Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 19,97 điểm, tương đương tăng 1,45% lên 1.392,7 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 8,5% lên 107.995 tỷ đồng, khối lượng tăng 9,8% lên 3.663 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 12,92 điểm, tương đương tăng 3,47% lên 384,84 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 3,1% xuống 12.810 tỷ đồng, khối lượng giảm 7,3% xuống 564 triệu cổ phiếu.
Những thông tin tích cực về việc khôi phục nền kinh tế, mở cửa sản xuất đã mang lại đà tăng cho thị trường. Lại một tuần giao dịch mà các cổ phiếu phân bón và bất động sản sản tiếp tục giữ vững nhịp sóng với mức tăng lần lượt 4,49% và 1,89%.
Trong khi đó, dệt may là ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày (theo đánh giá của Bộ Công thương) do giãn cách xã hội và được kỳ vọng sẽ bật mạnh sau khi hoạt động sản xuất được nối lại. Thực tế, nhóm cổ phiếu này vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn.
Đì đẹt cổ phiếu dệt may
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 8/10 (VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 15/10 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
TCM |
HOSE |
63.800 |
71.300 |
+11,76 |
EVE |
HOSE |
17.900 |
18.500 |
+3,35 |
VGT |
UPCoM |
20.900 |
21.400 |
+2,39 |
TVT |
HOSE |
28.900 |
29.500 |
+2,07 |
TNG |
HNX |
31.200 |
31.700 |
+1,60 |
VGG |
UPCoM |
45.100 |
45.600 |
+1,11 |
HNI |
UPCoM |
43.800 |
44.200 |
+0,91 |
GMC |
HOSE |
27.100 |
27.300 |
+0,74 |
M10 |
UPCoM |
19.500 |
19.600 |
+0,51 |
MSH |
HOSE |
87.900 |
88.000 |
+0,11 |
ADS |
HOSE |
39.400 |
39.150 |
-0,63 |
KMR |
HOSE |
7.880 |
7.740 |
-1,77 |
GIL |
HOSE |
69.500 |
67.200 |
-3,30 |
Trong tuần qua, ngoài mã TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng mạnh với 11,76%, các mã khác chỉ tăng ở mức vừa phải hoặc nhích nhẹ như EVE của CTCP Everpia (+3,35%), VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (+2,39%), TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (+1,60%)...
Ngoài ra, một số mã còn giảm như ADS của giảm CTCP Damsan (-0,63%), KMR của CTCP Mirae (-1,77%) hay GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (-3,30%)...
Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2021 đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, VITAS cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may vẫn sẽ giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tương đương kết quả năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức với ngành dệt may, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Thực tế, trong tháng 9, doanh thu tiêu thụ của Đầu tư và Thương mại TNG đạt 535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong quý III, doanh thu của Công ty ước đạt 1.707 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.079 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và hoàn thành xấp xỉ 85% mục tiêu cả năm (4.798 tỷ đồng).
Về phía TCM, trong tháng 9, TCM ghi nhận doanh thu hơn 7,9 triệu USD (xấp xỉ 182 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 603.245 USD (gần 14 tỷ đồng). Công ty cho biết trong tháng 9, Công ty chỉ thực hiện làm việc giãn cách do dịch bệnh phức tạp nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao dẫn tới biên lãi gộp không cao và bị lỗ.
Lũy kế 9 tháng, TCM ước tính doanh thu đạt hơn 114 triệu USD (2.622 tỷ đồng), tương đương cùng kỳ năm 2020 và lãi sau thuế gần 4,9 triệu USD (gần 113 tỷ đồng). Như vậy, TCM đã hoàn thành được 64% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đối với CTCP May Sông Hồng, Chứng khoán BVSC ước tính thận trọng lợi nhuận trong quý III/2021 của Công ty sẽ đạt 115 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ do khoản trích lập dự phòng phải thu 117 tỷ đồng trong quý III/2020.
Thế khó của doanh nghiệp
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS, ngành dệt may sử dụng lao động rất lớn, tổng lực lượng khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên, hậu dịch bệnh, để người lao động quay trở lại là rất khó khăn. Bởi trong thời gian dịch bệnh, người lao động đã về quê, e ngại dịch bệnh quay lại và tìm kiếm những công việc khác để trang trải cuộc sống.
“Nếu chỉ nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD trong 9 tháng qua của toàn ngành, chúng ta vẫn thấy rằng, doanh nghiệp không đến mức quá bi đát. Nhưng nếu nhìn vào lực lượng lao động thì đây sẽ là khó khăn vô cùng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Các doanh nghiệp “3 tại chỗ” cũng chỉ sử dụng được 10 - 20% lao động để giải quyết các đơn hàng”, ông Cẩm chia sẻ.
Tổng công ty Việt Thắng cho biết, tính đến giữa tháng 10, Công ty mới chỉ hoạt động với từ 50 - 70% số lao động. Bước đầu, Công ty chỉ khôi phục sản xuất, vì vậy ưu tiên cho lao động trực tiếp, khối gián tiếp mới hoạt động 30% số lao động.
Từ nay đến cuối năm, VITAS đánh giá thâm hụt lao động sẽ rơi vào khoảng từ 35 - 37%. Mặc dù TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần mở cửa trở lại, nhưng rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng tới sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đây sẽ là thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp để tìm được nguồn lao động thay thế và bổ sung vào sản xuất.
Mặt khác, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với bài toán mất đi các khách hàng hiện tại và đơn hàng tương lai, bởi cuối năm là cao điểm mua sắm từ nước ngoài song các đơn hàng tồn đọng vẫn còn lớn.
Vậy nên, trước mắt các doanh nghiệp phải hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn hàng phục vụ cuối năm ở thị trường lớn thuộc khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng. Nếu không thể tranh thủ lấy lại thị trường, khách hàng sẽ chuyển sang các nước khác và nguy cơ mất khách hàng là rất lớn.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng CTCP May 10 chia sẻ, 80% đơn hàng của May 10 là đơn hàng xuất khẩu. Trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của giãn cách, các đơn hàng đã ký hợp đồng cũng bị ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Khi Chính phủ chuẩn bị cho khôi phục kinh tế tiến tới mở cửa giao thương, việc đầu tiên của May 10 là sẽ tập trung gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký kết tồn đọng phải giao trong tháng 9 và tháng 10.
“Đây là thời điểm rất tốt để các doanh nghiệp lấy lại niềm tin từ các khách hàng, để cả khách hàng nước ngoài và các đơn hàng không bị chuyển khỏi Việt Nam. Những tháng cuối năm, May 10 sẽ gấp rút tuyên truyền, đốc thúc người lao động cố gắng tăng năng suất để đẩy mạnh sản xuất trong quý IV tới”, ông Việt cho biết.
Cuối cùng là nguy cơ đứt gãy dòng tiền khi phải chi trả các chi phí lớn trong quá trình duy trì hoạt động sản xuất, chi phí xét nghiệm vắc xin, chi phí ăn ở tại nhà máy cho công nhân, chi phí hỗ trợ công nhân bị tạm dừng công việc… Do đó, đến khi hoạt động sản xuất được nối lại, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để đáp ứng.
Kỳ vọng vào kịch bản tích cực
Để dự báo tình hình sản xuất của toàn ngành, phía VITAS đã đưa ra 3 kịch bản từ nay đến cuối năm.
Kịch bản tích cực là Việt Nam khống chế được dịch bệnh từ đầu tháng 10, xuất khẩu dệt may trong năm dự kiến đạt 37,5 - 38 tỷ USD.
Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, còn có địa phương và khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm chỉ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD.
Kém tích cực nhất sẽ xảy ra nếu Việt Nam không kiểm soát được dịch bệnh, phong tỏa, giãn cách sẽ còn kéo dài đến đầu tháng 12/2021 thì xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD.
Chứng khoán VCBS cho rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí tác động tiêu cực của đại dịch có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Do đó, năm 2021 được đánh giá vẫn là năm xuất khẩu dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà Việt Nam là nước nhiều tiềm lực để lựa chọn.