Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong năm 2021 cùng với sự hồi phục của nền kinh tế.

Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong năm 2021 cùng với sự hồi phục của nền kinh tế.

Cổ phiếu ngân hàng: Chọn mặt gửi vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt tăng giá vừa qua đã đưa định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng từ mức rẻ lên mức hợp lý nên việc lựa chọn đầu tư thời gian tới đòi hỏi phải kỹ càng hơn.

Tầm nhìn dài hạn

Thời gian qua, dòng tiền từ 2 quỹ ETF dựa trên chỉ số Diamond và Finlead đã góp phần kích hoạt thị trường chung, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Sau đó, nhóm cổ phiếu này duy trì đà tăng chủ yếu là nhờ dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân gắn với các kỳ vọng ngắn hạn do có câu chuyện riêng.

Điều này tăng thêm sự chú ý của thị trường và nhiều nhà đầu tư “nhỡ tàu” bắt đầu tham gia. Các cổ phiếu có câu chuyện riêng, thu hút nhà đầu tư bao gồm STB, LPB, VIB. Một số mã khác như CTG, ACB cũng tăng giá mạnh.

Câu chuyện riêng ở đây là chuyển sàn, chuyển dịch cơ cấu cổ đông, tăng vốn, khả năng lọt vào các rổ chỉ số và cả các tin đồn.

Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, kỳ vọng cổ phiếu chuyển sàn sẽ lọt vào danh mục của 2 quỹ ETF mới nêu trên không thực tế trong ngắn hạn, bởi để được tham gia các kỳ tái cơ cấu của quỹ, cổ phiếu phải có thời gian niêm yết ít nhất 6 tháng.

Tính riêng yếu tố chuyển sàn, đây là yếu tố hỗ trợ giá cho nhiều cổ phiếu ngân hàng và một số mã như ACB, VIB, SHB, LPB có thể sớm lọt vào các rổ chỉ số, nhưng để lan toả từ quỹ ETF sang các dòng tiền chủ động khác thì không nhiều, vì phải “cạnh tranh” với các cổ phiếu ngân hàng khác đã niêm yết. Câu chuyện cơ bản vẫn sẽ là yếu tố quyết định.

Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, dựa trên dự báo lợi nhuận thận trọng, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch với P/B dự phóng là 1,36 lần cho năm 2020 và 1,19 lần cho năm 2021, tương ứng với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt là 16,2% và 15,8%.

Cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng lớn được giao dịch với P/E từ 0,8 - 1,1 lần cho năm 2021. Mức P/B này không cao so với quá khứ.

Theo Bloomberg, P/B dự phóng của các ngân hàng Thái Lan là 0,55 lần, Malaysia 0,8 lần, Philippines 0,51 lần, Ấn Độ 1,12 lần, Trung Quốc 0,65 lần.

Việc so sánh P/B của ngành ngân hàng Việt Nam với các quốc gia khác chỉ mang tính tương đối do có sự khác biệt về chuẩn mực kế toán cũng như các tiêu chuẩn về an toàn vốn.

Việt Nam mới bắt đầu áp dụng Basel II theo cách tiếp cận cơ bản, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng Basel III.

Bà Hà khuyến nghị, nhà đầu tư nên có cái nhìn dài hạn để đánh giá hợp lý hơn về giá trị của cổ phiếu. Trong bối cảnh hiện nay, những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro, nền tảng ngân hàng số tốt, cơ cấu thu nhập được đa dạng hóa có thể bứt tốc sau khi dịch Covid-19 kết thúc, mở rộng được thị phần và đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

Một số góc nhìn cụ thể

Trong hai tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 3,7% trong khi VN-Index tăng 0,8%. Theo bà Hà, nhiều mã có câu chuyện riêng xét về mặt cơ bản và nếu tận dụng tốt thì giá vẫn có dư địa tăng thêm.

Chẳng hạn, STB có chuyển biến tích cực về xử lý nợ xấu, LPB có lợi thế về mạng lưới và đã xử lý xong trái phiếu VAMC, VIB là ngân hàng số 1 về cho vay mua ô tô, hay ACB là một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu, có cơ hội tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu nhập từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lợi nhuận ròng của các ngân hàng sẽ phục hồi trong năm 2021 với các mức độ khác nhau.

Giá các cổ phiếu ngân hàng hiện tăng 32 - 85% so với mức thấp nhất trong quý I và dần quay lại mức cuối năm 2019.

Giá các cổ phiếu hiện tăng 32 - 85% so với mức thấp nhất trong quý I và dần quay lại mức cuối năm 2019. Giá cổ phiếu ngân hàng đang gần với giá trị hợp lý, do đó công ty này hạ mức khuyến nghị xuống “trung lập”.

Tuy nhiên, lựa chọn cổ phiếu ngân hàng của VNDIRECT là MBB và VIB, dựa vào chất lượng tài sản, triển vọng phục hồi và tiềm năng tăng giá. Cụ thể là chất lượng tài sản tốt hơn mong đợi và tăng trưởng lợi nhuận ròng ổn định.

Đánh giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hợp lý, ông Thành bày tỏ quan điểm, chọn cổ phiếu thời gian tới nên quan sát động thái của dòng tiền lớn, nhất là cổ phiếu còn dư địa để khối ngoại mua, chẳng hạn MSCI dự kiến trong tháng 11 tới sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index.

Ở góc độ này, nhà đầu tư có thể quan tâm tới VCB - cổ phiếu nằm trong Top cổ phiếu lớn. Còn ở nhóm giữa, cho kỳ hạn 3 - 6 tháng tới, TPB có khả năng lọt vào rổ VN30. Với cổ phiếu VPB là kỳ vọng bán tài sản. HDB có đối tác chiến lược và phát hành trái phiếu chuyển đổi…

Dài hạn hơn, ông Thành khuyến nghị xem xét TCB, lợi nhuận hàng năm lớn, lợi nhuận giữ lại bằng 75% vốn điều lệ, nếu ngân hàng này có kế hoạch trả cổ tức thì đủ khả năng trả đến 40 - 50%.

Hiện TCB cùng MBB có tiền gửi không kỳ hạn cao nhất hệ thống, cho phép ngân hàng duy trì chi phí vốn thấp hơn mặt bằng chung của ngành.

Ngoài ra, TCB có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất là 16,6%, nhưng cũng đồng nghĩa với phần vốn của Ngân hàng đang thừa, khiến hệ số ROE chưa thể bứt phá. Trong chiến lược 5 năm tới của ngân hàng này có kế hoạch cải thiện giá trị ngân hàng thông qua nâng mức vốn hóa.

Nợ xấu vẫn là mối quan ngại

Theo bà Hà, nợ xấu cũng như trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sẽ được thể hiện rõ hơn trên báo cáo tài chính của các ngân hàng trong thời gian tới, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều.

Do đó, SSI có góc nhìn khá thận trọng về triển vọng lợi nhuận cả ngành trong nửa cuối năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong năm 2021 cùng với sự hồi phục của nền kinh tế.

Việc cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nợ xấu cũng như chi phí trích lập dự phòng có khả năng sẽ được trải dài trong 2 - 3 năm và phụ thuộc vào khả năng hồi phục sau dịch của các doanh nghiệp.

VNDIRECT nhận định, chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021, vì nhiều khả năng phải cơ cấu lại các khoản cho vay giải ngân trước ngày 23/1/2020, lên đến 12 tháng, mà không cần phân loại lại thành nhóm cho vay rủi ro hơn.

Trong các ngân hàng mà Công ty theo dõi, VCB, ACB và MBB ghi nhận chất lượng tài sản tốt và dự phòng cao, do đó có vị thế tốt hơn để giải quyết các khoản nợ xấu. Với TCB, Ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm.

VIB và LPB được kỳ vọng sẽ tăng trích lập dự phòng và tỷ lệ xóa nợ trong những tháng tới để giảm tỷ lệ nợ xấu và cải thiện tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR).

Tin bài liên quan