phân tích tham trả lời trong cuộc thăm dò lần này, trong đó có 11 người, tương đương 61% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn so với mức 75% của tuần trước, có 6 người có cái nhìn tiêu cực về giá vàng, chiếm 33% và chỉ 1 người dự báo giá vàng đi ngang, hoặc giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, tuần này chỉ có 495 người tham gia đã tham gia vào cuộc khảo sát trực tuyến, chưa bằng một nửa so với tuần trước. Trong đó, có 333 lượt người, chiếm 67% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn so với mức 54% của tuần trước; 117 người, chiếm 24% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 45 người, chiếm 9% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi nỗi lo về việc tuân thủ cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC và các nước sản xuất lớn khác, cũng như sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong phiên trước, việc Trung Quốc công bố nhập khẩu 8,6 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12 đã giúp giá dầu thô tăng tốt. Tuy nhiên, việc này cũng không khỏa lấp được sự lo lắng về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng là một trong hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, nên giá dầu quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 13/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,64 USD/thùng (-1,22%), xuống 52,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,56 USD (-1,01%), xuống 55,45 USD/thùng.
Những ngờ vực về việc các nước OPEC thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khiến giá dầu thô có tuần giảm mạnh, trong đó giá dầu thô Mỹ chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp, còn dầu thô Brent cũng chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 3% và giá dầu thô Brent giảm 2,89%.