Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng

Cổ phiếu MBB: Vững vàng như thương hiệu

(ĐTCK) Tháng 6/2014, khi TTCK Việt Nam chao đảo do tâm lý bất an của nhà đầu tư trước những căng thẳng trên biển Đông thì trong một phát biểu trước ngày sang Việt Nam nói chuyện về các TTCK mới nổi, nhà tư vấn huyền thoại TS. Marc Faber đã nói rằng, tại TTCK Việt Nam, ông rất thích 2 DN là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

“Độ bền” của cổ phiếu MBB

Sở dĩ MB là một trong hai DN nhận được sự chú ý của TS. Marc Faber là bởi theo ông, đây là DN có sự phát triển ổn định, khả năng tăng trưởng vững vàng ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhận xét ngắn gọn của TS. Marc Faber dường như đã thu gọn hình ảnh của cổ phiếu MBB trên sàn: ổn định, vững chắc, không tăng giá quá đà, nhưng không giảm quá đà, một loại cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, dành cho nhà đầu tư giá trị và dài hạn.

Chính thức niêm yết trên TTCK vào ngày 1/11/2011 ở giá khởi điểm 13.800 đồng/CP, trải qua 3 lần trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 lần bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông chiến lược và 3 lần chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu MBB hiện giao dịch quanh mức giá 13.000 đồng/CP trong bối cảnh TTCK đang giảm khá mạnh, do tác động của giá dầu rơi tự do trên thị trường thế giới. So với các cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE, MBB nổi bật ở sự vững giá, luôn được đánh giá cao và nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư giá trị, bởi tính thanh khoản, P/E, lợi tức, ROA, ROE, EPS... đều ở mức tốt hơn mặt bằng chung thị trường.

Theo thống kê của ĐTCK, kể từ ngày chào sàn đến nay, trong số 9 mã cổ phiếu trong ngành ngân hàng niêm yết trên cả 2 sàn, MBB là mã có giá vững nhất. 1 năm trở lại đây, cổ phiếu MBB trải qua những lần chia cổ tức và chào bán cổ phiếu, nhưng vẫn duy trì mức giá ổn định, thanh khoản trung bình thuộc loại tốt nhất trong khối cổ phiếu ngành ngân hàng với khoảng 1 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên. Đặc biệt, trong 2 tháng trở lại đây, trong khi VN-Index giảm gần 15% với hàng loạt mã lớn giảm giá mạnh do ảnh hưởng của giá dầu và hoạt động giải chấp, thì cổ phiếu MBB chỉ giảm nhẹ và luôn giữ mức giá dao dịch quanh 13.000 đồng/CP.

Về hiệu quả kinh doanh, trong 3 quý đầu năm 2014, MBB đạt lợi nhuận sau thuế 1.942,5 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm, tỷ lệ hoàn thành cao nhất trong số 6 ngân hàng cùng niêm yết trên HOSE. Hiện chưa có kết quả kinh doanh quý IV, nhưng thông tin cập nhật về hoạt động của MB được TS. Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ tại Lễ ký kết hợp tác triển khai sản phẩm bankplus giữa MB và Viettel mới đây cho biết, 10 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng đạt 2.450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính đến 31/10/2014, tổng huy động vốn đạt khoảng 165.000 tỷ đồng; cho vay đạt hơn 92.000 tỷ đồng; tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 192.000 tỷ đồng và nợ xấu được kiểm soát ở mức 3%. Ngân hàng có hệ thống 210 điểm giao dịch, 66 chi nhánh tại 44 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, hai chi nhánh tại Lào và Campuchia hoạt động tốt, không chỉ đóng góp vào kết quả chung của Ngân hàng, mà còn là điểm tựa để MB phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại ở cả 2 thị trường này, trong mối quan hệ hợp tác chiến lược với Viettel để phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng công nghệ viễn thông của Viettel.

MBB hiện có EPS cơ bản là 2.022 đồng, cao hơn nhiều so với các ngân hàng niêm yết khác, trừ Sacombank, hiện ghi nhận EPS là 2.144 đồng. “Thực tế này chứng tỏ hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của MB thuộc loại tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay”, CTCK Bảo Việt (BVSC) đã đánh giá như vậy khi phân tích về cổ phiếu MBB trong báo cáo hồi tháng 6/2014. Theo BVSC, so với mặt bằng chung các ngân hàng niêm yết, MB nổi bật ở sự phát triển ổn định và hiệu quả kinh doanh tính trên đồng vốn ngày càng cao.

Về vấn đề nợ xấu, BVSC cho rằng, MB có quan điểm thận trọng trong việc phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu thể hiện qua tỷ lệ NPL, LLC và tài sản thế chấp/dư nợ tín dụng đều ở mức tốt so với bình quân ngành. Về cơ hội đầu tư, hiện cổ phiếu MBB có P/E 6,3 lần và P/B 0,9 lần, thuộc loại thấp nhất trong 9 ngân hàng đang niêm yết trên TTCK Việt Nam, trong khi đó, lợi tức cổ phiếu MBB đạt 6,3%, cao hơn trung bình toàn ngành. Vì vậy, không riêng BVSC, nhiều công ty chứng khoán đánh giá, MBB là cổ phiếu tốt cho các nhà đầu tư giá trị.

Cổ phiếu MBB: Vững vàng như thương hiệu ảnh 1

Nền tảng vững vàng

Tháng 11/2014, MB tròn 20 năm hoạt động. Sau 20 năm, từ một ngân hàng quy mô vốn 20 tỷ đồng, MB đã trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, phát triển an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu Top 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính đa năng.

Trải qua giai đoạn 2009 - 2013, nền kinh tế Việt Nam gặp không ít thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hệ thống ngân hàng đối mặt với những khó khăn chưa từng có, nhưng MB vẫn đạt được những kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, giai đoạn này, tổng tài sản của MB tăng 34%/năm; vốn chủ sở hữu tăng 28,87%/năm; tín dụng tăng 43,57%/năm, chất lượng tín dụng được đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức dưới 2,5%; lợi nhuận tăng bình quân 31,42%/năm; tỷ lệ cổ tức đảm bảo ở mức trung bình 12 - 15%, đặc biệt trong năm 2012, tỷ lệ chi trả cổ tức của MB là 17% bằng tiền mặt... Tính riêng hai năm 2012 và 2013 - những năm đặc biệt khó khăn với ngành ngân hàng - MB vẫn duy trì tốc độ phát triển và kết quả kinh doanh ổn định. Quy mô hoạt động liên tục được mở rộng, thành lập thêm nhiều chi nhánh mới, đưa số lượng nhân sự tăng 126%. Năng suất lao động cũng không ngừng tăng qua các năm nhờ hoạt động ứng dụng công nghệ trong quy trình nghiệp vụ, trong tác nghiệp giữa các phòng, ban, bộ phận và công tác đào tạo được đẩy mạnh trong Ngân hàng. Đời sống người lao động được giữ ổn định và nâng cao.

Tính chung trong suốt 20 năm, số lượng nhân sự của MB đã tăng gấp 280 lần, từ 25 nhân sự ngày đầu thành lập lên gần 7.000 nhân sự vào tháng 9/2014. Sự phát triển vượt bậc và vững vàng của MB đã tạo nên một ngân hàng mang thương hiệu Quân đội, tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động và góp sức vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Như đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình tại Lễ kỷ niệm 20 năm MB, thì "MB đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiệm cận theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho”.

6 tháng sau ngày chào sàn, cổ phiếu MBB có tên trong nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất Sở GDCK TP. HCM. Quyết tâm lên sàn trong một năm mà nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn (năm 2011) của MBB đã được lãnh đạo ngành chứng khoán ghi nhận. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng từng phát biểu rằng, quyết tâm lên sàn của MBB là minh chứng cho sự minh bạch, sự dũng cảm, nơi mà HĐQT, Ban lãnh đạo thực sự vì quyền lợi của cổ đông và sự phát triển bền vững của Ngân hàng.

Trên nền tảng một ngân hàng vững vàng, cổ phiếu MBB trên TTCK mang đến cơ hội đầu tư an toàn cho nhà đầu tư chứng khoán. Chia sẻ với ĐTCK, bác Bùi Quang, người nắm cổ phiếu MBB từ 8 năm nay nói, bác theo dõi cổ phiếu này hàng ngày, nhưng chưa bao giờ muốn bán, vì dòng thu nhập từ cổ phiếu này qua các năm rất ổn định. Trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ lớn trên thị trường, cổ phiếu MBB nằm trong nhóm ưu tiên mua và nắm giữ, để giúp các quỹ đạt được sự ổn định về thu nhập, bên cạnh các hoạt động đầu tư vào cổ phiếu “nóng”, có thể lãi cao, nhưng rủi ro cũng cao tương ứng.

Tin bài liên quan