“Sóng” đầu tư công trở lại
Sau khi chạm đáy vào ngày 19/7/2021, thị trường chứng khoán đã có nhịp hồi phục khá tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Giá trị giao dịch nhiều phiên đạt mức quanh 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng), trong đó, dòng tiền tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách đầu tư công của Chính phủ.
Sức hút của nhóm cổ phiếu này dựa trên kỳ vọng của giới đầu tư rằng, kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh và Chính phủ sẽ sớm thúc đẩy giải ngân đầu tư công để từ đó kéo những ngành khác cùng hồi phục.
Theo số liệu của SSI Research, 7 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công đạt 7,3 tỷ USD, bằng 36,7% kế hoạch giải ngân năm 2021 và thấp hơn cùng kỳ 40,67%. Chính phủ đặt mục tiêu năm nay sẽ giải ngân được 80 - 85% kế hoạch năm, tập trung vào những tháng còn lại của năm.
Thống kê của Đầu tư Chứng khoán với nhóm 11 cổ phiếu có độ nhạy cao nhất với sóng đầu tư công cho thấy, trung bình trong khoảng thời gian từ 19/7/2021 đến 1/9/2021, nhóm này đã đạt mức tăng bình quân 46,8%, vượt trội so với mức tăng của chỉ số VN30 là 3,8%, chỉ số VN-Index là 7,3%.
Trong những phiên giao dịch gần đây, khi có nhiều tín hiệu Chính phủ sẽ mở cửa trở lại nền kinh tế và chứng kiến thị trường chứng khoán khu vực khởi sắc khi Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines… rục rịch mở cửa, các nhà đầu tư trong nước đã gom mạnh các cổ phiếu thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công - lĩnh vực được cho là sẽ hồi phục sớm nhất trong giai đoạn tới.
Quay trở lại thời điểm 6 tháng cuối năm 2020, sau khi Chính phủ từng bước mở cửa lại nền kinh tế sau một đợt giãn cách, các nhà đầu khi đó cũng tập trung vào nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách đầu tư công và tạo nên một nhịp tăng mạnh từ tháng 11/2020 đến đầu tháng 1/2021. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả doanh nghiệp trong nhóm đều có kết quả kinh doanh cải thiện. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn suy giảm hiệu quả kinh doanh.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2020, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (mã HT1) báo lãi 471,6 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Hay Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (mã KSB) báo lãi 198,2 tỷ đồng, giảm 27,2%; Tổng công ty Hoá dầu Petrolimex – CTCP (mã PLC) suy giảm 23,4% lợi nhuận so với cùng kỳ, ghi nhận 94,1 tỷ đồng...
Tuy nhiên, sau đó, các cổ phiếu nhóm này nhanh chóng quay đầu giảm mạnh từ cuối tháng 1/2021 khi nhiều nhà đầu tư nhận ra nhóm công ty không được hưởng lợi như kỳ vọng. Kể từ đầu năm tới nay, trong khi nhiều nhóm ngành như chứng khoán, vận tải, hóa chất, phân bón, cảng biển… liên tục tăng điểm mạnh thì nhóm đầu tư công lại không thu hút dòng tiền. Nhóm này chỉ tăng nóng trở lại trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.
Giá cổ phiếu sẽ phân hóa theo kết quả kinh doanh
Sáu tháng đầu năm 2021, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành thép, nhìn chung bức tranh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành vật liệu xây dựng có dấu hiệu giảm xuống và chỉ còn tăng trưởng trung bình 12,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 22,6% trong 6 tháng cuối năm 2020.
Trong đó, lợi nhuận một số doanh nghiệp ngành đá như Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (mã KSB), Công ty cổ phần Hoá An (mã DHA), Công ty cổ phần CIC39 (C32) giảm mạnh.
Nhóm doanh nghiệp xây dựng, như Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã C4G), Tổng công ty 36 – CTCP (mã G36), Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (mã PC1) cũng tăng trưởng chậm lại.
Hai quý cuối năm, thách thức sẽ tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là khi giá vật liệu xây dựng vẫn “nhảy múa”.
Hai quý cuối năm, thách thức sẽ tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là khi giá vật liệu xây dựng vẫn “nhảy múa”. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án chưa được đẩy nhanh, còn nhiều khúc mắc và chậm quyết toán công trình.
Mới đây, C4G đã có văn bản gửi Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Trong văn bản này, C4G đề nghị một loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây lắp như được giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, C4G cũng xin xem xét việc giảm tiền thuê đất phải nộp cho năm 2021 và năm dịch bệnh tiếp theo; gia hạn thời hạn nộp tiền thuế đất phải nộp cho năm 2021 - 2022. Công ty cũng đề xuất gia hạn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tổng công ty cổ phần Vinaconex (mã VCG) cũng phản ánh gặp nhiều rủi ro khi lập giá dự thầu do không lường trước được các ảnh hưởng của dịch bệnh tới giá chào thầu. VCG đề xuất các chủ đầu tư điều chỉnh lại dự toán và giá gói thầu, bổ sung chi phí phát sinh, cập nhật giá vật liệu, nhân công theo thị trường.
Thực tế, khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, không phải thực hiện đồng bộ mà một số dự án trọng điểm sẽ được đẩy mạnh triển khai như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam …
Chính vì vậy, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công có thể sẽ phân hoá mạnh trong giai đoạn tới khi vốn đầu tư công được giải ngân vào từng dự án cụ thể và bức tranh các doanh nghiệp được hưởng lợi rõ ràng hơn, thay vì sự tăng giá đồng loạt như hiện nay.