Cổ phiếu đồ uống phân hóa

Cổ phiếu đồ uống phân hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong quý I, các doanh nghiệp ngành đồ uống đã tận dụng thời cơ, đẩy mạnh hoạt động giúp kết quả kinh doanh ghi nhận khởi sắc. Tuy nhiên, cổ phiếu đồ uống vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong thời gian tới.

Bức tranh ngược của cổ phiếu đồ uống

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập, ăn uống nơi công cộng. Do đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành đồ uống trong tháng 5 giảm 0,5% so với tháng trước, tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020 (do IIP 5 tháng đầu năm 2020 giảm 14,6%), sản lượng bia các loại 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1.714,1 triệu lít, tăng 11,7% (5 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5%).

Với các doanh nghiệp cụ thể, kết thúc quý I, kết quả kinh doanh của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (mã SAB) có bước cải thiện vượt bậc. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 5.861 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 986,3 tỷ đồng, tăng 38%.

Tại ĐHĐCĐ năm 2021, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 33.491 tỷ đồng doanh thu thuần và 5.289 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu so với mục tiêu trên, Sabeco đã hoàn thành 17,5% kế hoạch doanh thu và 18,6% kế hoạch lợi nhuận.

Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, Công ty đang cố gắng tăng giá bán sản phẩm, do đó ảnh hưởng tích cực đến biên lãi gộp. Quý I vừa qua, biên lãi gộp của Sabeco đạt 29,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái mức biên đạt 27,6%.

Trong khi đó, không nằm ngoài mong đợi, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội Habeco (mã BHN) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.376 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế gần 47,6 tỷ đồng, trong khi một năm trước là khoản lỗ xấp xỉ 98,3 tỷ đồng.

Với mục tiêu mang về gần 5.392 tỷ đồng doanh thu thuần và 255 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, Habeco đã hoàn thành lần lượt 25,5% và 19% kế hoạch năm. Dù cổ đông đánh giá đây là kế hoạch khá thận trọng, song Công ty khẳng định, kế hoạch xây dựng có tính dự phòng và đảm bảo tính khả thi trong trường hợp dịch tái bùng phát tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh khởi sắc, từ đầu năm nay, hai cổ phiếu vua ngành bia vẫn bị nhà đầu tư “ngó lơ”. Ngay cả khi nắng nóng kỷ lục là thời điểm thuận lợi để cổ phiếu đổi vận, song thực tế khó để thấy có một sự bứt phá tích cực.

Cổ phiếu SAB ghi nhận giảm 14,1% từ 199.400 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 4/1) xuống còn 171.200 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 18/6). Trả lời chất vấn của cổ đông về sự sụt giảm của cổ phiếu, ông Bennet cho biết, với ban điều hành, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Công ty cũng đang đánh giá một số phương án cải tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu.

Còn với BHN, sau giai đoạn tăng mạnh tháng 12/2020 và những phiên đầu tháng 1/2021 đã đảo chiều giảm trở lại. Chốt phiên 18/6, giá cổ phiếu BHN đứng ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu, giảm 13,2% so với đầu năm và giảm 23,4% so với mức đỉnh thiết lập ngày 8/1 (83.500 đồng/cổ phiếu).

Không chỉ với Công ty mẹ, cổ phiếu các công ty con của SAB và BHN cũng có diễn biến tương tự. Chẳng hạn, mã HAT của CTCP Thương mại Bia Hà Nội giảm 17,4%; mã BBM của CTCP Bia Hà Nội - Nam Định giảm 17,3%; mã BSH của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội giảm 25%...

Cổ phiếu đồ uống còn nhiều thách thức.

Cổ phiếu đồ uống còn nhiều thách thức.

Ngược lại với cổ phiếu bia, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các mã phát triển nước giải khát, nước khoáng, thức uống có lợi cho sức khỏe... do nhận định những sản phẩm này không chịu tác động của Nghị định 100/2019 (tăng nặng hình phạt với người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông).

Tăng đột phá với 101% kể từ đầu năm, cổ phiếu của CTCP Nước giải khát Sanna Khánh Hòa (mã SKN) đã tăng từ 9.200 đồng/CP lên 18.500 đồng/CP. Năm 2021, Công ty triển khai xây dựng nhà máy nước giải khát Sanna tại Cụm công nghiệp Sông Cầu với công suất 5.000 sản phẩm/giờ. Mục tiêu của dự án là sử dụng nguồn nước ngầm có chất lượng tốt và trữ lượng lớn, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ.

Khiêm tốn hơn, nhưng mã SKH của CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa cũng tăng từ 20.900 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 4/1) lên 23.200 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 19/6), tương đương 11%.

Trong năm nay, ngoài phát triển các dòng sản phẩm nước yến chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, Công ty đang tập trung nghiên cứu cho ứng dụng dịch chiết yến sào vào các dòng mỹ phẩm, cùng nhiều công trình nghiên cứu trên nền tảng từ nguồn yến sào thiên nhiên để đưa vào sản xuất kinh doanh trong tương lai. SKH dự tính sẽ mang về 1.800 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng hơn 85 tỷ đồng.

Chưa thể bứt phá

Trong hơn một năm qua, ngành đồ uống là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 dẫn tới tình hình sản xuất, kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn. Theo Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang giảm, trong đó ngành đồ uống giảm đến 10%.

Đà hồi phục toàn ngành sẽ chậm, nhu cầu tiêu thụ chỉ trở lại vào năm 2022 thay vì năm 2021

Trong bối cảnh khó khăn còn hiện hữu và diễn biến của đại dịch Covid-19 phức tạp, nhóm chuyên gia của SSI Research thận trọng dự báo, đà hồi phục toàn ngành sẽ chậm, nhu cầu tiêu thụ chỉ trở lại vào năm 2022 thay vì năm 2021. Đối với ngành bia, bên cạnh dịch, giá nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ và giá cả sản phẩm.

Ngoài Nghị định 100, sự thiếu vắng của du khách nước ngoài cũng khiến lượng tiêu thụ đồ uống sụt giảm. Cho đến khi du lịch mở cửa đón khách quốc tế trở lại, ngành đồ uống, đặc biệt là bia sẽ rất khó đạt được những con số trước dịch (theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, nhóm khách ngoại chiếm đến 5,5% tổng mức bán lẻ trước thời điểm dịch bùng phát).

Đại diện Sabeco cũng khẳng định, Việt Nam không tồn tại một mình, số phận của Công ty sẽ liên quan đến phần còn lại của thế giới, khi các dòng sản phẩm xuất khẩu cũng như lượng khách du lịch có quyết định đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, các chuyên gia nhận định, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu tiêu thụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán của người dân tăng cao, ngoài ra cũng do mức so sánh cơ sở thấp của quý I/2020. Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát vào cuối tháng 4 khiến khả năng tiêu thụ đồ uống suy giảm đáng kể. Điều này sẽ phản ánh trực tiếp vào kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) mong Chính phủ cân nhắc, lùi thời gian chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022 dự án luật sửa đổi, bổ sung thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống tạo điều kiện cho ngành vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo VBA, ngành đồ uống đang huy động nhiều nguồn lực xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Thống kê cho thấy, ngành này đang sử dụng khoảng trên 220.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy và lao động ở các lĩnh vực phụ trợ liên quan, đồng thời toàn ngành cũng tham gia, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tin bài liên quan