Nhiều nhà băng đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2014

Nhiều nhà băng đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2014

Cổ phiếu giảm, nhiều ngân hàng vẫn gọi vốn thành công

(ĐTCK) Dù chưa có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu ngân hàng khi hoạt động của ngành còn khó khăn nhất định, nhưng nhiều nhà băng cho biết đã và đang huy động vốn thành công từ các cổ đông hiện hữu.

Cổ đông vẫn quan tâm đến cổ phiếu “vua”

Sau nhiều năm lỡ hẹn với kế hoạch tăng vốn, cuối năm 2014, NamA Bank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn của NamA Bank được ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, NamA Bank phát hành huy động 500 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu và theo ông Tâm, đến thời điểm này, tiến độ góp vốn rất tốt nên Ngân hàng đang tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2.

“Với các cổ đông đã gắn bó với NamA Bank lâu nay, chúng tôi tin rằng, họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng”, ông Tâm khẳng định.

Cũng theo ông Tâm, NamA Bank nỗ lực hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng trước hoặc ngay sau ĐHCĐ vào cuối tháng 3 này. Sau đó, Ngân hàng sẽ hoàn tất các thủ tục còn lại để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM.

Trước đây, NamA Bank từng có ý định “gọi” vốn ngoại trong kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Nhưng lãnh đạo Nam A Bank cho biết, từ thực tế triển khai cho thấy, các cổ đông vẫn có ý định gắn kết lâu dài với Ngân hàng. Vì thế, trong kế hoạch tăng vốn lần này, Nam A Bank chỉ huy động vốn từ cổ đông hiện hữu.

Với SCB, sau đợt tăng vốn thêm gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2013, đến đầu năm nay, Ngân hàng lại tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát hành thêm 2.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên trên 14.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, việc SCB tích cực, nỗ lực giảm nợ xấu về dưới ngưỡng an toàn 3% trong bối cảnh thị trường khó khăn đã tạo được niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên ĐTCK, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng cho hay, Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn đợt 1 từ 3.234 tỷ đồng lên 3.547 tỷ đồng vào cuối năm qua từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng đang cân nhắc triển khai kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2 lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay.

Dự kiến, OCB sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên trong tháng 4/2015. Kết thúc năm tài chính 2014, OCB vượt kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh. Cụ thể, tổng tài sản đạt 39.146 tỷ đồng, tăng 19,37% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng dư nợ tín dụng đạt 24.528 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch; nợ xấu kiểm soát ở mức 2,85%, giảm 0,07% so với 2013; lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, OCB tự tin với kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. 

Ngoài các nhà băng trên, trong năm qua, một số nhà băng khác đã hoàn tất kế hoạch nâng vốn điều lệ được NHNN chấp thuận như MB, VPBank… 

Kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận sau tái cấu trúc

Tuy vẫn có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn ngành đang đẩy mạnh tái cơ cấu và làn sóng M&A nóng dần, nhưng lãnh đạo các nhà băng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao tiềm lực tài chính, sức cạnh tranh. Chẳng hạn, tại SCB, lãnh đạo nhà băng này cho biết, sẽ tiếp tục nâng tiềm lực tài chính. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một phần trong kế hoạch kinh doanh của SCB.

“Một khi quy mô của SCB được củng cố và phát triển mạnh thì cơ hội để thu hút vốn ngoại sẽ tốt hơn nhiều. Giá cổ phiếu của SCB cũng sẽ được cải thiện khi Ngân hàng hoàn tất đề án tái cơ cấu”, ông Văn nhấn mạnh.

Trong khi đó, với NamA Bank, không chỉ triển khai kế hoạch tăng vốn, lên sàn mà nhà băng này còn chủ động tìm kiếm đối tác để sáp nhập, hợp nhất, nhằm nâng cao tiềm lực trước bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Còn với OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, OCB cũng sẽ không dừng lại ở mức vốn 4.000 tỷ đồng. Nhưng thời điểm tăng vốn sẽ được cân nhắc kỹ.

Trên thực tế, kế hoạch tăng vốn của không ít ngân hàng dù được ĐHCĐ thông qua từ lâu nhưng không thể triển khai được. Đơn cử như VietA Bank, kế hoạch nâng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng được xây dựng từ đầu năm 2012 và tiếp tục được thông qua tại ĐHCĐ năm 2013, năm 2014, nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn giậm chân tại chỗ.

Hay OceanBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ năm 2013 từ 4.000 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng. Cụ thể, OceanBank sẽ phát hành 135 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất là 10.000 đồng/CP; trong đó, chào bán cho cổ đông hiện hữu 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 4:1 và chào bán cho đối tác chiến lược 35 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này khó có thể thực hiện được trong tình cảnh hiện nay.

Đáng chú ý hơn, DongA Bank phải trả lại tiền cho nhà đầu tư khi chỉ có 50% cổ đông hiện hữu góp vốn trong đợt huy động 1.000 tỷ đồng nâng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng mới đây. Hiện DongA Bank vẫn chưa tái triển khai kế hoạch này.

Nhận định được đưa ra từ một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, hiện ngành ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, trong ngắn hạn, doanh thu và lợi nhuận của ngành ngân hàng không mấy khả quan. Vì thế, khó kỳ vọng giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn.

“Nếu quá trình tái cơ cấu của ngành sớm thành công, qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư”, vị chuyên gia trên nói.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ - quốc gia, việc tăng năng lực tài chính là cần thiết với các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường hiện nay, không phải kế hoạch tăng vốn nào của các nhà băng cũng được xem xét thông qua, nhất là ở những ngân hàng quy mô nhỏ.

Tin bài liên quan