Nhờ cái bóng quá lớn của Vinamilk, cổ phiếu MCM được thơm lây. Ảnh: Dũng Minh.

Nhờ cái bóng quá lớn của Vinamilk, cổ phiếu MCM được thơm lây. Ảnh: Dũng Minh.

Cổ phiếu mới lên sàn, không phải cứ mua là thắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin lên sàn, chuyển sàn đã giúp nhiều cổ phiếu được săn lùng, nhưng không phải với trường hợp nào cũng có “sóng chào sàn” như kỳ vọng.

Khan hàng, kỳ vọng đẩy giá MCM

Không ngoài dự đoán, ngay khi chào sàn, cổ phiếu MCM của Mộc Châu Milk đã tăng kịch trần 40%, lên 42.000 đồng/cổ phiếu.

Lệnh mua dồn dập khiến MCM dư mua ngay từ những phút đầu giao dịch hơn 7 triệu đơn vị ở giá trần mà không có lệnh bán đối ứng. Kết phiên, chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh.

Các phiên sau đó, thị giá lên mức 55.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu vẫn trong tình trạng cháy hàng.

Thực tế, các nhà đầu tư đã săn lùng cổ phiếu này từ trước khi lên sàn. Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, không ít nhóm nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu MCM trên sàn OTC quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu. Vị thế mua trở nên quyết liệt hơn khi nắm được thông tin về ngày đăng ký giao dịch của MCM trên UPCoM.

Diễn biến này không quá khó hiểu. Nhờ cái “bóng” của Vinamilk quá lớn, MCM cũng được “thơm lây”, nhất là khi bà Mai Kiều Liên đã trực tiếp dẫn dắt MCM. Nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ sớm đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội trong tương lai.

Trong cơ cấu cổ đông của MCM hiện tại, Vilico là công ty mẹ sở hữu 51% cổ phần. Trong khi đó, GTNfoods sở hữu gần 74% vốn Vilico, còn Vinamilk đang sở hữu 75,3% cổ phần GTNfoods. Tại thời điểm 30/9/2020, tỷ lệ sở hữu gián tiếp của Vinamilk tại Mộc Châu Milk là 28,61%.

Kết quả kinh doanh của MCM giai đoạn 2017 - 2019 không quá nổi bật, doanh thu nhích qua các năm, từ 2.460 - 2.560 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận lại có chiều hướng đi xuống, từ 217 tỷ đồng năm 2017, giảm về 181 tỷ đồng năm 2018 và còn 167 tỷ đồng năm 2019.

Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 năm về với Vinamilk, kết quả kinh doanh của MCM cải thiện khá rõ rệt. Quý III/2020, Công ty ghi nhận doanh thu 774,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 13,7% và 113% so với cùng kỳ.

Biên lãi gộp đạt 35%, trong khi cùng kỳ là 16%, nhờ áp dụng những quy trình mới theo kinh nghiệm sẵn có của Vinamilk. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Công ty đạt 2.141 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 208 tỷ đồng, lần lượt đạt 73,7% và 132% kế hoạch cả năm.

Tại lễ chào sàn UPCoM, ông Phạm Hải Nam, Tổng giám đốc MCM cho biết, chỉ trong gần một năm với sự tham gia của Vinamilk, Mộc Châu Milk ngày càng hoàn thiện với các mô hình tiên tiến về quản trị công ty, thực hành theo các thông lệ của Việt Nam và quốc tế. Điều này đi kèm với các con số tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cho thấy, kỳ vọng của nhà đầu tư là có cơ sở.

Dẫu vậy, thị giá chứng khoán lại không đơn giản chỉ phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh, mà còn chịu ảnh hưởng của yếu tố cung - cầu trên thị trường, khẩu vị nhà đầu tư, các vấn đề nội tại khác của doanh nghiệp.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn chỉ số định giá P/E, với mức giá như trên, P/E của MCM đang ở mức 22,21 lần, P/B ở mức hơn 4 lần, còn P/E của VNM cũng chỉ đang ở mức 20,66 lần, P/B hơn 7,2 lần. Trong khi đó, để MCM có thể lớn mạnh và tăng trưởng được như VNM, có lẽ thời gian phải tính bằng nhiều năm.

Thực tế cũng cho thấy, yếu tố cơ bản được cải thiện và được dẫn dắt bởi “ông lớn” Vinamilk là nền tảng tốt cho giá cổ phiếu MCM, nhưng chất xúc tác đẩy MCM tăng mạnh lại đến từ yếu tố khan hàng và kỳ vọng từ việc tiếp tục tăng sở hữu cả trực tiếp và gián tiếp của Vinamilk tại MCM.

Đà tăng dài hạn phải tới từ yếu tố cơ bản

Từ MCM, nhìn lại những đợt chuyển sàn, niêm yết của nhiều cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, có thể thấy, đà tăng giá của cổ phiếu chủ yếu đi theo những câu chuyện ngắn hạn, thậm chí không có tác động cụ thể về mặt cơ bản của hoạt động ngân hàng. Những cổ phiếu này đa phần sau khi niêm yết không đạt được kỳ vọng tăng giá của nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, thị giá của cổ phiếu LPB là 12.400 đồng, giảm nhẹ so với mức giá chốt trong ngày cuối trên UPCoM.

Cổ phiếu LPB (của Ngân hàng LienVietPostBank) là một ví dụ. Cổ phiếu này có mức tăng ấn tượng trên 71% tính từ đầu năm đến khi chuyển sàn, khối lượng giao dịch càng gần ngày chuyển sàn càng tăng vọt.

Tuy nhiên, sau khi niêm yết trên HOSE, đà tăng của cổ phiếu chậm lại, thậm chí các phiên liền sau đó điều chỉnh giảm hoặc đi ngang. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, thị giá LPB là 12.400 đồng, giảm nhẹ so với mức giá chốt trong ngày cuối trên UPCoM (12.500 đồng/cổ phiếu).

Diễn biến tương tự với cổ phiếu VIB, niêm yết sau LPB một ngày. Từ mức tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 32.300 đồng/cổ phiếu, chỉ sau hơn 1 tuần, giá cổ phiếu giảm tới 12,38%, về 28.300 đồng/cổ phiếu. Trước đó, VIB đã tăng gần 90% từ đầu năm đến gần thời điểm chuyển sàn.

Theo nhận định của một số chuyên gia theo dõi mảng ngân hàng, đây là những “game” ngắn hạn.

Bản thân các ngân hàng đều có những lợi thế cạnh tranh, nhưng để cải thiện hiệu quả kinh doanh và phản ánh vào giá như hiện nay, cần nỗ lực và thêm nhiều thời gian. Yếu tố quyết định giá trị cổ phiếu vẫn luôn đến từ “sức khỏe” nội tại và hiệu quả hoạt động của chính ngân hàng. Sau khi đã tăng mạnh, giá cổ phiếu sẽ dần dần quay lại phản ánh tình hình kinh doanh của ngân hàng.

Chẳng hạn, với LPB, khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) còn thấp so với nhiều ngân hàng khác, nên cũng cần thời gian để cải thiện. Hoặc, VIB là ngân hàng có ROE thuộc hàng cao nhất thị trường với 26%, nhưng để tạo ra ROE cao hơn lại là câu chuyện khá thách thức, khi mà các chỉ số về NIM, thu nhập phí… đều đang ở mức “đẹp nhất”.

Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán cho biết, VIB muốn duy trì được ROE thì phải tăng trưởng mạnh như các năm trước, tức cần phải tăng được vốn, vì hiện tại, an toàn vốn của VIB khá mỏng.

Kể cả tăng trưởng được nguồn vốn thì việc đẩy mạnh tăng trưởng tài sản trong các năm tiếp theo so với năm trước cũng không dễ, vì các mảng VIB muốn mở rộng các ngân hàng khác cũng đã tham gia, khiến mức độ cạnh tranh khá gay gắt.

Ngược lại, với ACB, thị giá cổ phiếu đã tăng mạnh trước câu chuyện chuyển sàn nhưng vẫn được đánh giá có thể tăng thêm một giai đoạn nữa. Cơ sở của nhận định này dựa trên điểm an toàn của ACB là ngân hàng không tăng trưởng quá nhanh, trong khi hiệu quả sử dụng vốn tốt và Ban lãnh đạo đặt ra mục tiêu giữ được mức ROE này.

Một điểm cộng cho ACB, là với quy mô vốn hóa lớn, có thể được xem xét vào các rổ chỉ số, thu hút được dòng tiền của các quỹ đầu tư.

Trước đó, SGB giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu. Khác với sóng cổ phiếu ngành ngân hàng hiện tại, ngay phiên chào sàn, SGB giảm kịch biên độ (- 40%) về còn 15.500 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên. Hiện giá cổ phiếu SGB vẫn đang ở vùng 14.600 đồng/cổ phiếu.

Nhìn lại tình hình kinh doanh của SGB, có lẽ cũng lý giải được phần nào diễn biến này. Đây là ngân hàng có lợi nhuận kém tích cực so với nhóm ngân hàng cùng quy mô như VietAbank, Vietbank, NamAbank…

Mức giá chào sàn của SGB cũng lớn hơn thị giá (cùng khoảng thời gian trong tháng 10) của các ngân hàng Top trên như HDB (hơn 24.000 đồng/cổ phiếu), TCB (hơn 22.000 đồng/cổ phiếu), ACB (gần 25.000 đồng/cổ phiếu)…

Trong tuần qua, cổ phiếu MSB cũng chính thức chào sàn HOSE với giá tham chiếu phiên đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đang có mức tăng giá 2.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 13,33%.

Không thể không nhắc đến điểm rất thuận lợi cho các cổ phiếu chuyển sàn, niêm yết mới hiện nay là dòng tiền đang rất dồi dào, trong khi lượng cung hàng trên thị trường lại có tốc độ tăng không đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư của giới đầu tư. Chính nhờ dòng tiền mạnh mẽ này, mà hầu như trong quý IV vừa qua, nhiều cổ phiếu chỉ cần có thông tin tốt là đã có thể thu hút ngay dòng tiền.

Nhưng, tốc độ luân chuyển của dòng tiền cũng rất nhanh, tùy thuộc vào yếu tố cơ bản và câu chuyện của cổ phiếu đó có đủ mạnh để giữ chân dòng tiền hay không.

Tin bài liên quan